Ngừng “hợp thức hóa” gỗ lậu!

Trách nhiệm của việt nam với cộng đồng quốc tế trong nỗ lực ngăn chặn các đường dây buôn bán gỗ lậu.

Trách nhiệm của việt nam với cộng đồng quốc tế trong nỗ lực ngăn chặn các đường dây buôn bán gỗ lậu. Ảnh: bienphong.com.vn

Nhiều cuộc điều tra về việc hợp thức hóa gỗ lậu ở Việt Nam đang được tiến hành, đòi hỏi Việt Nam cần nhanh chóng minh bạch nguồn cung cấp gỗ cho hoạt động xuất khẩu và hợp tác bảo vệ rừng cho khu vực Đông Dương.

Bất chấp những tác động tiêu cực từ dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam trong 10 tháng năm 2020 vẫn đạt gần 10,6 tỉ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái (theo Tổng cục Hải quan). Con số này giúp Việt Nam giữ vững vị trí dẫn đầu trong khối khối ASEAN, thứ 2 châu Á và thứ 5 thế giới về giá trị xuất khẩu lâm sản.

Nguồn gỗ nguyên liệu để phục vụ cho xuất khẩu được các ban ngành liên quan giải thích là đến từ rừng trồng và gỗ nhập khẩu. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), tính đến tháng 9.2020, cả nước còn 14,6 triệu ha rừng, trong đó chỉ có 15% là giàu về trữ lượng, trong khi có tới 35% tổng số diện tích là rừng nghèo kiệt, không đủ điều kiện khai thác ít nhất trong 10 năm tới.

Nỗi lo về nguồn cung càng lớn khi báo cáo của Forest Trends tháng 11.2020 chỉ ra Việt Nam là 1 trong 2 quốc gia tiêu thụ gỗ khai thác trái phép nhiều nhất từ các nước Lào và Campuchia. Ảnh: plo.vn

Nỗi lo về nguồn cung càng lớn khi báo cáo của Forest Trends tháng 11.2020 chỉ ra Việt Nam là 1 trong 2 quốc gia tiêu thụ gỗ khai thác trái phép nhiều nhất từ các nước Lào và Campuchia. Trong 8 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu 6.938 m3 gỗ tròn, 42.852 m3 gỗ xẻ từ Lào và 673 m3 gỗ tròn, 12.369 m3 gỗ xẻ từ Campuchia. Nhưng đây là 2 trong số nhiều loại sản phẩm gỗ cực kỳ hạn chế, thậm chí cấm xuất khẩu ở Campuchia năm 2014 và ở Lào từ năm 2016.

Việt Nam còn bị nghi ngờ gián tiếp tiêu thụ gỗ lậu từ Lào và Campuchia qua Trung Quốc rồi nhập khẩu ngược lại Việt Nam để xuất sang Mỹ. Phân tích của gỗ Việt từ số liệu Hải quan cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2020, kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ đối tác Trung Quốc đã vượt 555,150 triệu USD. Trung Quốc cũng là đầu mối tiêu thụ lớn đối với gỗ lậu ở khu vực Đông Dương, trung bình 200.000 m3 từ Lào và 60.000 m3 từ Campuchia trong 10 năm qua.Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách tại Tổ chức Forest Trends, chia sẻ: “Có sự khác biệt lớn về dữ liệu thương mại giữa các quốc gia cung và cầu về gỗ. Đơn cử, Chính phủ Lào báo cáo không xuất khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ sang Trung Quốc, trong khi Chính phủ Trung Quốc báo cáo một số loại gỗ nhập khẩu từ Lào”.

Việt Nam vẫn đang “vô tình” cho phép nguồn gỗ lậu được vận chuyển vào qua đường nhập khẩu. Điển hình như số liệu khai báo xuất khẩu giai đoạn 2015-2018 của Campuchia sang Việt Nam chỉ gần 8,3 triệu USD, nhưng phía Hải quan Việt Nam khai báo rằng kim ngạch nhập khẩu từ Campuchia trong cùng kỳ là hơn 885 triệu USD, đồng nghĩa trên 90% gỗ từ Campuchia không có giấy phép (theo Cơ quan Điều tra Môi trường – EIA).

“Xây dựng một mạng lưới dữ liệu thống nhất giữa các chính phủ của cả bên cung và cầu, thông qua các cuộc đàm phán song phương là rất cần thiết để kiểm soát tình trạng buôn lậu gỗ xuyên biên giới”, ông Tô Xuân Phúc chia sẻ thêm. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam, Lào và Campuchia là những quốc gia có tốc độ suy giảm rừng tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Trước nhiều số liệu mơ hồ về xuất xứ gỗ của Việt Nam, ngày 8.10, Mỹ đã kêu gọi cộng đồng đóng góp thông tin điều tra Việt Nam buôn lậu gỗ và bắt đầu áp thuế 10% lên một số mặt hàng. Trên 200 vụ kiện và các vụ vi phạm liên quan tới người Việt Nam khai thác trái phép gỗ ở Campuchia và Lào vẫn chưa được giải quyết, theo EIA.

Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vẫn chỉ đặt ra mục tiêu, bước sang năm 2021, ngành xuất khẩu gỗ và lâm sản phấn đấu đạt giá trị xuất khẩu tăng khoảng 12% so với năm nay nhưng chưa hề có một bản kế hoạch chi tiết về nguồn gỗ nguyên liệu. “Kiểm soát hiệu quả gian lận thương mại, truy xuất nguồn gốc là vấn đề sống còn của ngành gỗ nói riêng và tất cả các ngành kinh tế nói chung”, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhận định.

Từ ngày 30.10.2020, Nghị định về Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) với Liên minh châu Âu đã bắt đầu có hiệu lực. Việt Nam cần chấm dứt việc “hợp thức hóa” gỗ lậu tại Campuchia và Lào để thực hiện được cam kết với cộng đồng quốc tế trong vấn đề này.