Nhộn nhịp sang nhượng dự án điện tái tạo

Lợi dụng giá điện gió và điện mặt trời đang được ưu đãi, có tình trạng nhà đầu tư mua đi bán lại dự án mà nhiều người ví von “buôn bán ưu đãi”

Trên một website mua bán bất động sản khá nổi tiếng, mới đây xuất hiện nhiều lời rao bán lại dự án điện: “Cần sang nhượng dự án điện mặt trời tại Bình Thuận, diện tích 45 ha, đã đầy đủ hồ sơ pháp lý, hợp đồng bán điện, hạ tầng đường sá”. “Cần sang nhượng gấp dự án điện mặt trời 5MW/5 pháp danh/5 ha. Giá công khai 18,5 tỉ đồng/1MW. NĐT mua lại trang trại và vận hành, không lo thiếu bất cứ thủ tục pháp lý nào và có khả năng sẽ đặt cọc trước với chủ sở hữu”…

Dự án điện mặt trời được rao bán trên mạng. (Ảnh chụp từ màn hình)

Lướt sóng… cả dự án

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một chuyên gia của Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam – người nắm khá rõ về các vấn đề liên quan đến điện tái tạo, cho hay trừ một số nhà đầu tư thực chất vào lĩnh vực điện tái tạo, hiện có tình trạng một số nhà đầu tư “lướt sóng” để kiếm lợi nhuận từ các dự án này.

“Nhà đầu tư lướt sóng thường không có chuyên môn về điện tái tạo hoặc không có đủ nguồn lực tài chính nhưng lại có cách để xin được dự án. Sau đó, họ sẽ bán lại để kiếm lời. Tình trạng này không dễ ngăn chặn bởi khung pháp lý không cấm chuyện mua bán, sang nhượng dự án điện. Nếu muốn cấm, cơ quan nhà nước phải yêu cầu đáp ứng thêm về mặt năng lực, song việc này đồng nghĩa với tăng thêm giấy phép con và đi ngược lại chủ trương cắt giảm thủ tục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN)” – vị chuyên gia nói.

Một nhà đầu tư tư nhân của nhiều dự án năng lượng mới đây cũng tiết lộ đã rút vốn khỏi một dự án điện gió ở phía Nam do nhận thấy nguy cơ không chạy kịp tiến độ để hưởng được giá tốt. “Nhà đầu tư còn lại của dự án này sau đó đã liên kết với một nhà đầu tư nước ngoài và lên kế hoạch tăng tốc dự án. Khi nhận thấy dịch Covid-19 có thể khiến dự án bị ngưng trệ, giải pháp tốt nhất cho tôi là rút vốn để đầu tư vào dự án khác” – nhà đầu tư này nói và không giấu dự định có thể bán lại một số dự án nếu có lợi ích.

Theo TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng, nguyên nhân dẫn đến xu hướng mua đi bán lại dự án điện tái tạo là bởi giá bán điện gió, điện mặt trời đang được ưu đãi. “Buôn bán dự án dựa trên lợi thế ưu đãi thực chất chính là “buôn bán ưu đãi”, tức là để phát triển nguồn điện này thì có thể không cần đến ưu đãi đó” – TS Sơn thẳng thắn.

Thực tế, giá mua điện mặt trời đang là 9,35 cent/KWh, tương đương 2.086 đồng/KWh, trong khi giá bán lẻ điện bình quân chỉ là 1.864,4 đồng/KWh. Giá mua điện gió từ các dự án trong nước cũng không kém phần ngất ngưởng, lên tới 8,5 cent/KWh với dự án trên bờ và 9,8 cent/KWh với dự án ngoài khơi. Trong khi đó, giá trần điện gió nhập khẩu từ Lào theo quyết định mới đây của Thủ tướng chỉ 6,95 cent/KWh. Đáng lưu ý, các nhà đầu tư điện tái tạo đã lên tiếng rất nhiều mới có mức giá được cho là “đủ hấp dẫn để đầu tư” như trên.

Coi chừng hệ lụy

Trả lời báo chí mới đây, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), khẳng định việc sang nhượng dự án điện mặt trời cho nhà đầu tư trong và ngoài nước là hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường và được quy định trong Luật Đầu tư.

