Cách nào giữ được rừng Tây Nguyên?

Là khu vực vốn có trữ lượng rừng giàu bậc nhất cả nước, thế nhưng thực tế chất lượng, độ che phủ rừng ở Tây Nguyên đang suy giảm nhanh chóng tới mức báo động bởi nạn phá rừng.

Không chỉ rừng tự nhiên bị suy giảm mà việc phát triển, nhiệm vụ trồng rừng (rừng sản xuất) ở đây cũng gặp không ít khó khăn. Vậy đâu là giải pháp để bảo vệ và phát triển bền vững rừng ở Tây Nguyên?

Rừng tự nhiên tiếp tục bị “xẻ thịt”

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng diện tích có rừng của các tỉnh Tây Nguyên là 2.559.956ha, chiếm 17,5% diện tích có rừng cả nước. Tỷ lệ che phủ rừng toàn khu vực Tây Nguyên đạt 45,92%. Trong đó, rừng phân theo mục đích sử dụng: Rừng đặc dụng 479.257ha, rừng phòng hộ 547.822ha, rừng sản xuất 1.532.876ha. Năm 2019, diện tích rừng trồng tăng 18.387ha so với năm 2018, diện tích rừng tự nhiên giảm 15.753ha, trong đó 3 tỉnh có diện tích rừng tự nhiên giảm mạnh là Đắc Lắc 11.419ha, Đắc Nông 7.156ha và Gia Lai 494ha.

Từ năm 2019 đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện 4.863 vụ vi phạm về lâm nghiệp, đã xử lý 4.433 vụ vi phạm, trong đó: Xử phạt vi phạm hành chính 4.119 vụ vi phạm; xử lý hình sự 314 vụ; tịch thu 9.898m3 gỗ các loại. Tổng số tiền thu nộp ngân sách là 56 tỷ đồng. Đặc biệt, các tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện và xử lý 1.309 vụ phá rừng, canh tác nương rẫy trái phép, diện tích rừng bị phá là 410,412ha. Chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2020 đã phát hiện 417 vụ phá rừng, tăng 57 vụ (15,83%), gây thiệt hại 126,8ha rừng.

Cách nào giữ được rừng Tây Nguyên?

Trên thực tế rừng ở Tây Nguyên bị phá, lấn chiếm trái pháp luật để trồng cây nông nghiệp, cây công nghiệp, cây đặc sản đã diễn ra gay gắt từ nhiều năm, tập trung ở khu vực giao cho các lâm trường quốc doanh, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng, UBND xã quản lý.

Hình thức phá rừng ngày càng tinh vi, liều lĩnh, có tổ chức như: Phá vào ban đêm, cắt cử người cảnh giới; sử dụng công cụ cơ giới (cưa xăng có gắn thiết bị giảm thanh). Vì vậy, diện tích rừng bị phá, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật tương đối lớn, nhiều vụ việc chưa được phát hiện và xử lý.

Đối tượng trực tiếp phá rừng chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, dân di cư tự do, hầu hết thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống khó khăn nên khó có khả năng thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, còn có tình trạng một số đối tượng thuê đồng bào phá rừng, các đối tượng này khó nhận diện và cần phải có sự điều tra của các cơ quan chức năng. Hầu hết các tỉnh không phát hiện và xử lý được các đối tượng cầm đầu thuê người dân phá rừng trái pháp luật. Do đó, việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng để canh tác là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm diện tích rừng trên địa bàn Tây Nguyên.

Lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn (huyện Buôn Đôn, Đắc Lắc) cùng người dân nhận khoán tuần tra bảo vệ rừng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc Y Giang Gry Niê Knơng lý giải: Một nguyên nhân suy giảm diện tích rừng ở Đắc Lắc cũng như các tỉnh Tây Nguyên là do một số diện tích rừng đã bị biến đổi trước năm 2014, thế nhưng trong quá trình điều tra, kiểm kê rừng chưa phát hiện được. Một số diện tích rừng đã bị phá từ những năm trước nhưng do chủ rừng không phát hiện hoặc che giấu để né tránh trách nhiệm. Trong khi đó lực lượng kiểm lâm trên địa bàn mỏng nên không thể kiểm soát hết diện tích rừng được giao quản lý. Đắc Lắc có diện tích rừng khộp lớn, cơ bản là rừng nghèo, rừng nghèo kiệt.

