Trung Quốc chia sẻ dữ liệu thủy văn với các nước lưu vực sông Mê Kông

Ban Thư ký Ủy hội Sông Mê Kông kêu gọi Trung Quốc làm rõ dữ liệu về thủy văn và cách thức chia sẻ hiệu quả và có lợi cho tất cả các nước cũng như người dân sống ở lưu vực sông Mê Kông.

Liên quan đến hợp tác giữa các nước trong lưu vực sông Mê Kông, ngày 25/8, Ban Thư ký Ủy hội Sông Mê Kông (MRCS) đã bày tỏ hoan nghênh cam kết của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường về chia sẻ dữ liệu thủy văn quanh năm với các nước trong khu vực.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mê Kông-Lan Thương lần thứ ba. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, trong thông cáo báo chí phát đi một ngày sau hội nghị các nhà lãnh đạo Hợp tác Mê Kông-Lan Thương (MLC) lần thứ 3 dưới hình thức trực tuyến, Giám đốc điều hành MRCS An Pich Hatda cũng kêu gọi Trung Quốc làm rõ dữ liệu về thủy văn và cách thức chia sẻ để dữ liệu này được sử dụng hiệu quả và có lợi cho tất cả các nước cũng như người dân sống ở lưu vực sông Mê Kông.

MRCS cho biết kể từ năm 2003, Trung Quốc chỉ cung cấp dữ liệu về mực nước và lượng mưa từ hai trạm thủy văn của nước này ở thượng nguồn sông Mê Kông. Dữ liệu này chỉ được chia sẻ trong mùa lũ từ tháng 6 đến tháng 10 hằng năm.

Theo ông Hatda, MRCS ủng hộ tất cả các nước tiểu vùng sông Mê Kông, trong đó có những nước ở thượng nguồn gồm Trung Quốc và Myanmar cùng làm việc để thành lập nền tảng cơ sở dữ liệu, đồng thời kêu gọi 4 nước ở hạ nguồn gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam tập trung vào nền tảng chia sẻ dữ liệu sẵn có.

Việc chia sẻ dữ liệu và thông tin trong thời gian tới từ các nước thành viên MRCS theo khuôn khổ MLC nên được phát triển trên cơ sở phối hợp chặt chẽ và MRCS sẽ kết nối hai nền tảng thông tin này một cách hiệu quả.

Ngày 26/8, các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) đã tổ chức hội nghị cấp cao trực tuyến Destination Mê Kông đầu tiên nhằm thảo luận các biện pháp vực dậy “ngành công nghiệp không khói” trong và sau giai đoạn khủng hoảng do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong một tuyên bố, Bộ Du lịch Campuchia cho biết tại hội nghị, các quan chức du lịch cấp cao của GMS gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam đã đề cập nhiều chủ đề khác nhau.

Nổi bật trong số đó có các giải pháp ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19, cách thức khôi phục ngành du lịch cũng như các biện pháp mà mỗi quốc gia GMS có thể thực hiện để đảm bảo an toàn cho khách du lịch và ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Các quan chức GMS nhận định tốc độ lây lan dịch COVID-19 ở khu vực này hiện rất thấp so với các khu vực khác, song khách du lịch nước ngoài vẫn chưa được phép nhập cảnh do nguy cơ từ các ca bệnh “nhập khẩu” vẫn cao.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Du lịch Campuchia Thong Khon cho biết mặc dù chưa thể đón khách quốc tế nhưng nước này đã thực hiện các biện pháp phòng dịch tại các địa danh du lịch để đảm bảo an toàn cho du khách.

Cũng tại hội nghị, Thái Lan đã giới thiệu khái niệm “bong bóng du lịch xanh” trên cơ sở song phương hoặc 3 bên và nếu thành công, có thể mở rộng ở cấp độ đa phương.

Khái niệm này mở đường cho việc nới lỏng các hạn chế đi lại giữa hai hoặc nhiều quốc gia ghi nhận tỷ lệ mắc COVID-19 trong nước ở mức thấp.