Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 15/5: Thế giới có trên 300.000 ca tử vong; nhiều nước nới lỏng phong tỏa, lên kế hoạch phục hồi kinh tế

Theo trang thống kê worldometers.info, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 85.307 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 4.739 người tử vong. Bất chấp nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ hai, nhiều nước đang nới lỏng phong tỏa.

Tính tới 6 giờ sáng 15/5 (giờ Việt Nam), toàn thế giới có 4.510.963 ca mắc COVID-19, trong đó 1.697.595 ca hồi phục. Mỹ vẫn là nước có số người mắc COVID-19 trong 24 giờ qua nhiều nhất với 23.033 ca. Tiếp đó là Nga (9.974 ca) và Brazil (8.681 ca).

Về số ca tử vong, nước ghi nhận nhiều ca nhất trong 24 giờ qua cũng là Mỹ với 1.573 ca. Tiếp đó là Brazil với 460 ca và Anh với 428 ca.

Như vậy, hiện chỉ còn ba nước là Mỹ, Nga và Brazil có số ca mắc hàng ngày cao. Các nước còn lại tiếp tục nới lỏng phong tỏa, tính kế hoạch khôi phục kinh tế.

Ông Michael Ryan. Ảnh: Getty Images

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo virus SARS-CoV-2 sẽ không bao giờ biến mất và người dân trên thế giới sẽ phải học cách sống chung với virus này. Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến ở Geneva (Thụy Sĩ), Giám đốc Chương trình Tình trạng khẩn cấp của WHO Michael Ryan cho rằng khó có thể dự đoán thời điểm con người tiêu diệt được loại virus mới xuất hiện này. Ông cảnh báo rằng cùng với thời gian, SARS-CoV-2 sẽ trở thành một virus đặc hữu trong cộng đồng và sẽ không bao giờ biến mất.

Tuy nhiên, quan chức WHO bày tỏ tin tưởng các nước có thể biến thảm họa này thành cơ hội cho tương lai, đồng thời kêu gọi các nước hợp tác cùng giải quyết các vấn đề. Ông nhấn mạnh rằng để đi đến thành công, điều này đòi hỏi sự hỗ trợ về mặt chính trị, tài chính, kỹ thuật cũng như nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khuyến cáo các nước vẫn nên duy trì cảnh giác và ở mức cao nhất có thể.

New York: 102 trẻ mắc hội chứng viêm hiếm gặp nghi liên quan COVID-19

Một em nhỏ đeo khẩu trang tại Los Angeles, Mỹ ngày 13/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Thống đốc bang New York (Mỹ) Andrew Cuomo cho biết bang này đang điều tra về 102 trẻ trong bang được chẩn đoán mắc hội chứng viêm hiếm gặp, nghi có liên quan đến COVID-19. Phát biểu tại cuộc họp báo, Thống đốc Cuomo cho biết 3 trẻ ở bang này đã tử vong do hội chứng trên. Các em có nhiều triệu chứng như sốt dai dẳng, đau bụng nghiêm trọng, mắt đỏ và nổi mẩn trên da. Trước khi mắc hội chứng này, cả 3 em đều xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 hoặc có kháng thể với virus này. Đây là những dấu hiệu cho thấy hội chứng này có thể có liên quan tới COVID-19.

Bộ Y tế bang đang phối hợp với Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh của Mỹ để đề ra các tiêu chí cấp quốc gia giúp các chuyên gia y tế ở 49 bang khác của nước Mỹ xác định và đối phó với bệnh này.

Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio cho biết trong số 102 ca chẩn đoán mắc hội chứng viêm hiếm gặp có 82 ca là ở thành phố New York. Ông cho biết thêm thành phố New York đã phát động chiến dịch quảng cáo kỹ thuật số tại các bến xe buýt, trên đài phát thanh và truyền hình để phổ biến cho các bậc phụ huynh hiểu biết về căn bệnh này.