Trước tình trạng rừng Tây Nguyên bị suy giảm, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cảnh báo: “Trước đây, rừng tự nhiên tại Tây Nguyên có trữ lượng rất giàu. Tuy nhiên, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rừng Tây Nguyên do chuyển đổi mục đích sử dụng trong nhiều năm qua, phát triển cây công nghiệp, phát triển kinh tế-xã hội nên diện tích và trữ lượng rừng Tây Nguyên đã bị suy giảm nhanh chóng. Hiện vẫn còn tiếp tục suy giảm.

Vấn đề đặt ra đối với Tây Nguyên là để phát triển bền vững thì phải giữ diện tích rừng hiện có, không thể để thấp hơn được nữa. Đến nay, độ che phủ của rừng ở Tây Nguyên còn 45,92%, nhưng trong đó rừng nghèo và rừng nghèo kiệt chiếm tới 70%, diện tích rừng giàu và trung bình chỉ còn tập trung ở một số khu vực rừng đặc dụng và rừng phòng hộ đầu nguồn”.

Giải bài toán từ chính sách

Việc trồng rừng ở Tây Nguyên hiện còn hết sức khó khăn. Điều này hết sức phi lý nếu xét tới điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng rất thuận lợi cho việc trồng rừng, thậm chí có thể trồng rừng thâm canh chất lượng cao. Tuy nhiên, việc trồng rừng nơi đây chưa thu hút được người dân là vì so với trồng các cây công nghiệp, cây nông nghiệp (cao su, hồ tiêu, điều, cây ăn quả) thì lợi nhuận không bằng. Do đó, khuyến khích trồng rừng ở đây khó khăn hơn so với các khu vực khác.

Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Các tỉnh Tây Nguyên có nhiều lợi thế về trồng rừng, thế nhưng do nhiều chính sách còn hạn chế, bất cập nên chưa thu hút được người dân, doanh nghiệp tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng. Đến nay, khai thác gỗ rừng sản xuất và cây trồng phân tán đạt kết quả khiêm tốn là 0,38 triệu mét khối gỗ các loại, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ các tỉnh Tây Nguyên năm 2019 chỉ đạt 11 triệu USD là chưa xứng với tiềm năng, lợi thế.

Theo các chuyên gia lâm nghiệp, để bảo vệ được diện tích rừng tự nhiên hiện có ở Tây Nguyên, yêu cầu đặt ra là phải đánh giá đúng thực trạng, nguyên nhân suy giảm rừng; chính quyền các địa phương, các lực lượng ở cơ sở phải quyết liệt hành động, đồng thời có sự hỗ trợ về cơ chế chính sách từ tỉnh và Trung ương; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Mặt khác, từng tỉnh trong khu vực phải xây dựng đề án bảo vệ và phát triển rừng bền vững, trên cơ sở đề án bảo vệ và phát triển rừng của khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đối với Tây Nguyên, phải rà soát lại quy hoạch, kiên quyết bảo đảm quy hoạch đối với những diện tích phải trồng rừng. Cùng với đó, cần sửa đổi chính sách khoán bảo vệ rừng cho phù hợp vì mức khoán bảo vệ rừng hiện nay 200.000 đồng/ha là rất thấp, nên chưa thu hút được người dân trên địa bàn tham gia bảo vệ rừng. Nói cách khác, ở khu vực Tây Nguyên với những đặc thù đã đề cập ở trên thì để bảo vệ và phát triển rừng, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cao hơn so với các khu vực khác.

Hiện Bộ NN&PTNT đang tiến hành rà soát các quy định của pháp luật về xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ rừng, trong đó có các hành vi tiếp tay cho phá rừng, để kiến nghị sửa đổi cho phù hợp nhằm xử lý, trừng trị nghiêm các hành vi phá rừng, tiếp tay phá rừng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, rừng ở Tây Nguyên không chỉ ảnh hưởng đến việc bảo vệ môi trường sinh thái ở khu vực Tây Nguyên mà còn tác động đến các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ về sinh thủy (nguồn nước-hầu hết các sông ở Nam Trung Bộ đều bắt nguồn từ Tây Nguyên). Nếu không bảo vệ được rừng thì việc phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực Tây Nguyên sẽ rất khó khăn và chịu ảnh hưởng do thiên tai (hạn hán, lũ lụt).

Để bảo vệ được rừng rất cần xác định rõ trách nhiệm của chủ rừng, cấp ủy, chính quyền địa phương. Các lâm trường phải rà soát lại để quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp hiệu quả hơn.