Việc Nhật Bản ủng hộ các dự án than quốc tế không phù hợp với những nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu theo Hiệp định Paris.
Trong bài viết đăng tải trên trang Diễn đàn Đông Á, hai nhà nghiên cứu Christian Downie và Llewelyn Hughes đến từ trường Đại học Quốc gia Australia nhận định sự hỗ trợ của Nhật Bản dành cho các dự án than quốc tế đã bị các nhà hoạt động môi trường quốc tế chỉ trích lâu nay.
Trong bối cảnh đó, Chiến lược Xuất khẩu Hệ thống Cơ sở hạ tầng mới vừa công bố cho thấy có một sự thay đổi trong tư duy của các nhà lãnh đạo tại Tokyo.
Sau Trung Quốc, Nhật Bản là nhà tài trợ vốn ngân sách lớn nhất thế giới cho các dự án than quốc tế. Giữa những năm 2010 và 2019, các tổ chức cho vay tài chính Nhật Bản đã rót vốn, hoặc cho vay có bảo lãnh và hỗ trợ 21 dự án nhiệt điện chạy bằng than tại các quốc gia đang phát triển của châu Á, với tổng công suất đạt 24.138 megawatt (MW).
Trong số những tổ chức đó, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) là bên cho vay lớn nhất. Ngân hàng này đã giải ngân hơn 12 tỷ USD trong vòng 10 năm (từ năm 1994 đến năm 2014) cho các dự án khai thác than ở nước ngoài.
Vì sao ủng hộ than đá là một vấn đề đáng lo ngại?
Có một vài lý do để thấy rằng việc Nhật Bản ủng hộ than đá là một vấn đề đáng lo ngại. Đầu tiên và rõ ràng nhất là sự ủng hộ này không phù hợp với những nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết vào năm 2015.
Nỗ lực giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu đòi hỏi phải giảm đáng kể lượng khí phát thải nhà kính, mà chiếm phần lớn là khí thải phát ra từ các nhà máy nhiệt điện. Tuy nhiên, các nhà máy nhiệt điện hiện vẫn nhận được hỗ trợ bởi Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Do đó, năng lượng điện tiếp tục là một trong những ngành đóng góp lớn nhất vào việc làm gia tăng lượng khí thải toàn cầu.
Thứ hai, việc đẩy các quốc gia trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào than đá sẽ làm tăng rủi ro tài chính. Rất nhiều các nhà máy nhiệt điện mà Nhật Bản đang tài trợ, nằm tại các nước đang phát triển, được hoạch định chu kỳ hoạt động trong nhiều thập kỷ.
Có một nguy cơ thực sự là những nhà máy này sẽ bị “mắc kẹt” do phải đáp ứng các chính sách khí hậu nghiêm ngặt hơn trên toàn cầu. Điều này đặc biệt sẽ gây ra rủi ro nợ đáng kể cho các nước tiếp nhận hỗ trợ.
Giá trị tiềm năng của tài sản bị mắc kẹt là rất lớn. Trong số các thành viên thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), giá trị của tài sản bị mắc kẹt trong ngành điện năng giữa các năm 2015 và 2050 ước tính khoảng 927 tỷ USD. Trong đó, tài sản liên quan tới nhiệt điện chiếm khoảng 75% tổng giá trị ước tính nói trên.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tính toán đến năm 2020, để đảm bảo mục tiêu hạn chế nhiệt độ trái đất ấm lên ở mức dưới 2°C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, một lượng công suất tương đương 290 gigawatt (GW) sản xuất của các nhà máy than “không quan trọng” cần phải được “xóa sổ” trên toàn cầu.
Kỳ vọng vào Chiến lược Xuất khẩu Hệ thống Cơ sở hạ tầng mới
Sự hỗ trợ dành cho các nhà máy than quốc tế từ lâu đã nằm trong chiến lược xuất khẩu của Nhật Bản. Tokyo cung cấp tài chính cho các nước đang phát triển để xây dựng những nhà máy nhiệt điện mới, và các tập đoàn lớn của Nhật Bản như Mitsubishi, Hitachi và Toshiba cung cấp công nghệ than để xây dựng các nhà máy đó.
