Cập nhật 7h ngày 30/7: Số người mắc Covid-19 toàn cầu vượt 17 triệu, Brazil “bùng nổ”, Nga chuẩn bị sản xuất vaccine

Tính đến 6h ngày 30/7, theo thống kê của trang Worldometers, thế giới ghi nhận số người nhiễm Covid-19 vượt mốc 17 triệu lên 17.150.272 ca, trong đó có 668.863 trường hợp tử vong và 10.670.877 bệnh nhân bình phục.

Cập nhật các quốc gia có số ca nhiễm bệnh từ 400.000 trở lên tính đến 7h ngày 30/7. (Nguồn: Worldometers)

* Khu vực Bắc Mỹ hiện ghi nhận 5.341.274 ca nhiễm, trong đó có 213.866 ca tử vong, là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới.

Trang thống kê Worldometers cho biết, tính tới nay Mỹ đã ghi nhận 153.497 ca tử vong do Covid-19 trong tổng số 4.556.180 trường hợp nhiễm bệnh. Mỹ hiện có 4 bang có số ca nhiễm trên 400.000, gồm Texas, California, Florida và New York. Đây là 4 bang đông dân nhất ở Mỹ.

* Tại Nam Mỹ, số ca nhiễm Covid-19 hiện nay là 3.936.823 theo ghi nhận của Worldometers, trong đó có 139.339 trường hợp tử vong.

Brazil vẫn là quốc gia có số ca nhiễm bệnh và tử vong cao nhất khu vực và cao thứ 2 thế giới. Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận số ca tử vong cao kỷ lục kể từ khi căn bệnh này bùng phát, với 1.500 trường hợp, nâng tổng số người thiệt mạng vì Covid-19 lên 90.134.

Các ca nhiễm bệnh mới trong 24 giờ qua cũng là con số cao nhất kể từ đầu dịch với 68.616 trường hợp, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại Brazil lên 2.553.265 người. Mặc dù vậy, giới chuyên gia cho rằng, con số này vẫn thấp hơn thực tế rất nhiều do hệ thống y tế Brazil hiện không thể thực hiện xét nghiệm cho tất cả các trường hợp nghi nhiễm bệnh.

Mặc dù là quốc gia có số ca nhiễm bệnh cao thứ 2 thế giới, song chính phủ của Tổng thống Jair Bolsonaro vẫn kiên quyết không triển khai các biện pháp đối phó quyết liêt với lý do có thể gây sụp đổ nền kinh tế. Các biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện một cách không đồng bộ tùy thuộc vào quyết định của từng địa phương và luôn gây ra những tranh cãi gay gắt.

Trong khi đó, Colombia đã quyết định gia hạn các biện pháp cách ly xã hội đến ngày 30/8 tới, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch. Đây là lần thứ 8, Chính phủ quốc gia Nam Mỹ này kéo dài biện pháp cách ly xã hội được áp dụng lần đầu vào ngày 25/3.

Tính đến thời điểm hiện tại, Colombia đã ghi nhận 267.055 ca nhiễm, trong đó có 9.454 ca tử vong.

* Châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ hai thế giới, với 4.127.085 trường hợp, trong đó hơn 94.024 ca tử vong. Tình hình dịch bệnh tại khu vực này đang “nóng” trở lại.

Ấn Độ là quốc gia có số ca nhiễm bệnh cao nhất khu vực và cao thứ 3 trên thế giới. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ lại lập kỷ lục mới về số người mắc bệnh, với 52.249 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 lên 1.584.384, trong đó có 35.003 ca tử vong.

Tại Đông Nam Á, Indonesia và Philippines ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Cụ thể, Indonesia thông báo có thêm 2.381 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 104.432 ca. Thủ đô Jakarta ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất cả nước với 577 ca, trong khi số ca tử vong cũng tăng thêm 74 ca lên tổng cộng 4.975 ca.

Trong khi đó, số ca mắc bệnh tại Philippines cũng tăng lên 85.486 ca, sau khi ghi nhận thêm 1.874 ca mới trong ngày 29/7.

Tại Thái Lan, Chính phủ đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp đến cuối tháng 8 tới để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, mặc dù hơn 2 tháng qua quốc gia này không có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng. Hiện Thái Lan ghi nhận tổng cộng 3.298 ca nhiễm, trong đó có 58 ca tử vong.

Tương tự, Campuchia cũng tăng cường các biện pháp phòng dịch trước dịp nghỉ bù Tết Khmer, bao gồm các khách sạn, nhà nghỉ, siêu thị và chủ nhà hàng phải chuẩn bị dung dịch rửa tay sát khuẩn và đo thân nhiệt khách hàng, đảm bảo thực hiện các quy định giãn cách xã hội, yêu cầu người dân tránh tụ tập và tìm những nơi thông thoáng nếu có nhu cầu đi lại, tránh các hoạt động có nguy cơ lây nhiễm cao như múa hát truyền thống mà không đảm bảo giãn cách xã hội. Đến nay, Campuchia ghi nhận 233 ca nhiễm, chưa có ca tử vong.

Tại Đông Bắc Á, Nhật Bản ngày 29/7 lần đầu tiên ghi nhận số ca nhiễm mới trong một ngày vượt 1.000 ca kể từ khi dịch bùng phát ở nước này vào giữa tháng 1 vừa qua. Diễn biến này làm dấy lên quan ngại về sự lan rộng của dịch bệnh ở các địa phương khác ngoài thủ đô Tokyo.

Hiện thủ đô Tokyo vẫn tiếp tục là “điểm nóng” của dịch Covid-19, với 250 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, giảm 16 ca so với một ngày trước đó. Chính quyền thủ đô đã nâng cảnh báo dịch bệnh lên mức cao nhất.

Đến nay, Nhật Bản đã ghi nhận hơn 34.000 ca nhiễm trên cả nước, trong đó có hơn 1.000 người tử vong.

Cùng ngày, nhà chức trách y tế Trung Quốc thông báo đã ghi nhận 101 ca nhiễm mới ở đại lục, trong đó có 98 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 3 ca nhập cảnh. Tính đến nay, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 84.060 ca nhiễm, trong đó 4.634 ca tử vong.

Trong khi đó, chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo ghi nhận thêm 118 ca nhiễm mới, đưa tổng số trường hợp mắc bệnh tại đây lên 3.002 ca.

Theo quyết định mới nhất của chính quyền Hong Kong, từ ngày 29/7, toàn bộ cư dân sẽ phải thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nhất như bắt buộc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, các nhà hàng chỉ được phép bán đồ mang đi, cấm mọi hình thức tụ tập từ 2 người trở lên (nếu không phải người trong cùng gia đình) tại nơi công cộng và người vi phạm sẽ bị phạt tới 5.000 dollar Hong Kong (625 USD).

* Châu Âu là khu vực đứng thứ 5 thế giới, với 2.832.704 ca nhiễm, trong đó có 202.521 ca tử vong.

Tại Pháp, mối đe dọa bùng phát làn sóng lây lan dịch thứ hai vẫn hiện hữu, mặc dù số ca bệnh phát hiện trong ngày 28/7 ở mức 725 ca, dưới mức trung bình 924 ca/ngày ghi nhận trong tuần vừa qua. Nhà chức trách Pháp cảnh báo nguy cơ dịch bệnh vẫn còn, đồng thời cho biết tỷ lệ lây nhiễm duy trì ở mức 1,3 (tức 100 người mắc bệnh có thể lây nhiễm cho 130 người khác).

Tại Bồ Đào Nha, đeo khẩu trang ở nơi công cộng sẽ là quy định bắt buộc mọi lúc, mọi nơi trên hòn đảo Madeira nổi tiếng của nước này kể từ ngày 1/8 tới. Đảo Madeira cũng là khu vực đầu tiên tại Bồ Đào Nha áp dụng quy định phòng dịch này.

Bỉ là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề trong làn sóng dịch bệnh đầu tiên tại châu Âu. Nước này hiện vẫn dẫn đầu về số người tử vong do Covid-19 nhiều nhất thế giới tính theo đầu người. Sau khi các hạn chế xã hội dần được dỡ bỏ, số các ca nhiễm tại tăng lên đáng kể trong 3 tuần qua, khiến dư luận lo ngại về làn sóng dịch bệnh thứ hai.

