Thủy điện nhỏ, tác hại lớn

Những ngày này, người dân miền Trung gồng mình chống chọi với những đợt mưa lũ lịch sử liên tiếp, đã chịu thiệt hại nghiêm trọng cả người và tài sản.

Nguyên nhân chính được lý giải là bởi thiên tai ngày càng cực đoan và khó lường. Song cùng với đó, tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu đã chỉ ra việc hàng loạt thủy điện nhỏ xả lũ cấp tập, khiến những dòng nước cuồn cuộn thêm xiết, cuốn phăng mọi thứ trên đường từ thượng nguồn đổ về hạ du.

Từ sự cố Rào Trăng 3

Chủ tịch Hội đồng khoa học Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam Nguyễn Mạnh Hiến – Nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng Việt Nam đánh giá: Chưa bàn về nguyên nhân Thủy điện Rào Trăng 3 gặp sự cố do đâu vì cần cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá. Việc giao chủ trương đầu tư, xây dựng các thủy điện nhỏ, lẻ cho các tỉnh và DN tư nhân chúng ta vẫn khuyến khích như việc tái tạo các nguồn điện khác như pin mặt trời, gió.

Dự án Thủy điện Rào Trăng 3.

Tuy nhiên, khi xây dựng có rất nhiều rủi ro, do địa phương thẩm tra và không qua Bộ Công Thương nên có nhiều công trình sau khi đi vào vận hành đã xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, nhiều công ty xây dựng không quan tâm đến chất lượng mà chỉ quan tâm đến lợi nhuận thu được từ điện, gỗ rừng, các kim loại quý khi thực hiện thi công… DN không quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, cuộc sống của các khu dân cư sống gần các công trình thủy điện. Nhất là về độ an toàn khi các thủy điện hoạt động, cũng như việc tái tạo lại rừng sau khi thực hiện xây dựng gây ra.

Để bảo đảm an toàn, khi xây dựng các công trình thủy điện nhỏ, ông Hiến cho rằng, Nhà nước nên có những quy định rõ ràng hơn, siết chặt trong quản lý. Không nên để các tỉnh giao cho các công ty tư nhân làm và tự thẩm tra như hiện nay. Đặc biệt, không nên phát triển quá nhiều thủy điện nhỏ khi không cần thiết mà cần có những chính sách chặt chẽ hơn để đảm bảo an toàn kỹ thuật, đảm bảo an toàn cho khu vực hạ lưu cũng như những khu dân cư xung quanh. Việc phá rừng sẽ ảnh hưởng rất lớn cho các công trình dân sinh bên cạnh nếu không được phục hồi lại. “Từ vụ Rào Trăng 3, thiệt hại về người và các chiến sĩ quá nặng nề, Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ hơn để không có những hậu quả đáng tiếc tiếp tục xảy ra” – ông Hiến ngậm ngùi.

Ông Hiến cho biết thêm, những năm trước đã có tình trạng đập thủy điện bị vỡ, gây ngập lụt, lũ xảy ra nhưng không có nhiều hậu quả nghiêm trọng. Năm nay, việc xả lũ đã để lại nhiều hậu quả nặng nề. Dù Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về chiến lược quốc gia năng lượng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 khuyến khích tư nhân đầu tư phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam thay vì chỉ có DN Nhà nước mới là “đòn bẩy” phát triển năng lượng, song Nhà nước cần quản lý, có chính sách tốt hơn; quy định chặt chẽ về bảo vệ môi trường, dân cư, các công trình xung quanh đập thủy điện… Đặc biệt, nếu để xảy ra hậu quả nặng nề như Rào Trăng 3, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm.

