Trong tháng 5 và tháng 6, giới bảo tồn phát hiện ra 356 xác voi tại dải đất Okavango ở Botswana. Một số cá thể chết đột ngột, một số có vẻ đã mất phương hướng, chạy vòng vòng trước khi chết gục.
Hiện tượng voi chết đã dừng nhưng nguyên nhân chúng chết vẫn là điều bí ẩn khiến nhiều chuyên gia lo lắng về tương lai của loài động vật khổng lồ ở đất nước nổi danh thành công về bảo tồn.
Không xác voi nào có vết đạn hay bị cắt ngà cho thấy chúng không bị săn trộm. Một số chuyên gia cho rằng voi chết vì bị người dân địa phương đầu độc nhưng cũng có ý kiến rằng chất độc tự nhiên mới là nguyên nhân.
Ngày 18/9, giới chức Botswana đưa ra câu trả lời: chất độc thần kinh từ vi khuẩn tảo lam là nguyên nhân gây ra hiện tượng voi chết sau khi chúng uống nước từ các vũng nước mưa lớn. Một số nhà bảo tồn chấp nhận lời giải thích này nhưng cũng có người không cho rằng bí ẩn đã được giải, lo rằng voi sẽ đối mặt với nguy cơ mới.
Phó giám đốc cơ quan VQG và ĐVHD Botswana Cyril Taolo khẳng định: “Rõ ràng không có lý do gì để cho rằng con người dính dáng vào vụ việc này. Đây không phải là hiện tượng mà xảy ra khá thường xuyên khi môi trường thay đổi”.
Mmadi Reuben, phụ trách cơ quan thú y của chính phủ Botswana cũng cho rằng: “Có nhiều câu hỏi cần trả lời, kể cả tại sao voi là loài duy nhất bị chết và điều gì gây ra vụ việc nguy hiểm này”.
Một số nhà bảo tồn vẫn lo ngại chính phủ chưa bạch hóa tên phòng thí nghiệm tìm ra kết quả hay đã lấy bao nhiêu mẫu và ở đâu, xét nghiệm thế nào và liên quan đến loài tảo lam nào. Những câu hỏi này không được giới chức Botswana trả lời.
“Còn tồn đọng nhiều câu hỏi”, theo Giám đốc tổ chức bảo tồn LionAid Pieter Kat. “Họ cần phải thật sự minh bạch về phòng thí nghiệm nhận mẫu và về kết quả thí nghiệm”.
Hầu hết các loại tảo lam sản sinh ra chất độc thần kinh trong môi trường biển, có thể gây ra hiện tượng thủy triều đỏ. Một số loại có tồn tại trong môi trường nước ngọt, đôi khi giết chết chó mèo, gia súc và những động vật uống nước hay bơi trong nước nhiễm độc.
Chris Thouless, phụ trách bộ phận nghiên cứu thuộc Save the Elephants đặt câu hỏi: “Một trong những vấn đề lớn nhất chưa được giải quyết là tại sao các loài khác không chết. Đó là một trong những lý do ban đầu chúng tôi nói rằng giải thích của chính phủ Botswana không hợp lý bởi các loài động vật khác không hề hấn gì”.
Voi là loài chiếm đa số ở Okavango nhưng gia súc cũng hiện diện. TS. Thouless không xác minh được liệu gia súc có uống nước ở chính vũng nước voi uống hay không.
“Không thể có nguyên nhân nào được đưa ra khớp với quan sát nhưng nguyên nhân này bớt mông lung hơn, vì thế tôi nghiêng về hướng chấp nhận, đặc biệt đây là kết quả từ phòng thí nghiệm”.
Có nhiều lời giải thích hiện tượng voi chết, theo chuyên gia thú y động vật hoang dã Roy Bengis thuộc Đại học Pretoria và từng làm bác sĩ thú y trưởng ở VQG Kruger. Có thể là voi “rất nhạy cảm” với độc tố thần kinh đặc biệt nào đó trong khi những loài khác chống chịu tốt hơn. “Chúng tôi biết điều này sẽ xảy ra – mỗi loài động vật có sức chịu đựng khác nhau”.
Voi cũng uống nhiều nước, khoảng 200 lít mỗi ngày nên cũng tiếp nhận lượng độc tố nhiều hơn những loài thể hình nhỏ hơn. Hơn nữa, không như phần lớn các loài, voi “thật ra nô đùa dưới nước, lăn lộn và phun bùn lên mình”, TS. Bengis giải thích. Chất độc thần kinh có thể hấp thụ qua da chúng.
Một câu hỏi chưa trả lời được là vì sao kền kền và các loài ăn xác khác không bị ảnh hưởng? TS. Bengis cho biết chất độc thần kinh thường tập trung ở những vùng nhỏ và không thể chạm vào não và tủy sống nên các loài trên không ăn.
Nhưng không phải mọi nhà bảo tồn đều bị thuyết phục trước lời giải thích nguyên nhân do tảo lam. “Không còn cơ hội hiểu được điều gì thật sự xảy ra với các cá thể voi vì chính phủ Botswana không sẵn lòng phối hợp với cộng đồng bảo tồn từ đầu”, nhà bảo tồn Keith Lindsay thuộc tổ chức Amboseli Trust for Elephants ở Kenya than thở. “Câu hỏi vẫn là liệu người ta đã lấy các mẫu thật sự hữu ích?”.
TS. Bengis nói thêm rằng không được thấy kết quả xét nghiệm hoặc biết thêm về các mẫu: “Tôi không thể khẳng định chẩn đoán đúng hay sai”.
Nhật Anh (Theo New York Times)