Năng lượng tái tạo hút hàng

Nhà đầu tư ngoại ồ ạt mua các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Hàng loạt các thương vụ M&A trên thị trường năng lượng tiếp tục diễn ra, đặc biệt đến từ dòng vốn ngoại. Mới đây, công ty năng lượng có trụ sở tại Thái Lan Banpu và chi nhánh kinh doanh điện lực là Banpu Power (BPP) vừa liên kết mua nhà máy Điện gió Mũi Dinh công suất 37,6 MW ở tỉnh Ninh Thuận trong một thỏa thuận trị giá 66 triệu USD.

Nguồn ảnh: nangluongsachvietnam.vn

Một nhà đầu tư ngoại khác là Gulf International Holding công bố sẽ thực hiện thương vụ thâu tóm Công ty Đầu tư Năng lượng Điện Xanh Gia Lai (DGI), đơn vị phát triển và vận hành 2 nông trại điện gió với tổng công suất 100 MW. Ông Yupapin Wangviwat, Giám đốc Điều hành kiêm Giám đốc Tài chính của Gulf, cho biết các dự án này sẽ sản xuất và bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong 20 năm. Dự án dự kiến sẽ vận hành vào năm 2021.

Bên cạnh Thái Lan, nhiều nhà đầu tư từ Singapore, Trung Quốc, Philippines… cũng tham gia vào thị trường năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời) ở Việt Nam thông qua mua cổ phần hay liên doanh. Chính sách là một lý do thu hút nhà đầu tư ngoại vào thị trường này. Quyết định số 11 về giá điện mặt trời (giá Fit) hay Cơ chế 39 quyết định giá Fit cho giá điện gió đã tạo động lực thu hút các khoản đầu tư mới trong việc phát triển năng lượng.

Chẳng hạn, với dự án điện mặt trời 50 MW ở khu vực có bức xạ tốt như Ninh Thuận, Bình Thuận, mỗi ngày có thể thu về trên 500 triệu đồng tiền bán điện, 1 năm có thể đem về trên 150 tỉ đồng. Như vậy, với chi phí khoảng 1.000 tỉ đồng cho dự án 50 MW, trong vòng 6-7 năm nhà đầu tư có thể thu hồi vốn.

Đặc biệt Nghị quyết 55 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia bất ngờ mang tới một cú hích mới cho nhà đầu tư. Trong định hướng này, tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 dự kiến đạt khoảng 125-130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550-600 tỉ KWh. Tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp dự kiến sẽ tăng lên 15-20% vào năm 2030 và 25-30% vào năm 2045. Chiến lược mới cũng đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% năm 2030, lên mức 20% vào năm 2045.


Theo ước tính, mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo đạt 20% tổng lượng điện được tạo ra ở Việt Nam vào năm 2030, trong đó có khoảng 12 GW công suất năng lượng điện mặt trời. Nếu một suất vốn đầu tư điện mặt trời hiện nay vào khoảng 1 triệu USD/MW thì Việt Nam sẽ cần đến 12 tỉ USD từ đây đến năm 2030 chỉ dành riêng để phát triển điện mặt trời. Rõ ràng, nguồn lực trong nước là không đảm bảo và việc kêu gọi sự tham gia của nhà đầu tư ngoại là cần thiết.

Dòng vốn ngoại còn nhận được sự hỗ trợ từ mặt bằng lãi suất thấp, tạo cơ hội đi vay giá rẻ và tài sản đi mua được định giá ở mức hấp dẫn hơn. Theo ông Sarath Ratanavadi, Gulf đang tận dụng cơ hội từ môi trường lãi suất thấp hiện có để tăng mua nhiều dự án năng lượng ở cả châu Á lẫn châu Âu.

Nhưng dường như không có rào cản nào khi các nhà đầu tư ngoại thực hiện M&A tại Việt Nam, đặc biệt trong một ngành quan trọng như năng lượng. Theo nhận định của Bộ Công Thương, việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư là hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường và được quy định trong Luật Đầu tư. Như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài có thể hợp nhất sở hữu 100% đối với các công ty Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng và có thể kinh doanh các loại hình khác nhau như công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, liên doanh hoặc đối tác công tư và BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao).

Quy định của pháp luật cũng cho phép chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư nước ngoài, đáp ứng đủ các điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư thuộc ngành nghề có điều kiện. Tất nhiên, việc chuyển nhượng dự án, thay đổi cổ đông sẽ do Sở hay Bộ Kế hoạch và Đầu tư thụ lý giải quyết tùy theo quy mô dự án.


Thông thường đối với các dự án điện than, điện khí đầu tư theo hình thức BOT, hay các dự án điện khí đang đề nghị đầu tư thường yêu cầu có bảo lãnh Chính phủ trong triển khai dự án. Tuy nhiên, hiện nay các dự án điện mặt trời, điện gió triển khai đầu tư hoàn toàn không có bảo lãnh Chính phủ. Đặc điểm tư nhân hóa cũng là điều kiện thuận lợi cho các thương vụ M&A diễn ra. Theo Bộ Công Thương, việc các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển nguồn điện mà không cần bảo lãnh Chính phủ là điểm tích cực trong thu hút đầu tư vào ngành điện hiện nay.

Mặc dù vậy, theo Tiến sĩ Nguyễn Ðình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cơ chế cấp phát dự án còn theo kiểu xin – cho sẽ tạo môi trường cho các hình thức chạy chọt để có được dự án, sau đó bán lại cho nhà đầu tư trong và ngoài nước để kiếm lời, trong khi nhà đầu tư thực sự có năng lực muốn làm thật thì không có cơ hội tiếp cận. “Ðể tăng tính hiệu quả trong đầu tư, cần giám sát chặt chẽ hơn hoạt động này”, ông nói.