Rừng keo Tuyên Quang đang bị bệnh chết héo đe dọa

Bệnh chết héo cây keo đang làm ảnh hưởng nhiều diện tích rừng ở Tuyên Quang. Loại bệnh do nấm Ceratocystis manginecans gây ra đã khiến cả triệu ha rừng keo tại Indonesia bị chết.

Diện tích keo ở chu kỳ 3 chu kỳ 4 thường dễ bị bệnh keo chết héo nhất. Ảnh: Đào Thanh.

Diện tích nhiễm có xu hướng tăng

Thời gian gần đây, tại huyện Chiêm Hóa xảy ra tình trạng gần 100 ha keo bị ảnh hưởng bởi bệnh keo chết héo. Mật độ cây keo bị ảnh hưởng từ 10 đến 15% diện tích. Những diện tích rừng non trồng trong năm 2019 bị thiệt hại nặng nề nhất. Các xã Tân An, Phú Bình, Phúc Thịnh, Tân Mỹ, Hà Lang… có diện tích keo bị bệnh quy mô hàng ha. Diện tích rừng keo bị bệnh chủ yếu ở chu kỳ 3 sau khai thác.

Theo Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Chiêm Hóa, trước thực trạng keo chết, công ty đã xác minh thực tế trên các lô rừng trồng để tìm ra nguyên nhân. Qua xác minh và căn cứ vào tài liệu tham khảo, công ty nhận định số keo chết là do nấm bệnh gây chết héo. Nguồn nấm ký sinh đã thâm nhập qua các vết thương do mối, kiến cắn biểu bì ở vị trí gốc, cổ rễ cây keo, gây tổn thương nặng không thể vận chuyển nước và dinh dưỡng lên ngọn cây vì thế cây bị chết héo.

Đã có khoảng 100 ha rừng keo ở Chiêm Hóa bị nhiễm bệnh, mật độ cây bị bệnh chiếm từ 10 đến 15% diện tích. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Dương Minh Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật, Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Chiêm Hóa cho biết, với những diện tích rừng mới trồng năm 2019 bị chết, công ty đã thực hiện trồng bổ sung. Đến nay nhiều diện tích đã hồi xanh trở lại. Với những diện tích rừng từ 3 đến 4 năm tuổi có keo chết thì việc khắc phục trước mắt là chặt, đào bỏ toàn bộ rễ cây bị bệnh; không thể trồng dặm lại bởi cây đã lên quá cao. Hiện nay, tổng diện tích rừng trồng do Cty Lâm nghiệp Chiêm Hóa quản lý là 6.500 ha, trong đó diện tích đất rừng trồng 3.600 ha. Toàn bộ diện tích rừng trồng do công ty quản lý đều đã trồng keo từ 2 đến 3 chu kỳ.

Trước thực trạng cây bị chết héo, Cty Lâm nghiệp Chiêm Hóa đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, hộ nhận khoán trồng rừng liên doanh thực hiện những biện pháp tạm thời để phòng chống bệnh héo trên cây keo như: Với các vườn ươm cần chọn cây vật liệu lấy hom khỏe, sạch bệnh; xử lý bầu đất ươm cây giống bằng các chế phẩm sinh học để hạn chế mầm bệnh và giúp cây con phát triển khỏe mạnh, tăng khả năng kháng bệnh. Với rừng trồng, trước khi trồng cần dọn thực bì, cuốc hố trước 15 ngày; xử lý hố trước khi trồng bằng vôi bột, Trichoderma; xử lý mối, côn trùng bằng các loại thuốc PMC 90DP; Metavina 10DP; Regent 0.3GR; thường xuyên kiểm tra, theo dõi phát hiện và phòng trừ sớm đối với các loại côn trùng, mối gây hại cây trồng.

Phần gỗ ở vị trí vết bệnh bị biến màu, gỗ thường bị chuyển sang màu nâu đen hoặc màu xanh đen. Ảnh: Đào Thanh.

Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang xuất hiện tình trạng keo chết héo. Như trong những năm từ năm 2016 đến năm 2018, trên địa bàn các huyện Yên Sơn, Sơn Dương diện tích có keo bị ảnh hưởng do bệnh chết héo lên tới 500 ha, trong đó tỷ lệ cây bị bệnh chiếm từ 10 đến 15% diện tích.

Bệnh keo chết nguy hiểm như thế nào?

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho biết: “Dịch bệnh trên cây keo đang rất nguy hiểm, nhất là bệnh chết héo do nấm Ceratocystis gây ra. Tại Indonesia, khoảng 1 triệu ha rừng keo đã bị chết, Malaysia cũng thiệt hại khoảng 300.000 ha. Còn tại tỉnh Tuyên Quang cũng có 100ha bị thiệt hại do bệnh này. Cùng với đó là bệnh phấn hồng cũng ở cây keo đang có dấu hiệu lây lan, cần phải tập trung xử lý nhanh chóng. Nếu không toàn ngành sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề”.

Theo nghiên cứu của Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam thì nguyên nhân gây ra bệnh chết héo trên cây keo lai và keo tai tượng tại Việt Nam do nấm Ceratocystis manginecans gây ra. Loài nấm này gây bệnh chết héo rất phổ biến ở các vùng trồng cây keo tập trung.

Triệu chứng điển hình của bệnh là trên thân hoặc cành cây có những vết loét, thâm hoặc vết lõm ở phần vỏ cây. Vỏ và gỗ xung quanh vị trí vết bệnh bị đổi màu đậm hơn bình thường, có thể chảy nước hoặc sùi bọt. Phần gỗ ở vị trí vết bệnh bị biến màu, gỗ thường bị chuyển sang màu nâu đen hoặc màu xanh đen. Khi vỏ cây và gỗ bị chuyển màu, tán lá bắt đầu héo nhưng lá vẫn treo trên cây. Sau đó héo khô rụng và cây chết.

