Sâu 400 mét dưới vùng biển lạnh lẽo nhất trái đất, Robot của dự án ATLAS đã tìm thấy hàng loạt sinh vật lạ sinh tồn quanh một hệ thống thủy nhiệt.
Tiết lộ trên ABC News, giáo sư Murray Roberts từ Đại học Edinburgh (Anh), người đứng đầu dự án nghiên cứu đại dương lớn nhất thế giới ATLAS cho biết các phát hiện nói trên được thực hiện nhờ chuyến đi năm trên tàu phá băng Amundsen của Lực lượng Phòng vệ bờ biển Canada, khảo sát vùng biển ngoài khơi đảo Greenland, thuộc Bắc Băng Dương. Các mẫu vật, hình ảnh được thu thập về phòng thí nghiệm và cho đến nay họ đã xác định được 12 loài hoàn toàn mới.
Theo Euro News, để tìm kiếm sinh vật lạ, các nhà khoa học đã gửi các tàu đổ bộ dạng robot xuống đáy đại dương. Ở độ sâu 400 mét, các robot đã phát hiện một “kho báu” sự sống phong phú được nuôi dưỡng bởi hệ thống thủy nhiệt ấm áp.
12 loài mới bao gồm cá, san hô nước sâu, bọt biển, rêu biển và một số dạng động vật thân mềm khác. Đặc sắc nhất có thể kể đến san hô đen Epizoanthus martinsae hay rêu biển microporella funbio, chuyên tiêu thụ các mảnh thức ăn lơ lửng trong nước. Ngoài ra, họ còn xác định được 35 loài hiếm mà trước đây không ai nghĩ chúng có thể tồn tại trong môi trường tối tăm và lạnh giá như ở đây.
Thế nhưng theo giáo sư Murray, dù ẩn nấp ở nơi cách xa con người và khắc nghiệt bậc nhất trái đất, những sinh vật lạ này vẫn đang bị đe dọa bởi tình trạng biến đổi khí hậu mà con người đã góp phần lớn gây nên. Hiện tượng ấm lên toàn cầu, axit hóa đại dương và cả hoạt động săn bắt cá có thể làm môi trường sống của chúng thay đổi, dẫn đến tuyệt diệt.
Sự phát hiện sinh vật sống sâu dưới biển, nương náu các hệ thống thủy nhiệt – có thể hiểu như như những “lỗ thông hơi” giữa đại dươi và lòng đất nóng bỏng – có ý nghĩa nhiều mặt. Các nhà thiên văn đã khám phá ra nhiều hành tinh, mặt trăng có thể có hệ thống thủy nhiệt và đại dương ngầm như Sao Diêm Vương hay mặt trăng Enceladus của Sao Thổ… và tin rằng đó chính là nơi trú ngụ của sinh vật ngoài hành tinh. Một “mô hình sống” ngay trên trái đất là cơ hội nghiên cứu tuyệt vời.