Đánh giá đúng công việc của ngành tố tụng

Các đại biểu Quốc hội đã thảo luận kỹ về nội dung các báo cáo tư pháp, trong khi người đứng đầu cơ quan tố tụng cũng thẳng thắn trao đổi lại một số vấn đề.

Có khoảng lặng trong các báo cáo?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng, đại biểu (ĐB) QH tỉnh Đồng Nai, cho biết ông đã đọc kỹ các báo cáo tư pháp và cảm thấy đâu đó vẫn còn một khoảng lặng chưa được phản ánh. “Đó là tình trạng có những vụ án VKSND Tối cao bảo không sai, TAND Tối cao bảo không sai và thi hành án thì lại càng đúng. Nhưng trên thực tế, đương sự trong vụ án chịu nhiều thiệt thòi và mong có một sự giải quyết thỏa đáng” – ông Hồng nói.

Không nêu ra cụ thể vụ án nhưng ông Hồng cho hay ông đã đề cập vấn đề này tại cuộc họp thẩm tra của Ủy ban Tư pháp nhưng đến nay vẫn chưa được làm rõ.

Theo ông Hồng, có những vụ án do tính chất của quy trình tố tụng, luật cho phép không thể khôi phục toàn bộ quyền lợi ban đầu nhưng người dân bị thiệt thòi có quyền đòi hỏi sự trung thực, thành khẩn và sự bù đắp thỏa đáng. Ông Hồng nói: “Tôi thiết tha đề nghị các cơ quan tư pháp ngồi lại với nhau, rà soát lại tất cả vụ án có dấu hiệu tương tự, làm rõ nguyên nhân và tìm giải pháp giải quyết thỏa đáng cho người dân bị thiệt thòi”.

Phó Trưởng chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn cũng cho hay trong kỳ họp QH nhiệm kỳ vừa rồi, nhiều ĐBQH đề cập và đặt câu hỏi về tính tuân thủ pháp luật trong hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, các cơ quan tư pháp chưa có câu trả lời.

Theo ông Sơn, thực tiễn cho thấy tính tuân thủ pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự của các cơ quan tư pháp chưa được đề cao một cách triệt để. Việc vi phạm trong hoạt động tố tụng mới chỉ dừng lại việc xử lý vi phạm của các cá nhân là những chức danh tư pháp. “Tuy nhiên, điều quan trọng mang tính quyết định là những vi phạm trong hoạt động tố tụng cần phải xem xét, khôi phục trật tự đúng quy định của pháp luật” – ông Sơn nói.

Ông Sơn nói tiếp: “Một nền tư pháp vững mạnh là nền tư pháp mà ở đó trước hết tính tuân thủ của hoạt động tố tụng phải đặt lên hàng đầu”.

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: BĐM

“Nếu không hiểu sẽ không chia sẻ được”

Cuối phiên thảo luận, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đã có gần 20 phút chia sẻ với các ĐBQH. “Chúng tôi luôn luôn lắng nghe, tiếp thu nhưng cũng phải thẳng thắn nói hết suy nghĩ của mình. Nếu không hiểu sẽ không chia sẻ được, cứ đòi mãi những điều không làm được, việc làm được thì không động viên” – ông Trí nói.

Điều trước hết ông Trí cho rằng cuộc đấu tranh với tội phạm là cuộc đấu tranh không phải chỉ có ý chí chủ quan của phía của cơ quan chức năng muốn thắng là thắng. Nó còn lệ thuộc vào sự đối phó và khả năng của tội phạm trong từng vụ án cụ thể. Ngoài ra, các cơ quan tố tụng còn bị kiểm soát bởi hai yêu cầu: Hoàn toàn không được làm oan và không bỏ lọt tội phạm.

Ông Trí nói: “Các con số nghiệp vụ, tôi khẳng định năm sau tốt hơn năm trước, con số nào cần giảm chúng ta tiếp tục giảm, con số nào cần tăng chúng ta tiếp tục tăng. Nhưng con số tuyệt đối zero chúng ta chưa làm được”. Ông cho rằng giữa yêu cầu của cuộc đấu tranh này với năng lực của các cơ quan hiện nay chắc chắn sẽ có những vụ thành công, có những vụ chưa thành công.

Viện trưởng VKSND Tối cao cũng nêu quan điểm là cần phải suy nghĩ về tính hai mặt của các con số, chẳng hạn con số tội phạm ma túy, chống thi hành công vụ, về tội phạm tham nhũng, xâm hại trẻ em… “Về tội phạm tham nhũng, vừa rồi chúng ta quyết tâm chính trị cao, chúng ta làm nhiều thì xuất hiện nhiều vụ án. Đó là tội phạm ẩn, chúng ta làm không tới thì ít đi, không phải cứ thấy con số nhiều lên là chúng ta hốt hoảng…” – ông Trí dẫn chứng.