Khi vỏ cây và gỗ bị chuyển màu, tán lá bắt đầu héo nhưng lá vẫn treo trên cây. Sau đó héo khô rụng và cây chết. Ảnh: Đào Thanh.

Tại tỉnh Tuyên Quang, loại bệnh này thường xuất hiện nhiều tại những cánh rừng đã trồng và khai thác được từ 3 đến 4 chu kỳ. Do trong quá trình khai thác, trồng lại nhiều chu kỳ, bà con không thực hiện khử trùng, vệ sinh cẩn thận, mầm bệnh lưu trú nên gặp thời tiết thuận lợi là phát tán gây hại trên cây non.

Giải pháp mà ngành NN-PTNT Tuyên Quang đưa ra trong giai đoạn hiện nay là khuyến cáo người trồng rừng thực hiện tốt việc vệ sinh tiêu độc khử trùng. Với những diện rừng trồng được 3 đến 4 chu kỳ, thực hiện luân canh bằng các giống cây trồng khác thay thế cây keo. Tuy nhiên, đây cũng là một bài toán gian nan bởi không phải loài cây nào cũng phù hợp với thổ nhưỡng tại các vùng đồi núi ở Tuyên Quang đồng thời cho hiệu quả kinh tế cao.

Bà Mai Thị Hoàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, sau khi nhận được thông tin về tình trạng bệnh keo chết héo tại các địa phương, Sở đã xuống trực tiếp cơ sở kiểm tra. Sở đã có văn bản gửi các địa phương cùng phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách nhận biết loại bệnh này để kịp thời phát hiện, khoanh vùng phòng, chống hiệu quả. Sở cũng đề nghị các nhà khoa học trong lĩnh vực lâm nghiệp nghiên cứu nguyên nhân và tìm ra giải pháp giúp các địa phương kịp thời ngăn chặn hiệu quả.

Bên cạnh việc thay thế cây trồng khác, ngành NN-PTNT Tuyên Quang cũng khuyến cáo biện pháp phòng trừ hiệu nhất với bệnh này là chọn cây giống chất lượng và có nguồn gốc rõ ràng. Ảnh: Đào Thanh.

Hiện nay, trung bình mỗi năm sản lượng khai thác gỗ rừng trồng của tỉnh Tuyên Quang đạt khoảng 900.000 m3; thực hiện trồng mới hơn 10.000 ha rừng. Tuyên Quang đang phấn đấu trở thành hình mẫu phát triển kinh tế lâm nghiệp của cả nước. Trước tình trạng keo chết hàng loạt khiến không ít các tổ chức, cá nhân, hộ trồng rừng hoang mang, chính quyền tỉnh Tuyên Quang đang cùng với các ngành chức năng nghiên cứu tìm giải khắc phục hợp lý.

Khuyến cáo của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam 

Sử dụng cây giống sạch sâu bệnh khi trồng rừng mới. Không nhân giống keo lai từ những cây mẹ có triệu chứng bị chết héo; loại bỏ những dòng quá mẫn cảm với nấm gây bệnh chết héo; loại bỏ những cây con có triệu chứng bị bệnh ngay trong vườn ươm. Khi trồng rừng chỉ sử dụng cây giống sạch sâu bệnh, đặc biệt phải sạch bệnh chết héo, không sử dụng cây giống không có guồn gốc.

Đối với rừng trồng: Giải phóng đất dự định trồng trước 3 tháng tính đến thời điểm trồng; thu dọn tàn dư thực vật, tiêu hủy những cây keo hoặc cây trồng khác đã bị bệnh, đặc biệt là bệnh chết héo. Phải đào hố trồng trước khi trồng ít nhất 1 tháng; xử lý mầm bệnh trong đất sử dụng vôi bột, phơi ải ít nhất 2 tuần sau khi bón vôi; tuân thủ đúng mật độ trồng từ 1.660 đến 2.000 cây/ha.

Trồng cây vào đầu mùa mưa; tỉa cành vào mùa khô và tiến hành tỉa đầu cành khi cây đạt 5 đến 6 tháng tuổi, cây cao hơn 1,2m; không tỉa cành vào mùa mưa hoặc khi thời tiết có độ ẩm cao; sử dụng dụng cụ cắt tỉa cành sắc gọn tránh gây sát thương cơ giới tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh xâm nhiễm, lây lan; cần trồng hỗn giao theo lô, mỗi lô trồng 1 giống với diện tích nhỏ hơn 10 ha; cần luân canh cây trồng sau mỗi kỳ kinh doanh cây keo lai.

Phải rào, chắn bảo vệ các diện tích rừng trồng keo khỏi tác động của gia súc. Chăm sóc phát dọn thực bì 1 đến 2 lần/năm. Tuyệt đối không làm tổn thương rễ khi xới gốc, hạn chế dùng phân đạm khi bón thúc; thường xuyên kiểm tra và chặt tiêu hủy những cây có triệu chứng bệnh chết héo.

Sử dụng phế phẩm sinh học hỗn hợp MF1, chế phẩm sinh học từ nấm đối kháng Trichoderma và vi khuẩn đối kháng Bacillus subtilis vào đầu mùa mưa; tưới thuốc và chế phẩm sinh học vào đầu mùa sinh trưởng. Sử dụng các loại thuốc hóa học như: Thuốc trừ bệnh hóa học có hoạt chất Metalaxyl, Mancozeb pha thuốc với chất bám dính. Thời điểm phun áp dụng khi cây bị nhiễm bệnh nhẹ, phun nhắc lại 2 lần, cách nhau 7 đến 10 ngày. Khi sử dụng thuốc phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng.