LHQ: Còn nhiều đại dịch nếu tiếp tục khai thác động vật hoang dã

Chuyên gia từ Liên Hợp Quốc cảnh báo nguy cơ gia tăng dịch bệnh nếu con người không bảo vệ môi trường và động vật hoang dã.

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc và Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế, những bệnh truyền nhiễm như Covid-19 tiếp tục tăng do việc tiêu thụ động vật, tình trạng biến đối khí hậu và thói quen canh tác nông nghiệp không bền vững.

Báo cáo cho rằng việc môi trường bị huỷ hoại kéo theo nhiều thay đổi trong cách tương tác giữa con người và động vật.

Môi trường bị huỷ hoại sẽ kéo theo nhiều thay đổi trong cách tương tác giữa con người và động vật. (Ảnh: CDC)

“Trong thế kỷ vừa qua, chúng ta đã chứng kiến ít nhất 6 đợt bùng phát dịch bệnh có nguồn gốc từ virus corona”, Inger Andersen, Tổng thư ký kiêm Giám đốc điều hành chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc, cho biết.

“Trong hai thập kỷ gần đây, các bệnh truyền nhiễm từ động vật, không bao gồm đại dịch Covid-19, gây thiệt hại 100 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu”, bà Andersen chia sẻ. “Hàng năm, các bệnh truyền nhiễm từ động vật như bệnh lao bò hay bệnh dại, cướp đi sinh mạng của 2 triệu người dân có thu nhập thấp hoặc trung bình”.

Theo chuyên gia này, virus gây bệnh có trên động vật nuôi hoặc động vật hoang dã. Việc con người quá phụ thuộc và tiêu thụ nhiều protein từ động vật đã tạo điều kiện cho các loài virus lây lan. “Trong 50 năm qua, nhu cầu sản xuất thịt tăng lên 260%”, bà Andersen nêu ví dụ.

Cũng theo bà Andersen, việc con người mở rộng các hoạt động nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng và khai thác tài nguyên trong môi trường hoang dã cũng là tác nhân gây ra dịch bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ động vật.

“Các công trình thuỷ lợi và chăn nuôi có liên quan đến 25% tổng số bệnh truyền nhiễm ở người. Sử dụng chung nguồn nước với động vật nhiễm bệnh là cách thức truyền virus phổ biển”, bà Andersen giải thích.

Dơi có thể là nguồn lây lan của virus corona gây ra dịch Covid-19. (Ảnh: Reuters)

Nghiên cứu này cũng khuyến nghị các chính phủ nên hành động ngay để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong tương lai. Nghiên cứu đưa ra các biện pháp như nâng cao chất lượng quản lý đất đai, cải thiện đa dạng sinh học và đầu tư vào nghiên cứu khoa học.

“Để ngăn chặn dịch bệnh tiếp tục bùng phát trong tương lai, chúng ta cần suy nghĩ nhiều hơn về việc bảo vệ môi trường tự nhiên”, bà Andersen kết luận.