Quảng Nam: Chuyển đổi gần 35 ha rừng để làm thủy điện và khu đô thị

Sau nhiều lần tạm dừng, cân nhắc, cuối cùng thì Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Quảng Nam cũng đã thông qua nghị quyết, cho phép chuyển đổi gần 35 ha đất rừng sang mục đích khác để giao cho các dự án thủy điện và xây dựng khu đô thị…

Quyết định này vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 22 của HĐND tỉnh Quảng Nam hôm 16.3.

Tại đây, HĐND tỉnh Quảng Nam quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng 33,7 ha đất rừng trồng sang mục đích khác để xây dựng Dự án Thủy điện Sông Tranh 4 trên địa bàn 2 huyện Hiệp Đức và Tiên Phước.

Dự án thủy điện Sông Tranh 4 ở Quảng nam. Ảnh: Đ.Th

Dự án Thủy điện Sông Tranh 4 được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt quy hoạch vào năm 2010, cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày vào đầu năm 2011 và thay đổi lần thứ 7 vào năm 2020 với tổng diện tích hơn 4.342ha; công suất lắp máy sau khi nâng cấp là 48 MW, tạo ra sản lượng điện trung bình năm 178 triệu KWh.

HĐND tỉnh Quảng Nam cũng quyết định chuyển đổi hơn 1 ha rừng dừa nước sang mục đích khác để xây dựng Dự án đầu tư xây dựng nhà ở Khu đô thị Cồn Tiến tại xã Cẩm Thanh, Hội An.

Dự án được HĐND tỉnh chấp thuận đầu tư vào năm 2018, UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận dùng nguồn thu từ tiền sử dụng đất của dự án để hoàn vốn đầu tư xây dựng cầu trên tuyến dẫn phía bắc Cầu Cửa Đại theo hình thức hợp đồng xây dựng- chuyển giao. Dự án do Công ty Cổ phần Đạt Phương làm Chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 518 tỷ đồng.

Các tờ trình xin chuyển đổi đất rừng nói trên đã dự định đưa ra HĐND nhiều lần trước đây nhưng đã bị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam xin rút lại ở phút chót để cân nhắc, kiểm tra, xem xét kỹ trở lại. Và cho đến nay thì không có sự thay đổi nào.

Dù HĐND tỉnh Quảng Nam cho rằng việc chuyển đổi hơn 35 ha đất rừng cho 2 dự án này không ảnh hưởng đến độ che phủ chung về rừng của Quảng Nam nhưng rõ ràng rừng không còn cơ hội để tái sinh.

Thực tế, rừng ở vùng dự án thủy điện đã không còn cổ thụ, cây gỗ tự nhiên, nhưng đất đai, thổ nhưỡng, cao độ, vị trí… vẫn là đất – rừng. Rừng dừa ở Cẩm Thanh thưa thớt cây… Nhưng nếu khoanh nuôi, trồng tái sinh, bảo vệ, thậm chí bỏ hoang thì đất này có cơ hội thành rừng trở lại sau vài chục năm. Một khi đã chuyển đổi mục đích khác, giao cho dự án phát triển kinh tế, chắc chắn rừng sẽ mất vĩnh viễn. Sự đánh đổi này, HĐND dân và chính quyền tỉnh Quảng Nam đánh giá là mang lại hiệu quả kinh tế… nhưng với môi trường tự nhiên, với sinh kế người dân địa phương và hiệu quả xã hội lâu dài thì bị ảnh hưởng nặng nề.