Một tuyến phố vắng người qua lại do dịch COVID-19 tại Washington, DC, Mỹ ngày 23/4. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, tại thủ đô Washington, Thị trưởng Muriel Bowser thông báo kéo dài lệnh phong tỏa thủ đô đến hết ngày 8/6 khi số ca nhiễm COVID-19 tại đây vẫn tiếp tục gia tăng. Trước đó, lệnh giãn cách xã hội dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 15/5. Thị trưởng Muriel Bowser nhấn mạnh rằng nếu đạt được những tiêu chí nhất định, trong đó có việc số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 giảm liên tiếp trong vòng 14 ngày, thành phố sẽ cân nhắc mở cửa từng phần hoạt động kinh tế. Hiện số ca nhiễm mới chỉ giảm trong 4 ngày. Theo bà Bowser, mặc dù những tác động tiêu cực do dịch bệnh gây ra tiếp tục ảnh hưởng đến kinh tế, nhưng hiện số ca nhiễm mới và tử vong tại thủ đô vẫn chưa giảm.

Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh Nhà Trắng thúc đẩy các bang mở cửa trở lại các hoạt động kinh doanh bất chấp những khuyến nghị thận trọng từ các chuyên gia y tế. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất đồng sâu sắc với cố vấn y tế cấp cao Anthony Fauci về lộ trình nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch COVID-19 cũng như kế hoạch tiếp tục đóng cửa các trường học. Tổng thống Trump cho rằng việc ông Fauci kêu gọi chính quyền thận trọng trong việc mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế – xã hội là không thể chấp nhận được. Ông khẳng định: “Chúng ta sẽ mở cửa đất nước, người dân muốn như vậy và các trường học sẽ mở cửa”. Tổng thống Trump nhấn mạnh kế hoạch này sẽ được thực hiện một cách an toàn và nhanh nhất có thể. Hiện vấn đề có cho phép học sinh, sinh viên trở lại trường học vào tháng 9 tới vẫn là điểm gây tranh cãi lớn nhất giữa Nhà Trắng và giới chức y tế.

Nhiều nước nới lỏng phong tỏa

New Zealand

Người dân di chuyển trên đường phố tại Wellington, New Zealand ngày 4/5. Ảnh: THX/TTXVN

Nước này ngày 13/5 đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp quốc gia khi chính phủ viện dẫn số người mắc COVID-19 có chiều hướng giảm. Động thái trên diễn ra trước khi New Zealand tiến hành những hạn chế ở Báo động Cấp độ 2, nới lỏng so với đợt phong tỏa đất nước kéo dài một tháng ở Báo động Cấp độ 4, bắt đầu từ cuối tháng 3 vừa qua.

Theo những quy định hạn chế được nới lỏng, các địa điểm bao gồm nhà hàng, rạp chiếu phim, khu vực vui chơi, phòng tập có thể mở cửa trở lại từ ngày 14/5, các trường học nối lại hoạt động vào ngày 18/5 và quán bar từ ngày 21/5. Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Peeni Henare nói: “Động thái này không phải là dấu hiệu cho thấy người New Zealand sẽ ngừng cảnh giác trong việc tự bảo vệ bản thân và người khác khỏi virus này”.

Bỉ

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Brussels, Bỉ ngày 11/5. Ảnh: THX/TTXVN

Thủ tướng Sophie Wilmes khẳng định nước này sẽ tiến hành giai đoạn thứ hai trong dỡ bỏ các hạn chế chống đại dịch COVID-19 vào ngày 18/5 trong bối cảnh tình hình dịch bệnh được cải thiện. Bắt đầu từ ngày 18/5, các cơ sở giáo dục, ngoại trừ các trường tiểu học, sẽ mở cửa trở lại. Các bảo tàng, và địa điểm văn hóa và lịch sử cũng sẽ nối lại hoạt động, với việc bán vé được thực hiện qua mạng và tránh tập trung số lượng người đông cùng lúc trong các tòa nhà. Ngoài ra, các cửa hàng làm tóc và cửa hiệu thẩm mỹ sẽ được phép mở lại với điều kiện nhân viên và khách hàng bắt buộc phải mang khẩu trang.

Thủ tướng Wilmes cũng nói rằng chính quyền địa phương sẽ có thể điều phối việc mở lại các chợ ngoài trời từ ngày 18/5. Tuy nhiên, số lượng tối đa gian hàng được phép là 50. Các sự kiện văn hóa đại chúng vẫn bị cấm cho đến ít nhất là ngày 30/6. Các nhà hàng, quán cà phê, quán bar và câu lạc bộ đêm sẽ có thể dần dần hoạt động trở lại vào ngày 8/6.

Từ 4/5, Bỉ bắt đầu nới lỏng một số biện pháp cách ly được thi hành từ tháng 3 khi cho mở lại một số công ty và cửa hàng với điều kiện nhân viên không tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Ngoài ra, từ 11/5, tất cả các cửa hàng, bao gồm cả người bán hàng rong, đã được phép trở lại hoạt động. Các gia đình được phép tiếp tối đa 4 khách tại nhà và được khuyên nên ăn uống ngoài sân hoặc vườn.

Nhật Bản

Tập huấn xét nghiệm PCR nhằm phát hiện người nhiễm COVID-19 tại Toyoake, quận Aichi, Nhật Bản ngày 12/5. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Trong khi đó, ngày 14/5, Thủ tướng Shinzo Abe thông báo Nhật Bản sẽ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp đối với 39 trên tổng số 47 tỉnh thành trước khi hết hạn vào cuối tháng này trong bối cảnh dịch COVID-19 tại các khu vực trên đã được kiểm soát. Tuy nhiên, tình trạng khẩn cấp vẫn có hiệu lực tại thủ đô Tokyo và 7 tỉnh, thành khác nằm trong danh sách cảnh báo đặc biệt. Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết tổng số các ca nhiễm đã giảm tại 39 tỉnh nói trên và các địa phương này có đủ khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế.

Thủ tướng Abe đang đối mặt với sức ép phải cân bằng giữa việc ngăn chặn đà COVID-19 bùng phát trở lại với việc cho phép các hoạt động kinh tế được khôi phục theo từng giai đoạn. Căn cứ vào khuyến nghị của các chuyên gia y tế, chính phủ tiếp tục kêu gọi người dân áp dụng lối sống mới gồm hạn chế di chuyển giữa các vùng trở lại bình thường với vùng vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp, hạn chế đến các không gian kín và đông người, hạn chế các tiếp xúc gần.

Nhật Bản đã tránh được tình trạng bùng nổ gia tăng các ca nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, đây vẫn là quốc gia có nhiều bệnh nhân COVID-19. Tính đến sáng 15/5, tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở Nhật Bản là 16.049 người.

Mexico

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Mexico City. Ảnh: THX/TTXVN

Chính phủ Mexico thông báo sẽ bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế trên cả nước từ ngày 18/5 để dần khôi phục hoạt động kinh tế đình đốn suốt 2 tháng qua.

Theo kế hoạch “Bình thường mới” được Bộ Kinh tế Mexico công bố, việc dỡ bỏ các hạn chế chia thành 3 giai đoạn, theo đó các địa phương không có ca nhiễm mới hoặc số ca nhiễm mới thấp sẽ triển khai việc nới lỏng giai đoạn 1. Tiếp đó, giai đoạn 2 triển khai từ ngày 18/5-31/5, sẽ cho phép nhiều ngành khôi phục hoạt động như ngành xây dựng, khai thác mỏ và sản xuất ô tô. Giai đoạn 3, diễn ra từ ngày 1/6, sẽ được triển khai thực hiện với mức độ đánh giá biểu thị qua màu sắc của hệ thông đèn tín hiệu Đỏ, Cam, Vàng, Xanh. Các trường học chỉ được phép mở cửa đón học sinh tới trường khi hệ thống chuyển sang màu Xanh.

Bộ trưởng Kinh tế Mexico khẳng định việc triển khai kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp hạn chế cần đảm bảo thực hiện song song với các hướng dẫn y tế nhằm tránh dịch bệnh bùng phát trở lại.

Các nước nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế, khôi phục du lịch

Các phương tiện di chuyển trên đường phố tại Wellington, New Zealand ngày 4/5. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 14/5, Chính phủ New Zealand đã công bố gói ngân sách kỷ lục 50 tỷ đôla NZ (30 tỷ USD) để hỗ trợ khôi phục kinh tế nước này bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Bộ trưởng Tài chính New Zealand Grant Robertson cho biết gói ngân sách hỗ trợ trên, dự kiến giải ngân trong 4 năm, bao gồm chi trả cho các lĩnh vực nhà ở, chăm sóc y tế và cơ sở hạ tầng, cộng với khoản trợ cấp lương cho hơn 50% người lao động đang được hưởng trợ cấp. Trong năm nay, New Zealand đã giải ngân 30 tỷ đôla NZ trong gói ngân sách hỗ trợ trên. Ông Robertson cảnh báo khoản tiền này vẫn không đủ để giải quyết những thách thức mà nước này đang phải đối mặt, đó là hàng nghìn người mất việc làm và hoạt động kinh doanh đình trệ do các biện pháp phong tỏa. Dự báo, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này sẽ tăng từ 4% đến gần 10% vào tháng 6 tới.

