Vương quốc xây trên nền cát

Đà tăng trưởng nhanh chóng của Campuchia trong những thập kỷ gần đây phần lớn gắn với cát. Cát xây nhà, tạo ra các hòn đảo và san bằng những vùng đất ngập nước. Nhưng khi khai thác cát với quy mô lớn từ các dòng sông, mấy ai để tâm đến môi trường khi ngành này phủ một cái bóng quá lớn lên khắp Campuchia.

Ảnh: Enric Catala Contreras

Mỗi sáng, hàng đội xà lan lướt trên sông Mê Kông ở Phnom Penh.

Mỗi chiếc đều chở nặng cát thô khi quay về, có lẽ để san nền cho một phần mới của thủ đô Campuchia đang vươn ra bờ sông. Không xa khu Koh Pich hào nhoáng của Phnom Penh – vốn từng là một hòn đảo tự nhiên nhỏ bé – là một chiếc cần cẩu thò gầu xuống dòng nước múc lên từng gầu cát đổ vào một chiếc xà lan xám xịt khác.

Cát đang tái định hình Campuchia, được dùng để san lấp những khu đất ngập nước hoặc trộn cùng bê tông để tạo thành đường chân trời mới ở Phnom Penh cũng như những thành phố khác khắp nước. Theo dữ liệu của Bộ Năng lượng và Mỏ, năm 2019 có tới 9 triệu mét khối cát được nạo vét, phần lớn phục vụ ngành xây dựng trị giá tới 10 tỷ đô la.

Lượng cát Campuchia khai thác năm 2019 có thể chất thành một hình lập phương cao hơn 208 m – bằng với chiều cao của dự án Gold Tower 42 vốn được coi là một trong những tòa nhà cao nhất Campuchia khi hoàn thành.

Theo giới nghiên cứu, dữ liệu chính xác ở cấp độ khu vực về khai thác cát sông Mê Kông rất tản mát. Khi chi phí môi trường từ việc nạo vét cát tăng cao, những chuyên gia như Marc Goichot thuộc WWF thừa nhận nỗ lực nghiên cứu sâu hơn lâm vào bế tắc. Mặc dù cát thường được hiểu là chất được khai thác nhiều nhất trên thế giới nhưng bất kỳ ai ước tính về quy mô đều rào trước đón sau và suy đoán bằng những thuật ngữ rất thận trọng.

Marc Goichot thuộc WWF chia sẻ: “Cát được khai thác nhiều hơn bất kỳ sinh khối hoặc bất kỳ thứ gì khác. Tôi đoán chỉ có khai thác nước mới hơn được về khối lượng, nhưng [cát] hoàn toàn mù mờ nên rất khó để có được bất kỳ thông tin nào.” Goichot tin rằng quy mô thực sự của hoạt động khai thác cát trên sông Mê Kông ở Campuchia có thể gấp từ 3-5 lần ghi nhận chính thức.

Ngay cả khi những con số chính thức là hoàn toàn chính xác, một nghiên cứu được công bố tháng 1/2020 trên tạp chí khoa học Nature Sustainability cho thấy khối lượng được nạo vét vẫn gấp đôi lượng con sông có thể tự bổ sung một cách tự nhiên sau nhiều năm trầm tích bị mắc kẹt ở các đập thủy điện thượng nguồn.

Ảnh: Enric Catala Contreras

Khi lượng phù sa lòng sông Mê Kông giảm xuống sẽ khiến dòng chảy thay đổi theo. Sạt lở là một quá trình tự nhiên ở ven sông nhưng các nhà thủy văn học cho biết nạn khai thác cát tràn lan tạo thành kiểu dòng chảy ngày càng thất thường gây sạt lở bờ sông ở Campuchia và hạ nguồn ở Việt Nam. Giới nghiên cứu tin rằng ngành khai thác cát lậu lớn đang đẩy nhanh quá trình xâm nhập mặn và mất đất vùng đồng bằng màu mỡ.

Nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng kiếm được dữ liệu dù nó vẫn tồn tại ở các văn phòng tại Phnom Penh.