Tuy nhiên, những chiến lược này có thể sẽ bị điều chỉnh trong thời gian tới. Chiến lược Xuất khẩu Hệ thống Cơ sở hạ tầng vừa công bố sẽ cho phép Nhật Bản tiếp tục tài trợ cho các nhà máy than ở nước ngoài, song nguồn tài trợ được nhắm vào mục tiêu hẹp hơn, tập trung hỗ trợ nhiều ngành công nghiệp tiên tiến hơn như công nghệ siêu tới hạn (loại công nghệ sản xuất than hiện đại nhất hiện nay – USC).
Dù vậy, một số nhóm hoạt động môi trường đã lên tiếng cho rằng có những lỗ hổng trong chiến lược này bao gồm việc kế hoạch không áp dụng cho các dự án đang trong giai đoạn lập kế hoạch. Tuyên bố chung của các nhóm môi trường này chỉ ra rằng ba dự án, một ở Việt Nam, một ở Indonesia và một ở Bangladesh, có khả năng nằm trong nhóm không được áp dụng này.
Tuy nhiên, đây vẫn được xem là một dấu hiệu hứa hẹn về sự “rạn nứt” trong chiến lược hỗ trợ than của Tokyo. Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Shinjiro Koizumi tiết lộ Nhật Bản đang quan tâm nhiều hơn đến những lời chỉ trích toàn cầu về chủ trương ủng hộ than đá. Vào tháng Hai năm nay, Bộ này đã tìm cách xem xét các điều kiện liên quan đến tài chính xuất khẩu cho các nhà máy nhiệt điện than.
Ngoài ra, việc theo đuổi phát triển than không chỉ liên quan tới biến đổi khí hậu. Như là một phần của tiến trình xem xét, Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản xác định sự “nổi lên” của xu hướng các tài sản mắc kẹt là rủi ro cần phải được quản lý thông qua lực chọn lĩnh vực đầu tư công. Nói cách khác, hiện có một nhược điểm tài chính trong việc hỗ trợ cho các nhà máy than quốc tế và Nhật Bản đã ý thức để quản lý rủi ro này.
Dù với bất kỳ lý do nào dẫn đến việc Nhật Bản sẽ loại bỏ hoàn toàn các dự án than quốc tế thì đây cũng nên được xem xét một cách thực tế bởi các cơ quan liên quan tới việc quyết định tham gia và thực hiện chiến lược, bao gồm Bộ Kinh tế, Bộ Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, những cơ quan luôn ủng hộ mạnh mẽ than đá.
Chưa rõ liệu Chiến lược Xuất khẩu Hệ thống Cơ sở hạ tầng sẽ đem lại một kết quả ra sao, nhưng hiển nhiên Nhật Bản bắt đầu chú ý nhiều hơn tới những lời chỉ trích toàn cầu. Chủ tịch JBIC Tadashi Maeda gần đây đã nhắc lại quan điểm của ông trên các phương tiện truyền thông rằng ngân hàng JBIC sẽ không cho vay bất cứ một dự án sản xuất than nào mới trong tương lai.
Xu hướng “nói Không” với than đá cũng đang lan rộng, không chỉ từ phía Chính phủ Nhật Bản. Một loạt công ty và ngân hàng tư nhân thông báo rằng họ đang rút hoặc có ý định rút khỏi hoạt động xuất khẩu công nghệ than nhiệt, bao gồm các ngân hàng lớn như Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui và Tập đoàn tài chính Mizuho.
Những ngân hàng này đã phải chịu áp lực liên tục từ các nhóm hoạt động môi trường và các nhà đầu tư để thay đổi phương thức cho vay. Với sự suy giảm của ngành công nghiệp than toàn cầu, câu hỏi đặt ra là khi nào các quốc gia như Nhật Bản sẽ chấm dứt sự ủng hộ trước đây đối với than đá?