Lợi dụng dự án du lịch mua bán động vật hoang dã quý hiếm

Cụm đảo Hòn Khoai được đối tượng sử dụng như một địa điểm tập kết động vật hoang dã sau khi vận chuyển trái phép từ nước ngoài về bằng đường “tàu cá”, sau đó tiếp tục vận chuyển bằng đường bộ đưa đi tiêu thụ.

Tê tê tang vật bị Bộ đội Biên phòng Cà Mau bắt giữ của doanh nghiệp Hải Đăng. (Ảnh: Lê Khoa)

Ngày 2.8, Sở Kế hoạch Đầu tư Cà Mau cho biết đã chấm dứt hoạt động của Công ty TNHH Hải Đăng, doanh nghiệp gây nuôi động vật hoang dã để làm du lịch, nhưng thực tế không phát triển du lịch mà đem động vật hoang dã đi tiêu thụ trái pháp luật.

Vào năm 2007, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau cấp Giấy phép đăng ký kinh doanh cho Công ty TNHH Hải Đăng (có địa chỉ tại số 110, đường Ngô Quyền, Phường 1, TP. Cà Mau, do ông Trần Quý làm Giám đốc) nhằm thực hiện dự án gây nuôi động vật hoang dã tại Hòn Sao và Hòn Đồi Mồi gắn với phát triển du lịch khám phá thiên nhiên, biển đảo.

Tuy nhiên, qua thời gian dài, đơn vị này không có sự đầu tư về hạ tầng, chủ yếu gây nuôi động vật hoang dã, nhưng không hiệu quả và có dấu hiệu mua bán trái phép động vật hoang dã.

Tối ngày 20.1.2018, lực lượng Biên phòng Cà Mau phát hiện phương tiện đi từ hướng biển vào đến cửa biển Kinh Năm Ô Rô (ấp Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) có biểu hiện nghi vấn, nên tiến hành kiểm tra.

Lực lượng Biên phòng bắt giữ Tê Tê của doanh nghiệp Hải Đăng. (Ảnh: Lê Khoa)

Qua kiểm tra đã phát hiện trên phương tiện nêu trên có 35 bao nilon chứa 114 cá thể tê tê còn sống (mỗi con nặng từ 3 – 10kg) với tổng trọng lượng gần 800kg, cùng 15 thùng xốp bên trong chứa vảy tê tê khô có tổng trọng lượng khoảng 300kg. Số hàng hóa này không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, số lượng, trọng lượng và các thủ tục được phép vận chuyển theo quy định của pháp luật.

Qua quá trình điều tra, phát hiện có nhiều dấu hiệu liên quan đến ông Trần Quý, nên ngay sau đó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau đã thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký gây nuôi động vật hoang dã đã cấp cho Công ty TNHH Hải Đăng (do ông Trần Quý làm Giám đốc).

Sự vụ sau đó được khởi tố, điều tra và trong tháng 5.2020. Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau đã tuyên bị cáo Trần Quý 13 năm tù giam và phạt bổ sung 100 triệu đồng cho vai trò người tổ chức hoạt động vận chuyển trái phép động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.

Theo bản án, Trần Quý là một mắt xích quan trọng, đầu mối chuyên hỗ trợ các đối tượng buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép từ nước ngoài về Việt Nam. Trong đó, cụm đảo Hòn Khoai được đối tượng sử dụng như một địa điểm tập kết động vật hoang dã sau khi vận chuyển trái phép từ nước ngoài về bằng đường “tàu cá”, sau đó tiếp tục vận chuyển bằng đường bộ đưa đi tiêu thụ.