Chuyển đổi kinh tế để bảo vệ thế giới tự nhiên

Báo cáo ngày 2-2 của nhóm chuyên gia được ủy quyền bởi Bộ Tài chính Anh nhận định, các quốc gia cần cân nhắc lại quan điểm coi sự tăng trưởng kinh tế như thước đo thành công nếu muốn thực hiện những cam kết về bảo vệ môi trường tự nhiên.

Bảo vệ môi trường tự nhiên sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế. Ảnh: Tân Hoa xã

Trong bối cảnh nhiều quốc gia sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về đa dạng sinh học của Liên hợp quốc ở Côn Minh (Trung Quốc) dự kiến diễn ra cuối năm 2021, các nhà nghiên cứu đã nỗ lực nhấn mạnh lợi ích tài chính của việc bảo tồn rừng, đại dương và các môi trường sống đa dạng.

Trong báo cáo mới nhất, các nhà nghiên cứu đã kêu gọi các quốc gia đặt hệ sinh thái vào trung tâm của những quyết định liên quan đến kinh tế. Chuyên gia kinh tế Partha Dasgupta của Đại học Cambridge (Anh) nhận định, để đạt được nền kinh tế tốt đòi hỏi các quốc gia phải quản lý tốt thiên nhiên.

Đối với vấn đề này, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã bày tỏ sự hoan nghênh và cho biết, 2021 là năm quan trọng trong việc xác định liệu thế giới có thể ngăn chặn và đảo ngược xu hướng đáng lo ngại liên quan đến tình trạng đa dạng sinh học đang sụt giảm nhanh chóng.

Báo cáo dài 602 trang cũng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách chấp nhận thực tế mọi hoạt động kinh doanh đều liên quan đến thiên nhiên và bắt đầu đánh giá các hệ sinh thái theo cách phù hợp. Nhóm nghiên cứu đồng thời kêu gọi nhiều phương pháp mới để đánh giá giá trị của nhiều lợi ích mà thiên nhiên mang lại, như không khí sạch và đất đai màu mỡ. Điều này sẽ cho phép các nhà hoạch định chính sách có thể đưa ra những đánh giá tốt hơn về đánh đổi giữa phát triển kinh tế và bảo vệ thiên nhiên.