Tổng giám đốc phụ trách tài nguyên khoáng sản thuộc Bộ Khai mỏ Yos Mony Rath cho biết: “Chúng tôi có một hồ sơ về lượng cát nạo vét. Dựa trên các số liệu được báo cáo, chúng tôi có thể nói rằng con số đang tăng lên”.

Năm ngoái, văn phòng đã giám sát cấp phép cho các công ty khai thác khoảng 9 triệu mét khối cát. Năm 2018, Rath Bộ cấp phép cho 8 triệu mét khối, tăng gấp đôi số lượng năm 2017.

Nạo vét là một hoạt động có từ lâu, bên cạnh giá trị kinh tế của cát thì thực sự cần phải giữ cho các tuyến đường thủy thông thoáng cho tàu thuyền qua lại. Rath nhấn mạnh mục tiêu chính của việc nạo vét ở Campuchia là duy trì giao thông thủy, và rằng hoạt động nạo vét trở nên quan trọng hơn khi mực nước sông Mê Kông và các dòng nhánh giảm xuống.

Bộ khai mỏ nhận thức được nguy cơ sạt lở bờ sông nên làm việc với các cộng đồng địa phương để giảm thiểu rủi ro. Bộ mở một đường dây nóng để công chúng báo cáo hoạt động nạo vét bất hợp pháp hoặc không phù hợp nhưng đường dây nóng này chưa bao giờ nhận được khiếu nại.

Năm 2011, việc nạo vét cát hầu hết do ông trùm Ly Yong Phat thực hiện ở tỉnh ven biển Koh Kong đã lần đầu tiên khiến ngành này bị giám sát chặt chẽ. Dân địa phương chỉ trích tình trạng khai thác quá độ gây thiệt hại về sinh thái và làm giảm số lượng cá.

Cuối năm 2015, Thủ tướng Hun Sen yêu cầu Bộ Mỏ và Năng lượng giám sát chặt hơn ngành khai thác cát sông. Cùng năm đó, sự bất bình ngày càng tăng của công chúng đối với việc khai thác cát buộc Bộ mỏ công bố quy trình cấp phép chặt chẽ hơn cho các tàu nạo vét, tập trung vào đánh giá tác động môi trường.

Trong bối cảnh đó, Bộ tổ chức một cuộc đấu giá công khai về nạo vét cát và chỉ cấp 4 giấy phép. Không lâu sau, Bộ lại cấp phép cho gần 70 công ty vào giữa năm 2016, chưa đầy một năm sau cuộc đấu giá.

Giám sát từ công chúng tăng vọt khi dữ liệu từ cơ sở thống kê dữ liệu thương mại của Liên hợp quốc tiết lộ mức chênh lệch tới 700 triệu đô la trong việc kiểm đếm xuất khẩu chính thức cát từ Campuchia sang Singapore. Số lượng lớn cát không được ghi nhận này lại được chứng thực trong dữ liệu nhập khẩu của Singapore, làm dấy lên các cáo buộc gian lận.

Năm 2017, Campuchia chính thức cấm xuất khẩu cát. Nhưng lệnh cấm không chấm dứt hoạt động nạo vét và kể từ đó ngành này chuyển hướng phục vụ nhu cầu nội địa, bơm bùn cát lên để san lấp các hồ và vùng đất ngập nước rồi xây dựng các tòa tháp và công trình phát triển rộng lớn, phần lớn diễn ra ở Phnom Penh và vùng xung quanh.

Ảnh: Enric Catala Contreras

Ngày nay, có 95 công ty chính thức được phép khai thác cát ở Campuchia, mặc dù 12 công ty đã ngừng hoạt động do tác động từ đại dịch Covid-19. Tên của các công ty nạo vét chưa bao giờ được công bố rộng rãi.

Trên đoạn sông dài chảy qua Phnom Penh, giữa tỉnh Kratie ở phía bắc và biên giới Việt Nam ở phía nam, có 46 công ty được cấp phép khai thác cát. Công ty Xây dựng Chin Ling là công ty có khối lượng cát lớn nhất được phê duyệt trong năm nay với 3 triệu mét khối cát từ 147,7 ha mặt sông quanh ranh giới hai tỉnh Kandal và Kampong Cham.