Ngày 13/5, Chính phủ Italy đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 55 tỷ euro nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh. Gói biện pháp này được đề xuất từ cuối tháng trước nhưng đã bị trì hoãn do bất đồng liên quan đến vấn đề người lao động nhập cư trái phép.

Các phương tiện lưu thông trên một tuyến phố ở Milan, Italy ngày 4/5. Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp nội các, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết gói kích thích kinh tế mới sẽ bao gồm các biện pháp trợ cấp và giảm trừ thuế nhằm giúp các doanh nghiệp đối phó với những tác động của dịch COVID-19. Chính phủ Italy còn dành 25,6 tỷ euro để hỗ trợ người lao động, kể cả lao động tự do.

Trong khi đó, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 14/5 công bố quốc gia Nam Âu này đã ghi nhận 992 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 lên 223.096 người, trong đó có 31.368 ca tử vong – tăng 262 ca so với hôm 13/5 và là mức cao nhất kể từ ngày 7/5.

Quốc hội liên bang Đức ngày 14/5 đã thông qua các biện pháp hỗ trợ tiếp theo nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, bao gồm gia tăng lợi ích cho người lao động theo mô hình giảm giờ làm và người thất nghiệp, thưởng tiền cho nhân viên điều dưỡng và mở rộng hoạt động xét nghiệm phát hiện virus SARS-Cov-2. Dự kiến, gói hỗ trợ trị giá hàng tỷ euro này sẽ được Hội đồng liên bang phê chuẩn vào ngày 15/5.

Trong khi đó, nhiều nước đang tìm cách khôi phục du lịch. Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan đang đặt lại chỉ tiêu về du lịch nội địa để bù đắp cho thị trường khách quốc tế chưa hồi phục, phấn đấu đạt 100 triệu chuyến du lịch nội địa trong năm nay. Tổng Cục Du lịch Thái Lan (TAT) đã điều chỉnh giảm chỉ tiêu đặt ra cho năm 2020 từ 172 triệu chuyến du lịch nội địa xuống còn 80 triệu chuyến, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tổng Cục trưởng TAT Yuthasak Supasorn cho biết có thể đạt được mục tiêu mới do hoạt động di chuyển nội địa sẽ được nối lại trước tiên. Hiện có những dấu hiệu từ các công ty lữ hành cho thấy khách hàng Thái Lan đang bắt đầu đặt phòng cho các ngày nghỉ lễ trong nước.

Hành khách tại sân bay quốc tế Juanda ở Đông Java, Indonesia ngày 3/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Indonesia đang chuẩn bị triển khai gói kích thích trị giá 25.000 tỷ rupiah dưới dạng giảm giá vé máy bay và phòng khách sạn nhằm tăng tốc phục hồi ngành du lịch sau đại dịch COVID-19. Ngày 13/5, người đứng đầu Cơ quan Chính sách tài chính thuộc Bộ Tài chính Indonesia, ông Febrio Kacaribu cho biết du lịch là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng y tế hiện nay với không dưới 1,4 triệu lao động phải nghỉ việc hoặc bị sa thải.

Chính phủ Pháp đã công bố kế hoạch đầu tư 1,3 tỷ euro dành cho ngành du lịch nước này đang chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID-19. Thủ tướng Pháp Edouard Philippe nhấn mạnh: “Thật là một tin tốt lành đối với ngành du lịch và đây cũng là tin tốt lành với toàn nước Pháp”.

Diễn biến COVID-19 tại một số quốc gia khác

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Moskva, Nga, ngày 2/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của Nga thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 9.974 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Như vậy, tính tới nay, số người mắc COVID-19 tại Nga là 252.245 người, trong đó có 2.305 trường hợp tử vong. Đáng chú ý, 40,6% số ca mắc mới không có biểu hiện lâm sàng.