Theo TS Nguyễn Thành Sơn, có khá nhiều rủi ro từ việc sang nhượng, mua bán dự án điện tái tạo. Thứ nhất là về giá, do chắc chắn sẽ có thay đổi, cải tiến về mặt công nghệ và thực hiện theo lộ trình giá, giá mua điện tái tạo trong tương lai sẽ rẻ rất nhiều so với hiện nay. Nếu nhà đầu tư bán lại dự án cho một DN khác thì tại thời điểm bán, giá được xác định trên cơ sở ưu đãi lớn, tính hấp dẫn cao nhưng đưa vào vận hành, mua bán điện thực tế sau này thì lợi ích sẽ giảm sút.

Thứ hai, theo ông Sơn, việc xin dự án rồi sang nhượng, mua bán có thể khiến kéo dài thời gian thực hiện, triển khai dự án, ảnh hưởng đến tiến độ đưa nguồn điện vào vận hành trong bối cảnh năng lượng điện có nguy cơ thiếu hụt không nhỏ. “Thực ra, năng lượng tái tạo đóng vai trò không lớn trong tổng nguồn điện. Thậm chí, bùng nổ năng lượng tái tạo tại một khu vực có thể gây mất cân đối cục bộ lưới truyền tải, mất cân đối về nguồn. Áp lực tăng cường các nguồn khác để điều hòa công suất khi phát điện tái tạo sụt giảm bởi thời tiết cũng lớn hơn. Nếu còn thêm cả việc buôn bán dự án tự phát thì việc kiểm soát nguồn càng khó” – ông Sơn phân tích.

TS Nguyễn Thành Sơn góp ý để chặn tình trạng sang nhượng dự án không kiểm soát được, có thể áp dụng đấu thầu dự án ngay từ khi cấp phép. Đồng thời, cân nhắc kỹ giá mua điện tái tạo cũng như thời gian ưu đãi để ngăn tình trạng DN chạy đua với giá trong khi mục tiêu chính của nhà nước là phát triển năng lượng tái tạo lại không đạt được.

Chuyên gia của Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam góp ý thay vì yêu cầu cam kết năng lực nhà đầu tư bởi e ngại phát sinh giấy phép con thì có thể quy định thời hạn triển khai dự án. Cụ thể, đối với dự án được cấp phép đầu tư, địa phương quy định thời hạn triển khai dự án, nếu quá hạn sẽ tước giấy phép, thu hồi đất. Việc này sẽ tránh tình trạng “chạy” dự án, giải phóng mặt bằng rồi chờ khách sang nhượng, gây lãng phí tài nguyên, không giải quyết được bài toán thiếu điện.

Nhập nhèm điện mặt trời mái nhà và nối lưới, ngành điện khó quản lý

Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC) vừa có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xin ý kiến chỉ đạo đối với mua bán điện mặt trời mái nhà.

Cụ thể, EVN SPC cho biết trên địa bàn đơn vị này quản lý, có nhà đầu tư dự án điện mặt trời quy mô nhỏ dưới 1 MW kết hợp dự án công nghệ cao, với 10 điểm đo đếm điện và 10 trạm biến áp. Các dự án này đấu nối chung vào một đường dây 22 KV do một công ty đầu tư đấu nối vào hệ thống EVN SPC quản lý. EVN SPC đề nghị EVN hướng dẫn cụ thể 10 hệ thống này thuộc hệ thống điện mặt trời mái nhà hay hệ thống điện mặt trời nối lưới. “Các dự án nông nghiệp công nghệ cao kết hợp đầu tư điện mặt trời mái nhà, trong tương lai có thể chủ đầu tư không làm nông nghiệp nữa, chỉ làm điện mặt trời bán cho ngành điện thì có còn được hưởng giá điện mặt trời mái nhà – cao hơn điện mặt trời nối lưới” – EVN SPC nêu vướng mắc.

Đặc biệt, EVN SPC còn đề nghị EVN hướng dẫn trường hợp các nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà có nhu cầu gộp lại thành một công ty sở hữu nhiều dự án dưới 1 MW và tổng công suất trên 1 MW thì có được xem là hệ thống điện mái nhà?

Ngoài ra, EVN SPC cũng cho biết theo Luật Điện lực, bên phát điện (nhà đầu tư) phải đầu tư hệ thống đo đếm, tuy nhiên theo Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích điện mặt trời thì ngành điện phải đầu tư. Nếu tính chi phí khoảng 100 triệu đồng/hệ thống đo đếm khách hàng 1 MW thì sẽ phát sinh chi phí hơn 49 tỉ đồng, tương ứng với tổng cộng 493 hệ thống điện mặt trời thuộc địa bàn quản lý.