Nông dân Mỹ “khóc ròng” vì ông Trump liên tục “gây chiến” với Trung Quốc

Trong khi các nhà lập pháp phía Đảng Cộng Hòa đang yêu cầu tiếp tục trừng phạt Trung Quốc, các nhà kinh tế lại cảnh báo rằng Mỹ không thể “tẩy chay” Trung Quốc. Điển hình là nông dân Mỹ đang hy vọng mỏi mòn giai đoạn 1 của thỏa thuận Mỹ – Trung sẽ được tiến hành thuận lợi, bất chấp những lời lên án lẫn nhau giữa lãnh đạo hai bên.

Những nông dân Mỹ. Ảnh: BI

“Tới thời điểm này, thỏa thuận trên vẫn chưa thấy một dấu hiệu tiến triển nào”, ông Tim Bardole – Chủ tịch Hội người trồng đậu nành bang Iowa ngán ngẩm cho hay. “Đã sắp tới thời điểm kết thúc giai đoạn 1 nhưng số lượng đặt hàng của Trung Quốc còn lâu mới đạt được số lượng kỳ vọng”.

Khi hội kiến Ủy ban Chính sách Thương mại Mỹ, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer nói rằng, ông trông đợi Trung Quốc sẽ tôn trọng thỏa thuận mua hàng nông sản của Mỹ. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến chuyên gia thì con số trong thỏa thuận là quá “lạc quan” ngay cả trước khi đại dịch xảy ra.

Trong khi đó, cuốn sách sắp xuất bản của cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton hé lộ, các con số trong các thỏa thuận được cố ý nâng lên cao bất thường nhằm mục đích tạo thuận lợi cho Tổng thống Donald Trump tái đắc cử nhiệm kỳ tiếp theo. Ông Bolton cho rằng, trong một cuộc hội đàm hồi năm 2016, ông Trump đã “cầu khẩn” Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý mua một lượng lớn hàng nông sản của Mỹ nhằm giúp Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng ở nhiệm kỳ tới.

Còn theo một báo cáo của tờ Bloomberg cho rằng, Trung Quốc sẽ tăng lượng nhập khẩu nông sản từ Mỹ sau cuộc gặp gỡ cấp Bộ trưởng diễn ra tại Hawaii, qua đó sẽ thúc đẩy trở lại ngành lương thực Mỹ vốn luôn bị “chìm nổi” trong thời gian gần đây vì thái độ “gật rồi lắc, lắc rồi gật” liên tục của Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn chưa có xác nhận chính thức nào từ phía chính quyền về nguồn tin này.

Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu thứ 3 của Mỹ sau Canada và Mexico. Nhưng do hậu quả của đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã trở thành đối tác lớn nhất của Mỹ từ tháng 4 năm nay. Ảnh: CNBC.

Những nguồn tin này có vẻ chỉ đem lại chút hy vọng cho nông dân Mỹ. Khi Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho thấy, số lượng xuất khẩu nông sản cũng như các hàng hóa qua Trung Quốc của Mỹ vẫn tăng rất ì ạch, và còn rất xa với con số mong đợi.

Ông Tim Bardole cũng đổ lỗi cho Bắc Kinh về việc ép giá nông dân Mỹ. Ông cũng cho biết, ban đầu nông dân Mỹ hy vọng với sự cứng rắn của Tổng thống Trump sẽ giúp cải thiện tình hình. “Rất nhiều nông dân đã ủng hộ Tổng thống vì Trung Quốc đã ép giá chúng tôi trong suốt nhiều năm”, ông nhận xét.

Tuy nhiên, chính sách tăng thuế của Trump đã không đem lại kết quả như mong đợi. Gần đây, nông dân Mỹ ngày càng trở nên hoài nghi với kết quả của chiến tranh thương mại mà chính quyền hiện tại đã khởi xướng.

Ông Kenneth Dallmier, Chủ tịch, Giám đốc Điều hành Công ty ngũ cốc Clarkson, thành viên của Hội đồng xuất khẩu đậu nành Mỹ cho biết: “Tôi nghĩ rằng chính phủ hiện tại đã xử lý cực kỳ tệ hại trong các cuộc đàm phán. Với tôi, nó được xử lý rất tồi bởi sự không chắc chắn của các thương thảo. Sự bất ổn này cũng thể hiện qua việc giá nông sản Mỹ vẫn ở mức rất thấp”.

Mặc dù, các chính khách Mỹ không hài lòng với Bắc Kinh, nhưng họ cũng hiểu được họ cần thị trường nông sản khổng lồ của Trung Quốc để cứu vãn nền kinh tế đang trong cơn “bạo bệnh” của mình. Theo ông Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ – Trung, “Khoảng hơn 2,4 triệu việc làm của Mỹ đến từ các quan hệ trực tiếp về thương mại hay đầu tư từ Trung Quốc”.

Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu thứ 3 của Mỹ sau Canada và Mexico. Nhưng do hậu quả của đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã trở thành đối tác lớn nhất của Mỹ từ tháng 4 năm nay. Theo dự đoán của Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất đạt mức tăng trưởng 1% trong khi các nền kinh tế khác đều suy thoái.

Trung Quốc ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với Mỹ. Ông Chad Brown, Học giả kỳ cựu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson phát biểu: “Điều cuối cùng mà các công ty, công nhân và nông dân Mỹ muốn ở thời điểm hiện tại là chấm dứt sự leo thang của thương chiến Trump – Trung Quốc”.

Ông Bardole cũng chia sẻ: “Tôi không còn muốn coi tin tức một chút nào, bởi vì những sự kiện diễn ra đang ảnh hưởng đến chúng tôi. Chúng tôi đã chịu đựng quá đủ… Gia đình tôi đã canh tác ở mảnh đất này từ năm 1901. Và tôi chỉ có thể hy vọng rằng chúng tôi có thể tiếp tục điều đó”.

Theo NBC News