Cấm đánh bắt cá trên sông Dương Tử: Khó thực hiện

Trung Quốc đang loay hoay triển khai lệnh cấm đánh bắt cá trên sông Dương Tử kéo dài 10 năm nhằm khôi phục hệ sinh thái con sông dài nhất châu Á.

Xáo trộn lớn khi cấm đánh bắt cá trên sông Dương Tử

Lệnh cấm đánh bắt cá trên sông Dương Tử với chiều dài 6.300 km với thời hạn 10 năm, ước tính sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của hơn 110.000 tàu thuyền đánh cá và gần 280.000 ngư dân thuộc 10 tỉnh thành dọc theo hai bờ sông.

Theo đó, tất cả 332 khu vực bảo tồn, trong đó có hai hồ nước ngọt lớn nhất nước là Bà Dương và Động Đình được thực hiện thí điểm sớm và sau đó sẽ lần lượt triển khai đến toàn bộ hệ thống trước ngày 1 tháng 1 năm 2021.

Lưu vực sông Dương Tử đang phải hứng chịu đợt mưa lũ nghiêm trọng nhất có nguy cơ làm cho kế hoạch bảo tồn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Xinhua

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc Yu Kangzhen cho biết, lệnh cấm đánh bắt cá được coi là động thái quan trọng nhằm chống lại sự suy thoái đa dạng sinh học ở sông Dương Tử, vốn từ lâu đã phải chịu đựng nhiều tác động của con người như đánh bắt quá mức, ô nhiễm và mật độ giao thông- xây dựng quá tải.

Trong một thông báo mới nhất, Văn phòng Hội đồng Nhà nước cho biết cần phải làm nhiều hơn để thực thi lệnh cấm đánh bắt cá trên sông Dương Tử và đảm bảo sinh kế của ngư dân trong lưu vực sông.

“Chính quyền các địa phương phải lên danh sách những ngư dân đủ điều kiện được đưa vào mạng lưới an sinh xã hội, đồng thời đưa ra các kế hoạch phù hợp để tạo việc làm cho họ dựa trên tuổi tác, trình độ học vấn và kỹ năng chuyên môn”, Văn phòng cho biết.

Lệnh cấm đánh bắt cá 10 năm trên sông Dương Tử được chính phủ Trung Quốc ban hành trước tình trạng nguồn lợi thủy sản bị khai thác quá mức nhưng nó cũng được coi là cú sốc lớn đối với hàng trăm ngàn ngư dân sẽ buộc phải từ bỏ nghề câu cơm truyền thống.

Cá tầm sông Dương Tử hiện đã bị liệt vào danh sách nguy cấp cần bảo tồn. Ảnh: China Daily

Khó khả thi

Theo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp vẫn tồn tại ở nhiều khu vực, nơi mà chính quyền địa phương không chấp hành triệt để các hướng dẫn và quy định từ trung ương để thực thi lệnh cấm.

“Mọi thứ đang tệ hơn khi nguồn cá tôm ngày một ít đi thì nhiều ngư dân đã dùng đến các công cụ và phương pháp đánh bắt bị cấm để tận thu, vơ vét cả to lẫn nhỏ. Và hệ quả là ngư dân thậm chí còn nghèo hơn, trong khi nguồn lợi thủy sản nước ngọt cũng đang trong tình trạng suy kiệt. Đây là một vòng luẩn quẩn”, ông Xu nói.

Ông Xu Pao, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu thủy sản nước ngọt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học thủy sản Trung Quốc cho biết, lệnh cấm đánh bắt cá là một giải pháp quan trọng để kiềm chế sự suy giảm hệ sinh thái sông Trường Giang và ngăn chặn khủng hoảng đa dạng sinh học.Xia Dejun, quan chức Sở Thủy sản tỉnh An Huy chia sẻ, có rất nhiều vụ đánh bắt cá bất hợp pháp diễn ra vào đêm khuya khiến cho việc thực thi pháp luật trở nên khó khăn và ngay cả lực lượng kiểm ngư cũng đối diện rất nhiều thách thức vì thiếu phương tiện và nguồn nhân lực mỏng.

Theo ông Xu, có rất nhiều thuyền bè đánh cá không có giấy phép và trên thực tế là phạm vi của lệnh cấm liên quan đến một khu vực rộng lớn khiến cho việc thu thập dữ liệu trở nên khó khăn. Do vậy chỉ khi nào nắm bắt được chính xác và toàn diện các thông tin về tàu đánh cá và ngư dân mới là điều kiện tiên quyết để thực thi chính sách.

Thực tế là hầu hết ngư dân đều có trình độ học vấn thấp và thiếu kỹ năng chuyển đổi ngành nghề khác. Kết quả một cuộc điều tra xã hội học cho thấy, có tới 65% ​​ngư dân sinh sống dọc theo ven bờ sông Dương Tử mới chỉ học xong tiểu học và khoảng 27% vẫn mù chữ.

Trên 280 ngàn ngư dân sẽ bị mất sinh kế là thách thức rất lớn để thực thi lệnh cấm đánh bắt cá trên sông Dương Tử. Ảnh: SCMP

Hiện chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích phát triển nghề nuôi cá, chế biến thủy sản và câu cá giải trí để tạo thêm nhiều việc làm mới cho ngư dân. Ngoài ra, cùng với giải pháp cung cấp những gói đào tạo nghề miễn phí kết hợp với các doanh nghiệp được nhà nước trợ cấp để tuyển dụng ngư dân bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm.

Chính quyền nhiều địa phương cũng đưa ra kế hoạch di dời, tái định cư cho ngư dân chuyển đến nơi ở mới trên các hòn đảo hoặc hồ chứa trong lưu vực hoặc những khu vực phát triển hơn. Tuy nhiên theo ông Xu, đó chỉ là giải pháp tức thời.

“Để đạt được kết quả lâu dài, các biện pháp phục hồi sinh thái sông Dương Tử cần phải đồng bộ và có hệ thống hơn, bao gồm xử lý môi trường nước và tu bổ thường xuyên”, ông Xu đề xuất.

Một nghiên cứu  cho biết, quần thể của bốn loài cá chính trên lưu vực sông đã giảm hơn 90% kể từ những năm 1980. Liên tục trong những năm gần đây, sản lượng đánh bắt hàng năm tại đây chưa đạt 100.000 tấn, so với con số hơn 400.000 tấn vào năm 1954.