Hà Nội: Những sinh viên tự nguyện nuôi dưỡng, cứu hộ động vật bị bỏ rơi

Nhiều năm qua, nhóm sinh viên thuộc Học viện Nông nghiệp đã thành lập Trạm cứu hộ động vật, tự nguyện nuôi dưỡng những đàn chó, mèo bị bỏ rơi.

Trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội. (Ảnh: Lan Nhi)

Đều đặn mỗi sáng, gần 25 thành viên thuộc Trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội lại thay phiên nhau đến “mái ấm” dành cho thú cưng theo đúng lịch trực. Gọi là Trạm cứu hộ tình thương nhưng thực chất đây là một căn nhà cấp 4, với 5 phòng (gồm 1 phòng trực, 3 phòng điều trị bệnh cùng một nhà vệ sinh) được thuê mỗi tháng với mức giá 2 triệu đồng.

Từ phòng khám ngoại khoa, nội khoa cho đến khu vực truyền nhiễm tại đây đều được các sinh viên phân bổ rõ ràng. Mỗi con vật đều được chăm sóc chu đáo và ở trong chuồng riêng nhất định. Tại Trạm cứu hộ động vật hầu như không có chó mèo lành lặn. Phần lớn các con vật ở đây đều bị bệnh, gặp tai nạn hoặc quá già yếu.

Ngôi nhà cấp 4 được thuê với giá 2 triệu đồng để chăm sóc động vật. (Ảnh: Lan Nhi)

Giới thiệu về Trạm, các sinh viên ở đây cho rằng, mỗi con vật được cứu đều có “tiểu sử” riêng nhưng chúng đều có chung một hoàn cảnh là bị chủ nhân bỏ rơi. Những trường hợp như vậy, nếu giữ không cẩn thận thì chính người chăm sóc, nhân viên sẽ bị cắn, cào thường xuyên.

Đều đặn trong mỗi ca trực, em Nguyễn Thị Loan (sinh năm 2001, sinh viên năm thứ 2 khoa Thú y – Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đều ghi chép cẩn thận trong cuốn sổ theo dõi rồi đi kiểm tra toàn bộ thân nhiệt cho các thú cưng.

Sinh viên Nguyễn Thị Loan (bên trái) và bạn đang kiểm tra sức khỏe cho chú mèo.

Nhớ về những ngày đầu mới hoạt động trong Trạm cứu hộ, Loan cho rằng công việc khó khăn nhất vẫn là lúc cho động vật uống thuốc. Các động tác, kỹ năng của nhân viên đều phải rèn luyện thành thục từng ngày, khéo léo từ các công đoạn như đo thân nhiệt, tiêm thuốc… để các con vật không bị hoảng loạn hoặc ức chế.

“Trung bình cứ 10 ca thì có đến 7-8 ca cứu hộ, chó mèo đều rơi vào tâm lý hoảng sợ. Những việc như cọ rửa, dọn dẹp chuồng cho đến sát trùng, thăm khám và cả việc phẫu thuật do các sinh viên chúng em một tay thực hiện” – sinh viên Nguyễn Thị Loan tâm sự.

Vừa dứt lời, bé Heo – giống chó Bắc Kinh lai Nhật Bản đang được các sinh viên đang kẹp chặt chữa bệnh thì hàm răng sắc nhọn của Heo không may khiến găng tay y tế của Loan rách toác, xước ngoài da một vệt dài. Thấy mọi người lo lắng, Loan chỉ cười: “Đây chỉ là chuyện thường ở Trạm thôi, nhân viên cứu hộ chúng em ở đây xước xát nhiều đến quen”.

Chú chó được chăm sóc sức khỏe.

Thắc mắc về lý do nhận nuôi các con vật bị bỏ rơi, em Hoàng Văn Khánh (sinh năm 1999, Phó Chủ nhiệm Trạm cứu hộ) cho biết: “Người ta có thể vứt bỏ một con chó già vì hết giá trị, nhưng chúng em lại muốn cứu sống chúng hết sức có thể. Động vật cũng giống như con người vậy, chúng cần được bảo vệ, tôn trọng thay vì “không thích thì vứt””.

Mọi thông tin về những chú chó, mèo được chăm sóc tại đầy đều được ghi chép cẩn thận.
Trạm cứu hộ đã được thành lập cách đây 5 năm.

Theo lời Khánh, Trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội, được thành lập cách đây 5 năm bởi chính các thầy giáo và sinh viên khóa 58 (thuộc Khoa Thú y – Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Trạm cứu hộ hoạt động với phương châm “Chúng tôi đối xử với động vật như gia đình.

Nhiều năm nay, Trạm đã cứu hộ đã giúp đỡ hàng ngàn chú chó, mèo bị bỏ rơi, đi lạc, thương tật, giúp các chúng có cuộc sống tốt hơn. Mỗi khi nhận được điện thoại của bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu và trong khoảng thời gian nào, nhân viên của Trạm cũng sẵn sàng lên đường nhận cứu hộ.

Kinh phí hoạt động của trạm cứu hộ này do chính các bạn sinh viên tự đóng góp, mỗi người từ 100-300.000 đồng/tháng và nếu có nhà hảo tâm hỗ trợ các bạn cũng sẽ tiếp nhận để duy trì hoạt động.