Bài học chưa qua

Bài học vỡ đập Thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy tại Lào khiến một lượng nước khổng lồ đổ xuống hạ lưu đã làm hàng trăm người thiệt mạng và mất tích, cùng khoảng 1.300 hộ dân mất nhà cửa ngày 24/7/2018 vẫn còn nguyên giá trị.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân trong đoàn cán bộ gặp nạn ở Tiểu khu 67 sau sự cố của Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh: Quang Hải

Chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế xây dựng các công trình điện Nguyễn Tài Sơn đã từng cảnh báo, cần nâng cao hơn nữa công tác quản lý an toàn đập và ý thức của con người tránh để xảy ra những sự cố không đáng có. Đưa ra quan điểm của mình, ông Sơn cho rằng, với mỗi sự cố xảy ra cần phải đánh giá nguyên nhân thì mới có kết luận chính xác. Vụ vỡ đập phụ của Thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy tại Lào do mấy nguyên nhân. Công trình chưa được khảo sát kỹ nền móng của vị trí đập đất. Khi các sự cố xảy ra, phần lớn là do phần nền móng bị xói ngầm, từ đó có thể là do chất lượng thi công đập đất.

Bên cạnh đó là yếu tố địa hình, khi các công trình thủy điện cách xa nhau hàng chục cây số, nên phần khảo sát địa hình để xây dựng được chính xác kết cấu công trình, từng hạng mục phải đồng bộ với nhau. Quá trình khảo sát này tương đối phức tạp nên đơn vị thi công có thực hiện chính xác hay không. Nếu khảo sát không kỹ, khi hồ thủy điện tích nước sẽ tràn qua đập hoặc gây ra vỡ đập. Ngoài ra, sự chủ quan của các nhà đầu tư và thi công cũng không thể loại trừ, vì đây là yếu tố do con người gây ra từ tư vấn, thiết kế, thi công, quản lý… đều góp phần dẫn đến sự cố.

Việt Nam có khoảng 400 công trình thủy điện lớn nhỏ với công suất gần 19.000MW nên nguyên tắc bất dịch là cần tuân thủ theo đúng các yêu cầu, quy định pháp luật của Nhà nước về quản lý an toàn đập, các quy chuẩn, quy phạm. Đối với các dự án thủy điện cỡ vừa trở lên đều có thể hoàn toàn yên tâm và không đáng ngại.

Riêng các dự án thủy điện nhỏ của những DN tư nhân hiện vẫn chưa kiểm soát được nên rất khó có thể khẳng định có đảm bảo hay không. Tuy vậy, gần đây thì tất cả các yếu tố liên quan đến an toàn đập, hồ chứa đã được Bộ Công Thương tập trung kiểm soát nhằm giảm thiểu rủi ro.

Công trình thủy điện quy mô lớn hay nhỏ đều là phức tạp, liên quan đến nhiều yếu tố như thiên nhiên, thời tiết, mưa gió, bão và đặc biệt là yếu tố địa hình, địa chất. Do đó, cần có các cơ quan tổ chức kinh nghiệm thực hiện mới loại trừ được rủi ro…

“Phát triển thủy điện bao giờ cũng có hai mặt. Quan điểm của Bộ TN&MT là không nên khuyến khích phát triển thủy điện nhỏ bằng mọi giá. Quốc hội khóa XIII đã yêu cầu rà soát, đưa ra trên 400 thủy điện nhỏ ra khỏi quy hoạch. Vì vậy, trong thời gian tới ta cần hết sức thận trọng trong cấp phép thủy điện nhỏ.”

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà

 

“Liên quan đến sự cố Thủy điện Rào Trăng 3, theo quy hoạch thủy điện đã loại bỏ các dự án ảnh hưởng môi trường, xã hội và rừng. Sau Chỉ thị 13 của Bộ Chính trị, các dự án liên quan đến rừng tự nhiên đều không được bổ sung quy hoạch. Đến nay, các diện tích đất rừng bị chiếm bởi thủy điện từ 1 – 2ha cho 1MW… lãnh đạo Bộ Công Thương cũng thông báo các địa phương không bổ sung quy hoạch dưới 3MW nào vào quy hoạch.”

Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Đỗ Đức Quân

 

“Qua sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào đã cho chúng ta bài học kinh nghiệm, nâng cao hơn nữa công tác quản lý an toàn đập. Công tác này không lúc nào thừa, kể cả khi đã có chính sách tiến bộ thì công tác cảnh báo cũng cần phải được nâng cao hơn, tuyệt đối không được chủ quan.”

Chuyên gia Nguyễn Tài Sơn