Gần Phnom Penh hơn, các tàu cuốc đang bơm cát để san lấp cho những dự án phát triển mới. Trong số này có công ty Hero King thuộc sở hữu của con trai ông trùm gỗ Try Pheap và được truyền thông Campuchia xác định là cung cấp cát để lấp vùng đất ngập nước Cheung Ek phía nam thành phố, một công ty khác là Kun Sear Company.

Cát ở sông Mê Kông là một tài nguyên tái tạo, nếu có đủ thời gian và một hệ thống tự nhiên lành mạnh. Nhưng tất cả các nghiên cứu hiện nay về cát trong hệ thống sông cho thấy hệ thống này đã bị phá vỡ hoàn toàn do sự kết hợp chết chóc giữa khai khoáng và xây dựng đập.

Phó giáo sư Chris Hackney thuộc Đại học Southampton đầu năm nay vừa công bố nghiên cứu trên tạp chí Nature nêu bật mối liên hệ giữa sự bất ổn bờ sông trên diện rộng và mức độ khai thác cát không bền vững ở hạ nguồn Mê Kông.

“Khai thác cát không phải là thứ mà chúng tôi đặc biệt xem xét khi bắt đầu [nghiên cứu]. Nhưng sau đó bạn đi xuống bờ sông ở Phnom Penh và thấy rằng mọi con thuyền đều chở đầy cát lấy từ dưới đáy sông”.

Nhóm nghiên cứu, bao gồm các nhà nghiên cứu từ ba trường đại học và chính phủ Campuchia, đã lập bản đồ toàn diện từ Phnom Penh đến Kratie bằng cách sử dụng hệ thống định vị dưới nước có độ phân giải cao để ghi nhận hình ảnh sau mỗi 12-18 giờ.

“Bạn có thể thấy các đụn cát di chuyển qua cửa sổ [thời gian] và tốc độ đó cho bạn biết lượng cát mà dòng sông đang vận chuyển một cách tự nhiên”, Hackney giải thích.

Một bản đồ định vị cho thấy lòng sông Mê Kông bên ngoài thủ đô Phnom Penh được Chris Hackney công bố trong nghiên cứu “Sự bất ổn của bờ sông do khai thác cát không bền vững ở hạ nguồn Mê Kông” trên chuyên san Nature Sustainability.

Ảnh: Enric Catala Contreras

Các hình ảnh đưa ra phác thảo tổng thể rõ nhất về cảnh quan dưới nước thủng lỗ chỗ do tác động của việc nạo vét. Ở một số điểm nóng, chẳng hạn như xung quanh ngã ba sông Mê Kông, Bassac và Sap tại Phnom Penh, lòng sông đã bị hạ thấp tới 8 mét – quá đủ để gây ra sự bất ổn định theo mùa trên diện rộng với bờ sông.

Đặc điểm như vậy phù hợp với câu chuyện lớn hơn về sông Mê Kông trong cơn báo động đỏ, từ vùng nước xanh ngắt không phù sa cho đến hiện tượng đảo dòng ngày càng yếu ớt và không thể đoán trước của hồ Tonle Sap mênh mông của Campuchia. Khi việc khai thác cát và các yếu tố khác, bao gồm cả biến đổi khí hậu toàn cầu, đẩy các hệ thống tự nhiên của dòng sông hùng vĩ sang một trạng thái mới, Hackney cho rằng những sự kiện như sạt lở bò có thể là một phần của bình thường mới.

“Thật khó để bóc tách những ảnh hưởng của tự nhiên và con người trong việc này nhưng rõ ràng là sẽ có một số tác động. Vấn đề là tìm ra quy mô mà tác động sẽ thể hiện ra”, Hackney nói về khai thác cát. “Xã hội cần cát, không có cách nào để giải quyết vấn đề đó, nhưng nó phải được thực hiện theo cách không làm tổn hại đến thứ khác”.

Nhật Anh (Theo Southeastasia Globe)

Nguồn: