Tham nhũng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu ở Indonesia

Tham nhũng kéo dài trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu, làm tổn thương những nỗ lực của đất nước trong việc giảm thiểu tác động cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hình ảnh cho thấy hậu quả ngay lập tức của nạn phá rừng, có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về môi trường như mất đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, và gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế. Ảnh: Shutterstock/Rich Carey

Báo Jakarta Post dẫn lời nhà nghiên cứu Egi Primayogha của Tổ chức Giám sát tham nhũng Indonesia (ICW) cho biết, tình trạng tham nhũng tràn lan là nguyên nhân dẫn tới thiếu kiểm soát trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên. Từ đó, gia tăng việc sử dụng năng lượng bẩn thông qua việc đốt than đá và phá rừng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường.

“Điều này sẽ cản trở quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo”, ông Egi nói trong cuộc thảo luận diễn ra tuần trước.

Được biết, Indonesia hiện nay đang nỗ lực để giảm thiểu nạn phá rừng trong các vùng rừng mưa nhiệt đới còn lại.

Rừng mưa nhiệt đới vốn được xem là “lá phổi” tự nhiên quan trọng của đất nước này. Nó hấp thụ, lưu lại carbon và các khí thải nhà kính khác – những tác nhân khiến nhiệt độ trái đất đang ngày càng tăng lên.

Indonesia cũng đang hướng tới việc tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và giảm dần nhiên liệu hóa thạch.

Ông Egi cho biết thêm, vấn đề quản lý tài nguyên thiên nhiên ở Indonesia hiện nay vẫn có xu hướng tham nhũng trong nhiều lĩnh vực, như trong cấp phép, quy hoạch không gian và giám sát sự tuân thủ của doanh nghiệp đối với các quy định về môi trường.

Đặc biệt, trong việc cấp phép, không ít trường hợp các công ty tiến hành hối lộ những nhà lãnh đạo khu vực có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh để thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Trong số những vụ án tham nhũng nổi bật của Indonesia có thể nhắc tới vụ cấp giấy phép khai thác mỏ được cho là liên quan tới East Kotawaringin Regent Supian Hadi. Ủy ban Bài trừ Tham nhũng (KPK) ước tính rằng, vụ hối lộ đã gây ra thiệt hại cho Nhà nước hơn 5,8 nghìn tỷ Rp (tương đương 402 triệu USD) từ sản xuất bauxite. Mặt khác, vụ việc cũng gây thiệt hại về môi trường từ các hoạt động khai thác tài nguyên.

Tháng 2/2019, KPK đã đưa Supian Hadi vào danh sách bị tình nghi vì những cáo buộc lạm dụng quyền hạn trong việc cấp giấy phép kinh doanh cho 3 công ty là: PT Fajar Mentaya Abadi, PT Billy Indonesia và PT Aries Iron Mining hồi năm 2010 – 2012. Hiện, vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra.

Bên cạnh đó, các kế hoạch tham nhũng cũng đã được đưa ra trong lĩnh vực quy hoạch không gian, quản lý tài nguyên thiên nhiên. Cụ thể, các công ty mua chuộc quan chức để chuyển đổi bất hợp pháp rừng thành mỏ hoặc đồn điền.

Trong một vụ việc, KPK đã tiến hành truy tố cựu Thống đốc tỉnh Riau – Annas Maamun – vì nhận hối hộ hơn 1,5 tỷ Rp từ các công ty đã chuyển đổi diện tích rừng thành đồn điền trồng cây cọ dầu. Năm 2015, Annas Maamun bị kết án 7 năm tù, nhưng sau đó được Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo khoan hồng vào tháng 11/2019. Vụ tham nhũng được báo cáo là đã gây thiệt hại 5 tỷ Rp cho ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, tham nhũng còn là một nguyên nhân dẫn tới việc kém sát sao trong giám sát trách nhiệm về môi trường của các doanh nghiệp, cũng như gây thiệt hại cho Nhà nước từ các khoản thuế chưa trả, thuế tài nguyên và các xí nghiệp tránh thuế quan khác.

Nghiên cứu mới nhất của Mạng lưới Khai thác đỏ (Jatam) chỉ ra rằng, ít nhất 3.092 mỏ khai thác lộ thiên đã không được thu hồi kể từ tháng 4. Jatam cũng ước tính, ít nhất 143 người, chủ yếu là trẻ em, đã thiệt mạng trong các vụ tai nạn liên quan đến hố do khai thác.

“Tồn tại vấn đề giám sát yếu kém, do sự thiếu ý chí giữa các cơ quan thực thi pháp luật và các quan chức trong việc thực hiện giám sát. Chúng tôi nghi ngờ ở đây có sự thông đồng giữa các công ty khai thác và các quan chức”, ông Egi nói.

Ở một diễn biến khác, gần đây, Hạ viện Indonesia đã thông qua Luật Khoáng sản sửa đổi, qua đó, mang lại lợi ích cho các công ty khai thác. Trong đó, theo nhà nghiên cứu Egi, Điều 169A của luật sửa đổi sẽ tạo điều kiện cho phép các công ty khai thác được tiếp tục hoạt động theo giấy phép khai thác đặc biệt (IUPK) thay vì một hợp đồng khai thác.

Ngoài ra, luật sửa đổi cũng sẽ cho phép 7 công ty khai thác than là công ty con của các tập đoàn lớn được mở rộng hợp đồng khai thác. Điều này đồng nghĩa với việc sản xuất than sẽ tiếp tục mở rộng bất chấp mục tiêu của đất nước là đạt được tỷ lệ năng lượng tái tạo 23% vào năm 2025.

Phó Chủ tịch KPK Lili Pintauli Siregar đã khẳng định cam kết xóa bỏ tham nhũng trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên thông qua Phong trào quốc gia về tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên (GNP-SDA). Tại đây, KPK đã đưa ra những khuyến nghị chính sách dựa trên những nghiên cứu kể từ khi sáng kiến được công bố vào năm 2009.

“KPK đang thúc đẩy tất cả tổ chức Nhà nước cải thiện hệ thống quản lý tài nguyên thiên nhiên. Chúng tôi cũng cam kết tích cực điều tra các vụ việc, thu hồi tài sản thông qua lực lượng đặc nhiệm chống tham nhũng”, bà Siregar nói.