Bỉ hiện có 66.662 người mắc bệnh trong đó có 9.833 bệnh nhân tử vong.

Trong khi đó, tại Đức, kết quả nghiên cứu của Hiệp hội học thuật Y học khẩn cấp và Chăm sóc đặc biệt Đức, Đại học kỹ thuật Berlin và bộ phận nghiên cứu WIdO của tập đoàn bảo hiểm y tế AOK công bố ngày 29/7 cho thấy, cứ 1 trong 5 người mắc Covid-19 nhập viện đã không thể qua khỏi và tỷ lệ tử vong tăng lên 53% đối với những người phải thở máy.

Kết quả nghiên cứu trên dữ liệu của hơn 10.000 bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 tại 930 bệnh viện của Đức từ ngày 26/2-19/4 cho thấy, bệnh nhân nam có tỷ lệ tử vong cao hơn bệnh nhân nữ, lần lượt là 25% và 19%.

Nghiên cứu cũng cho thấy, 1.727 trong số 10.021 bệnh nhân phải thở máy. Tương tự như tỷ lệ tử vong theo giới tính, số bệnh nhân nam phải thở máy cao gần gấp đôi so với số bệnh nhân nữ. Những bệnh nhân cao tuổi hơn cũng có nguy cơ tử vong cao hơn. Cụ thể, 27% số bệnh nhân ở độ tuổi khoảng 70 tuổi và 38% số bệnh nhân trên 80 tuổi tử vong do Covid-19.

Cũng theo nghiên cứu, những bệnh nhân Covid-19 nằm viện điều trị trung bình 14 ngày. Những người không cần thở máy nằm viện trung bình 12 ngày trong khi những bệnh nhân nặng cần trợ thở phải nằm viện tới 25 ngày. Cứ 100 bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 thì sẽ cần 240 ngày trợ thở.

Tại Nga, nơi có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ 4 thế giới, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng, dịch đã ổn định song cảnh báo tình hình vẫn khó khăn và có thể nhanh chóng xấu đi.

Tính đến sáng nay, Nga ghi nhận 828.990 ca nhiễm trong đó có 13.673 ca tử vong. Giới chức Nga đã nới lỏng hầu hết các quy định cách ly hồi tháng 6 trước khi diễn ra cuộc duyệt binh lớn ở Moscow và cuộc bỏ phiếu trên toàn quốc về sửa đổi hiến pháp có thể kéo dài quyền lực cho ông Putin.

Trong cuộc họp trực tuyến với giới chức Nga, ông Putin nói: “Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Nga giảm dần vào tháng 6 và tháng 7″ đồng thời cho biết, số ca nhiễm mới đã giảm một nửa kể từ mức đỉnh điểm hồi tháng 5. Tuy nhiên, ông Putin cảnh báo “tình hình vẫn khó khăn – nó có thể đi theo bất kỳ hướng nào”.

Nga đã đóng cửa các doanh nghiệp và áp đặt các biện pháp cách ly ngặt nghèo hồi tháng 3 để làm chậm sự bùng phát của Covid-19, tập trung ở Moscow, nơi chiếm khoảng một nửa các trường hợp nhiễm bệnh được ghi nhận. Giới chức y tế Nga ngày 29/7 đã thông báo 5.475 trường hợp nhiễm mới.

Trong một diễn biến khác, ngày 29/7, Nga thông báo kế hoạch bắt đầu sản xuất 2 vaccine tiềm năng vào tháng 9 và tháng 10 tới.

Phó Thủ tướng Tatyana Golikova đã nêu tên 2 vaccine đang được viện nghiên cứu Gamaleya ở Moskva và một phòng thí nghiệm ở Siberia bào chế, đồng thời cho biết: “Đến nay, đây là 2 loại vaccine hứa hẹn nhất”. Việc sản xuất loại đầu tiên sẽ tiến hành vào tháng 9, trong khi vaccine còn lại sẽ được sản xuất từ tháng 10.