Ông Trí cũng xin tiếp thu nhiều vấn đề Ủy ban Tư pháp nêu. Tuy nhiên, có những vấn đề ông nói lại cho rõ. Chẳng hạn, con số tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung bao giờ cũng phải nhiều hơn con số VKS trả hồ sơ cho cơ quan điều tra. Bởi quá trình điều tra, VKS sẽ kiểm sát quá trình điều tra, khi VKS đã quyết định truy tố tức là công an và VKS đã thống nhất quan điểm.

“Tôi sắp nghỉ làm viện trưởng rồi. Nhưng nếu tiếp tục làm thì tôi sẽ còn tiếp tục nhận khuyết điểm mãi mà không sửa được” – ông Trí nói.

Cuối cùng, viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động đến toàn bộ đời sống xã hội thì công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, Hiến pháp 2013 đặt vấn đề bảo vệ quyền con người, quyền công dân rất cao, tạo áp lực cho các cơ quan tư pháp.

“Trong bối cảnh này, chỉ cần con số bằng với con số cũ đã là một nỗ lực phấn đấu. Mỗi năm có tiến bộ hơn thì chúng ta cần ghi nhận đó là nỗ lực phấn đấu. Nếu không sẽ làm anh em mệt mỏi” – ông Trí nói.

Không chỉ vì vài vụ việc mà đánh giá cả nền tư pháp

Tại buổi thảo luận này, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu: Cám ơn các ĐB đã đánh giá tốt các nỗ lực của cơ quan tư pháp, trong đó có tòa án. Đây phải là xu thế chủ đạo vì chưa bao giờ đất nước ta có cơ đồ, tiềm lực, uy tín như hiện nay. Không thể từ một vài vụ việc cụ thể mà trở thành đánh giá cả một nền tư pháp. Thành tựu của đất nước và thành tựu của ngành tư pháp đã được khẳng định và chúng ta đang tổng kết việc này…

Chúng tôi rất cám ơn một số ĐB đã chia sẻ những khó khăn của ngành tòa án khi giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các vụ án hành chính…

Về yêu cầu của các ĐBQH đề nghị nâng cao chất lượng xét xử, hướng dẫn pháp luật, xây dựng đội ngũ…, đây chính là nội dung nghị quyết của QH, chúng tôi đang nỗ lực thi hành. Thực tế, đây là nội dung phấn đấu cốt lõi của các cơ quan tư pháp, trong đó có tòa án. Chúng tôi ghi nhận những khuyến cáo, đề nghị này. Chúng tôi sẽ nỗ lực phấn đấu để có kết quả tốt hơn.

Chánh án TAND Tối cao NGUYỄN HÒA BÌNH

Có không doanh nghiệp sân sau của một vài người?

Thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá trong năm, công tác này đạt nhiều kết quả rõ nét, để lại ấn tượng rất tốt.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa nói: “Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng giảm. Điều này giúp tạo niềm tin tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần làm lành mạnh, trong sạch bộ máy của cả hệ thống chính trị”. Dù vậy, ông Hòa bày tỏ lo lắng khi “lợi ích nhóm”, “sân sau” vẫn tồn tại, thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp. Đặc biệt là vẫn xảy ra tham nhũng tại các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp.

Phó Trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng (ĐBQH tỉnh Bến Tre) đánh giá công tác thanh tra, giải quyết tố cáo phát hiện nhiều sai phạm trong nhiều lĩnh vực như đất đai, xây dựng, quản lý tài chính, ngân sách. Tuy nhiên, việc kết luận hành vi tham nhũng trong các sai phạm này còn có hạn. “Đề nghị làm rõ ý kiến đánh giá phải chăng do bao che hay có sự can thiệp trái pháp luật, hoặc do năng lực của các cơ quan phòng, chống tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn?” – ông Nhưỡng đặt câu hỏi.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp cũng lưu ý vẫn còn tình trạng người có chức vụ, quyền hạn “bảo kê”, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật. Thậm chí có trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để tham nhũng, mà điển hình là vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội.

Từ điểm cầu Đà Nẵng, ĐB Nguyễn Bá Sơn đề nghị điều tra làm rõ có hay không có việc năm doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu và phân phối thiết bị y tế hình thành một mặt bằng giá để đẩy CDC của các địa phương vào tình trạng buộc phải mua với giá cắt cổ vì không còn con đường nào khác. “Những doanh nghiệp đó là ai? Có phải là sân sau của một vài người? Tại sao những loại thiết bị y tế đặc biệt quan trọng này Nhà nước không nắm giữ, kiểm soát để điều tiết, phục vụ cho công tác khám chữa bệnh?” – ông Sơn nêu nghi vấn.

Để công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Đoàn Hậu Giang) đề nghị hoàn thiện chế tài ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm kinh tế, tham nhũng, lãng phí, kiên quyết thu hồi tài sản do chiếm đoạt, tham nhũng mà có. “Cần kịp thời công khai rộng rãi cho cử tri và nhân dân biết những vụ việc nghiêm trọng đã và đang xử lý” – bà Thủy nói.