3/4 bệnh ở người có nguồn gốc từ động vật, bác sĩ thú y sẽ cứu thế giới?

Ngoài virus Sars-Cov-2 gây ra bệnh COVID-19, vẫn còn hàng triệu loại virus trên động vật có khả năng lây sang người, vì vậy vai trò của bác sĩ thú y rất quan trọng.

Vào năm 2018, dịch tả lợn châu Phi khiến người chăn nuôi ở Trung Quốc thiệt hại hàng triệu con lợn chỉ trong vài tháng ngắn ngủi. Tuy căn bệnh này không truyền sang người, nhưng đây vẫn là hồi chuông cảnh báo rằng hệ thống thú y của Trung Quốc chưa sẵn sàng để đối phó với dịch bệnh. Đến năm 2019, một loại virus khác xuất phát từ động vật đã xuất hiện biến chủng có thể lây nhiễm cho người, dẫn đến đại dịch COVID-19.

COVID-19 nhanh chóng lan ra toàn thế giới và cướp đi sinh mạng của ít nhất 1,6 triệu người, đồng thời khiến nền kinh tế toàn cầu suy giảm. Đó là cái giá quá đắt cho việc coi nhẹ công tác bảo vệ sức khỏe động vật.

Theo tổ chức Thú y Thế giới (OIE), có tới 3/4 bệnh ở người có nguồn gốc từ động vật.

Theo tổ chức Thú y Thế giới (OIE), có tới 3/4 bệnh ở người có nguồn gốc từ động vật. (Ảnh: SCMP)

Kể từ đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên ở Vũ Hán vào tháng 12/2019, hệ thống y tế công cộng và bộ phận thú y của Trung Quốc vẫn cần được cải thiện. Ông E. Wayne Johnson, bác sĩ thú y và chuyên gia tư vấn tại Enable AgTech, nói rằng chính phủ Trung Quốc vẫn còn lơ là trong việc giám sát hoạt động chăm sóc sức khỏe động vật, số lượng chuyên gia về sức khỏe động vật và bác sĩ thú y tại nước này cũng chưa đáp ứng nhu cầu.

“Bệnh dịch tả lợn châu Phi mất nhiều năm để lây lan từ châu Âu qua Nga, nhưng chỉ mất vài tuần để lan ra toàn bộ Trung Quốc”, bác sĩ Johnson nêu dẫn chứng.

Ngành thú y thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng

Các tổ chức y tế toàn cầu bao gồm OIE, WHO, và tổ chức Nông lương nghiệp từ lâu đã ủng hộ phong trào “Một sức khỏe”, có nghĩa là sức khỏe con người, động vật và môi trường là một hệ thống gắn liền, ảnh hưởng tới nhau.

Nhưng ở Trung Quốc cũng như hầu hết các nước khác, các cơ quan chính phủ phụ trách vấn đề sức khỏe cộng đồng là Bộ Y tế và trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), trong khi Bộ Nông nghiệp phụ trách sức khỏe động vật.

Hồi tháng 6, quốc vụ viện Trung Quốc cho biết y tế nông thôn là “mắt xích yếu nhất” trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này. Trong 5 năm qua, số bác sĩ và nhân viên y tế ở nông thôn giảm đều đặn 3,5%. Trước tình hình đó, Trung Quốc kêu gọi các bác sĩ thú y tích cực đầu quân vào các khu vực nông thôn để phòng chống và kiểm soát dịch bệnh trên động vật.

Theo thống kê công khai, Trung Quốc chỉ có 100.000 bác sĩ thú y được chứng nhận trong 1,4 tỷ dân. Rất ít người trong số này phục vụ cho sức khỏe cộng đồng.

Do thiếu nhân lực trầm trọng, Bắc Kinh cho biết họ sẽ loại bỏ yêu cầu vốn đã thấp về chứng chỉ đối với bác sĩ thú y ở các vùng nông thôn. Trước đó, bác sĩ nông thôn chỉ cần có bằng đại học về ngành thú y, thời gian lấy bằng khoảng ba năm.

Ở Trung Quốc, các cơ quan chính phủ phụ trách vấn đề sức khỏe cộng đồng là Bộ Y tế và trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh. (Ảnh: Reuters)

Đãi ngộ dưới mức trung bình

Các bác sĩ thú y tại nông thôn Trung Quốc là những người ở tuyến đầu của cuộc chiến phòng chống dịch bệnh động vật. Dù nhu cầu về nhân lực rất cao, nhưng đãi ngộ của họ lại thấp.

