Giải pháp năng lượng nào dành cho Châu Á

ThienNhien.Net – So với các nước láng giềng Đông Nam Á, mạng lưới điện Singapore được cho là hoàn hảo với nguồn cung ổn định không chỉ cho tiêu dùng hộ gia đình mà cả hoạt động sản xuất công nghiệp. Đây là điều kiện cần thiết giúp duy trì phát triển kinh tế và cung cấp việc làm.

Song cùng lúc đó, có đến 1/5 trong số 600 triệu người dân Đông Nam Á đang phải sống trong cảnh thiếu năng lượng. Tình trạng thiếu điện dai dẳng, cúp điện thường xuyên xảy ra tại các quốc gia đông dân trong khu vực, kìm hãm tốc độ phát triển kinh tế. Vấn đề này khiến các nhà lãnh đạo trong khu vực đau đầu khi phải đáp ứng nhu cầu điện năng của các nhà đầu tư, đồng thời cải thiện chất lượng đời sống cho người dân và doanh nghiệp.

Trong bối cảnh này, giải pháp phổ biến là xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện và thuỷ điện, kéo theo đó là những hậu quả lâu dài đối với môi trường khu vực và toàn thế giới.

Đập thủy điện Nam Ngum ở Lào (Ảnh: laotimes)
Đập thủy điện Nam Ngum ở Lào (Ảnh: laotimes)

Theo đánh giá, Đông Nam Á là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất bởi biến đổi khí hậu, bằng chứng là các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ diễn ra với tần suất ngày càng dày đặc. Khai thác than đốt phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện, khiến ô nhiễm không khí càng thêm trầm trọng, tăng lượng khí nhà kính và trực tiếp đẩy nhanh biến đổi khí hậu. Mặt khác, các đập thuỷ điện lớn dự kiến xây dựng trên lưu vực sông Mê Kông sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến các hoạt động canh tác và đánh bắt thủy sản, đe doạ nhiều loài quý hiếm.

Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB),các đô thị lớn tại Đông Nam Á tiêu thụ 80% tổng năng lượng của khu vực và gây ra 75% lượng khí thải. Ước tính trong vòng 20 năm tới, Đông Nam Á chiếm 65% mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng vọt, Đông Nam Á đang nhanh chóng trở thành một trong “cỗ máy” năng lương hàng đầu thế giới. Sản xuất năng lượng trong khu vực được dự đoán tăng gấp ba lần trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2035, trong đó khí đốt là nguyên liệu chính.

Rõ ràng, nếu không có bất kì thay đổi nào trong chính sách năng lượng, lượng khí thải của Đông Nam Á hoàn toàn có thể tăng gấp đôi, lên tới 2,3 tỉ tấn trong vòng 20 năm tới và dẫn đầu toàn thế giới. Các chính sách năng lượng sẽ được trao đổi tại hội nghị Biến đổi khí hậu do Liên hợp quốc tổ chức vào cuối năm nay tại Paris, nhưng thực tế hiệu quả của các thỏa thuận như vậy phụ thuộc rất nhiều vào cam kết cắt giảm khí thải từ các nước thành viên. Đây là thách thức không hề đơn giản đối với các nhà lãnh đạo.

Chẳng hạn, trong bối cảnh chỉ có 16% dân số quốc gia có nguồn năng lượng ổn định, Tổng thống Indonesia Jono Widodo đã quyết định tuyên bố chương trình năng lượng 35.000 MW cho đến năm 2019, với hơn một nửa công suất từ than đốt. Sở hữu tiềm năng năng lượng tái tạo khá dồi dào, thế nhưng quốc gia này chỉ dừng lại ở mức đầu tư nhỏ lẻ, không hiệu quả bên cạnh những hô hào sáo rỗng trong các chính sách năng lượng.

Đứng trước bài toán về năng lượng, , các nhà khoa học đã đưa ra một số giải pháp bước đầu. Thứ nhất là khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo, đặc biệt là ở các khu vực hẻo lánh chưa có lưới điện nhằm giúp cải thiện an ninh năng lượng trong vùng. Thứ hai, việc cắt giảm hệ thống chiếu sáng công cộng cũng có thể giúp tiết kiệm được chi phí không nhỏ.

Những biện pháp này được khuyến cáo phải  nhanh chóng đưa vào các cuộc thảo luận chính sách. Lí do không chỉ bởi các nhà đầu tư đang chờ đợi những chính sách năng lượng đúng hướng. Điều đáng quan ngại hơn là tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước và mất đất canh tác đang khiến làn sóng phản đối xây dựng các nhà máy nhiệt điện than đốt ngày càng mạnh mẽ. Tại Indonesia, nông dân ở thung lũng Jawa Tengah đã phản đối thành công dự án nhiệt điện Batang 2.000 MW trị giá 4 tỉ USD. Tương tự, hàng trăm người dân phía Tây Myanmar cũng đã kịch liệt phản đối dự án nhà máy nhiệt điện của Nam Triều Tiên có tổng vốn đầu tư là 2,5 tỉ USD, bởi những lo ngại đối với môi trường.