Ngày 14/5, số trường hợp tử vong do COVID-19 tại Tây Ban Nha đã tăng lên mức cao nhất trong một tuần qua với 217 người, trong khi con số ghi nhận một ngày trước đó là 184 người. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 8/5, số các trường hợp tử vong do COVID-19 tại Tây Ban Nha lại vượt mức 200 ca. Hiện tổng số ca tử vong do COVID-19 trên khắp Tây Ban Nha tăng lên 27.321 người.

Với 752 ca mắc trong ngày 14/5, Singapore hiện có tổng cộng 26.098 ca mắc COVID-19. Trong số các ca mắc mới, chỉ có 2 người Singapore và người có thẻ thường trú, còn lại là người lao động nước ngoài sống trong các khu nhà ở chật chội. Tới nay, Singapore có hơn 7% trong 323.000 người lao động nhập cư mắc COVID-19.

Ngày 14/5, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết trong ngày 13/5 có thêm 3 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong đó không có ca nào tại tỉnh Hồ Bắc, miền Trung nước này và là tâm dịch COVID-19. Theo báo cáo trên, toàn bộ số ca nhiễm mới đều do lây nhiễm trong nước, gồm 2 ca tại tỉnh Liêu Ninh và 1 ca tại tỉnh Cát Lâm. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc là 82.929 ca và số ca tử vong là 4.633 ca.

Nhân viên y tế làm việc tại một điểm xét nghiệm COVID-19 dã chiến ở Seoul, Hàn Quốc ngày 13/5. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Ngày 14/5, Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) thông báo tổng số ca nhiễm tăng 29 ca lên 10.991 ca. Số ca tử vong tăng 1 ca lên 260 ca. Hàn Quốc đã nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội và chuyển sang tiến hành “kiểm tra y tế trong cuộc sống hàng ngày” bắt đầu từ ngày 6/5 vừa qua, song ngay sau đó cơ quan y tế nước này đã phát hiện một ổ dịch có nguy cơ lây nhiễm rất cao ở khu phố đa văn hóa nổi tiếng Itaewon của thủ đô Seoul. Thị trưởng Seoul cho biết trên 24.000 người liên quan đến ổ dịch này đã được xét nghiệm và hiện có 120 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2.

Trong khi đó, số ca nhiễm COVID-19 tại Trung Đông vẫn chưa chững lại. Bộ Y tế Ai Cập thông báo phát hiện thêm 398 trường hợp nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm bệnh ở quốc gia này lên 10.829 người. Bên cạnh đó, số bệnh nhân thiệt mạng hiện là 571 sau khi ghi nhận 15 trường hợp tử vong trong ngày.

Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận thêm 1.635 ca mắc COVID-19 và 55 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm bệnh ở nước này lên 144.794 trường hợp và 4.007 người thiệt mạng. Phát biểu trong cuộc họp báo cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Fahrettin Koca cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng triển khai xét nghiệm các du khách nước ngoài trong bối cảnh quốc gia này đang lên kế hoạch nối lại các chuyến bay quốc tế vào cuối tháng 5.

Tại Iraq, Bộ Y tế nước này thông báo có thêm 111 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, đánh dấu mức tăng kỷ lục kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở Iraq và nâng tổng số ca mắc bệnh lên 3.143 người. Cho đến nay, 115 bệnh nhân đã tử vong do COVID-19 tại Iraq. Giới chức Iraq cho rằng, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng lên trong những ngày qua là do người dân nước này không tuân thủ triệt để các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đồng thời cảnh báo “thảm họa y tế” có thể xảy ra tại thủ đô Baghdad và tỉnh Basra.

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Riyadh, Saudi Arabia ngày 7/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Saudi Arabia cho biết số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này đã tăng 2.039 người lên tổng cộng 46.969 trường hợp. Số bệnh nhân tử vong trong vòng 24 giờ qua do COVID-19 cũng tăng 10 trường hợp lên 283 người.

Qatar cũng xác nhận thêm 1.733 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở đất nước vùng Vịnh này lên 28.272 người. Hầu hết các ca nhiễm bệnh mới tại Qatar đều là lao động nước ngoài, có tiếp xúc với các trường hợp dương tính trước đó. Hiện số bệnh nhân thiệt mạng do căn bệnh nguy hiểm này tại Qatar là 14 trường hợp.