Sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) phải giải quyết được các vấn đề cấp bách về môi trường đang đặt ra, với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là phải lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu.

Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN-MT) đang tổ chức lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ môi trường – BVMT (sửa đổi). Dự án luật này dự kiến trình Quốc hội (QH) cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (khai mạc ngày 20-5) và thông qua tại kỳ họp thứ 10.

Sửa luật cho phù hợp thực tế

Trong báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật BVMT năm 2014, gửi Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết sau gần 6 năm áp dụng, luật này đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi.

Cụ thể, một số quy định trong pháp luật về BVMT chưa sát thực tế, thiếu cụ thể dẫn đến chậm đi vào cuộc sống, không theo kịp yêu cầu phát triển của thực tiễn và hội nhập quốc tế. Vi phạm pháp luật về BVMT vẫn diễn biến phức tạp, trong khi công tác thanh tra, kiểm tra chưa được quan tâm đúng mức, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Các thủ tục hành chính mang tính cho phép về môi trường vừa thiếu vừa chồng chéo, trùng lắp, phân tán, thiếu sự liên thông, tích hợp dẫn đến việc cùng một dự án, chủ đầu tư phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính; một số vấn đề mới phát sinh về BVMT chưa có hành lang pháp lý để điều chỉnh.

Đại diện các cơ quan chức năng kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường tại dự án Bauxite Tân Rai, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: ĐÌNH THI

Trong tờ trình Chính phủ gửi tới QH, Chính phủ cũng nhìn nhận Luật BVMT hiện hành chưa tiếp cận và cập nhật với những thay đổi nhanh của cơ chế thị trường. Một số quy định mới chỉ ở mức khung, chưa bảo đảm các yếu tố thực thi. Quản lý môi trường cũng mới chỉ tập trung đề cao vai trò, trách nhiệm của nhà nước chứ chưa làm rõ vai trò của người dân, doanh nghiệp (DN), sự tham gia của tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và cộng đồng trong BVMT.

Theo Chính phủ, môi trường nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp; chỉ số ô nhiễm môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép, không còn khả năng tiếp nhận chất thải. “Đã xuất hiện những sự cố môi trường lớn, đặc biệt là sự cố môi trường do Formosa gây ra, đòi hỏi phải nhanh chóng thay đổi phương thức quản lý, kiểm soát về môi trường đối với các dự án đầu tư lớn, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Bên cạnh đó, sự bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 hiện nay, đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề BVMT” – tờ trình của Chính phủ nêu.

Chính phủ cho rằng quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong xây dựng luật, là phải lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, bảo đảm mọi người dân đều có quyền được sống trong môi trường trong lành. BVMT phải được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; phải lấy phòng ngừa là chính, kết hợp với khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường.

Cắt giảm thủ tục cho doanh nghiệp

Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) gồm 16 chương, 192 điều, cụ thể hóa 13 nhóm chính sách đã được đánh giá tác động, trong đó đã bố cục lại các nội dung theo hướng đưa mục tiêu bảo vệ các thành phần môi trường là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách khác.

Tại hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo luật do Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của QH tổ chức ngày 15-5, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân khẳng định việc sửa đổi toàn diện Luật BVMT nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật về BVMT phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất về BVMT, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BVMT đáp ứng yêu cầu đặt ra của giai đoạn phát triển mới.

Trên tinh thần đó, dự thảo luật hướng tới cải cách mạnh mẽ, với việc cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính. Việc cắt giảm thủ tục này góp phần giảm chi phí tuân thủ của DN thông qua các quy định: thu hẹp khoảng 40% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM), tương ứng giảm chi phí khoảng 50 tỉ đồng/năm; tích hợp các thủ tục hành chính vào giấy phép môi trường (GPMT), tương ứng giảm 86 tỉ đồng/năm; bỏ quy định trách nhiệm quan trắc môi trường định kỳ của DN, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm hoặc gây ô nhiễm môi trường (giảm khoảng 20.000 tỉ đồng/năm).

Về ĐTM, dự thảo luật xác lập lại đúng vai trò của ĐTM là công cụ dự báo, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm đối với các dự án lớn, có tác động xấu đến môi trường; sửa đổi quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM theo hướng chỉ phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM nhằm thể hiện rõ quan điểm “nhà nước không làm thay DN”, nâng cao trách nhiệm của DN đối với báo cáo ĐTM.

Bên cạnh đó là bãi bỏ quy định về xác nhận kế hoạch BVMT, thay thế bằng quản lý GPMT. Trên cơ sở này, dự thảo luật quy định việc tích hợp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, công trình thủy lợi với các loại giấy phép về môi trường hiện hành vào một GPMT; thay vì như hiện nay, một đối tượng là nước thải, khí thải có thể có tới 6 loại GPMT. Ngoài ra, các dự án không có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi đi vào vận hành được miễn GPMT. Các cơ sở có quy mô nhỏ chỉ phải đăng ký môi trường để hậu kiểm, chứ không cần cơ quan nhà nước xác nhận.

Người gây ô nhiễm phải trả tiền

Đối với nhóm chính sách về quản lý chất thải và công nghệ xử lý chất thải, dự thảo luật đã cụ thể hóa nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Quá trình lấy ý kiến hoàn chỉnh dự thảo luật, quy định này được các chuyên gia ủng hộ vì chỉ có nâng cao chế tài, xử lý thì mới góp phần thay đổi nhận thức, tuân thủ pháp luật của các tổ chức, DN. Theo TS Hoàng Dương Tùng (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường), ngoài quy định này, dự thảo luật quy định nhiều nội dung mới, tiến bộ, nhất là việc giảm bớt các thủ tục hành chính về môi trường.