Thành phố Gaoping ở vùng nông thôn tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, cho biết họ sẽ thuê 16 nhân viên y tế thú y với mức lương tháng chỉ 2.500 nhân dân tệ (382 USD), thấp hơn cả thu nhập trung bình của người dân nước này.

Một cuộc điều tra của hãng thông tấn Tân Hoa xã vào tháng 6 cho thấy các nhân viên thú y ở vùng Tân Cương chỉ kiếm được hơn 1.000 nhân dân tệ (khoảng 153 USD) mỗi tháng.

“Thậm chí còn không cao bằng những người làm công trong nhà máy xóa đói giảm nghèo của chính phủ”, báo cáo của Tân Hoa xã viết.

Diana Bell, nhà nghiên cứu về bệnh ở động vật hoang dã tại đại học East Anglia của Anh, cho biết đãi ngộ dành cho các chuyên gia y tế thú y ở Trung Quốc cần được cải thiện: “Điều quan trọng công việc của họ cần được coi trọng, có tầm ảnh hưởng và được trả lương cao, vậy mới có thể đảm bảo sức khỏe của vật nuôi và những người ăn chúng”.

Theo nghiên cứu của bà Bell về nguồn gốc của đợt dịch SARS năm 2003, dịch bệnh này được phát hiện sớm nhất tại các khu chợ của Trung Quốc. Bà cùng các nhà nghiên cứu khác cảnh báo rằng việc ngược đãi động vật, bao gồm buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và tiêu chuẩn sức khỏe thấp trong chăn nuôi gia súc ở Trung Quốc, có thể dẫn đến một loại virus gây bệnh ở người nguy hiểm. Do vậy, vai trò của các bác sĩ thú y trong việc ngăn chặn các dịch bệnh có thể lây sang người là rất quan trọng.

Y tế nông thôn là “mắt xích yếu nhất” trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc. (Ảnh: Xinhua)

“Có hàng triệu loại virus chưa được phát hiện”

Dù nguồn gốc của virus Sars-Cov-2 chưa được xác định, các nhà khoa học khẳng định virus này xuất phát từ động vật. Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm mua bán động vật hoang dã để đối phó với những nghi ngờ rằng COVID-19 bắt nguồn từ việc ăn thịt động vật ở nước này.

Hoạt động chăn nuôi cũng dẫn đến các chủng cúm gia cầm khác nhau, điển hình là H5N1. Căn bệnh này đã giết chết hàng chục người Trung Quốc trong thập kỷ qua. Tương tự, bệnh xuất huyết ở thỏ lần đầu tiên được báo cáo ở Trung Quốc vào những năm 1980, động vật mắc bệnh này có tỷ lệ tử vong hơn 70%.

“Có hàng triệu loại virus chưa được phát hiện và chúng tôi không biết liệu chúng có thể lây sang người hay không”, bà Bell cho biết.

Feng Yonghui, chuyên gia về ngành công nghiệp thịt tại trang Soozhu.com, cho biết sức khỏe cộng đồng và sức khỏe động vật vẫn bị coi là hai lĩnh vực tách biệt ở Trung Quốc: “Ở Trung Quốc, công việc chính của bác sĩ thú y là tiêm phòng và giám sát dịch bệnh ở lợn, bò, gà và các động vật khác, trong khi các vấn đề sức khỏe cộng đồng do bác sĩ y tế về sức khỏe con người phụ trách”.

Ông Feng cho biết thêm, có rất ít bác sĩ thú y Trung Quốc làm việc trong lĩnh vực y tế công cộng.

Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm mua bán động vật hoang dã để đối phó với những nghi ngờ về COVID-19. (Ảnh: Pexels)

Dirk Pfeiffer, giáo sư về “Một sức khỏe” tại đại học Thành phố Hồng Kông, nói rằng dù Trung Quốc đã đạt được tiến bộ to lớn về sức khỏe cộng đồng với tư cách là một quốc gia đang phát triển, các chính sách nên ưu tiên quản lý toàn diện cả ba yếu tố: con người, động vật và môi trường.

Giáo sư Pfeiffer ước tính rằng Trung Quốc chỉ có vài trăm bác sĩ thú y được đào tạo đủ tiêu chuẩn. Trong 10 đến 20 năm tới, nước này sẽ cần đào tạo gấp 4 đến 5 lần con số hiện tại.

“Việc tăng chất lượng đào tạo rất quan trọng”, ông Pfeiffer nói. “Cần có thêm nhiều cán bộ ở cấp quốc gia và cấp tỉnh được đào tạo chuyên môn về thú y, cho đến khi tỉnh nào cũng có đơn vị y tế về thú y mạnh”.

Nguồn: