Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia bền vững về diện tích và chất lượng

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định số 536/QĐ-TTg về việc phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Lực lượng Kiểm lâm Bình Định phối hợp với Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn tổ chức thu dọn, xử lý thực bì tại rừng trồng gỗ lớn thuộc tiểu khu 351, xã Cam Vinh, huyện Vân Canh. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Quyết định nêu rõ, phạm vi quy hoạch là toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, bao gồm một số đảo và quần đảo, các thông tin được tổng hợp từ cấp tỉnh.

Đối tượng quy hoạch bao gồm: Rừng, đất quy hoạch cho lâm nghiệp và các công trình kết cấu hạ tầng lâm nghiệp.

Theo đó, việc lập quy hoạch dựa trên quan điểm, rừng được quản lý bền vững về diện tích và chất lượng, bảo đảm hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, giá trị dịch vụ môi trường rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, hoạt động lâm nghiệp được xã hội hóa; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của chủ rừng, tổ chức, cá nhân hoạt động lâm nghiệp.

Việc lập quy hoạch bảo đảm tổ chức liên kết theo chuỗi từ bảo vệ rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản, để nâng cao giá trị rừng; công khai, minh bạch, sự tham gia của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư liên quan trong hoạt động lâm nghiệp.

Đồng thời, việc lập quy hoạch tuân thủ điều ước quốc tế liên quan đến lâm nghiệp mà Việt Nam là thành viên; trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật hoặc văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy định thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó.

Một trong những nguyên tắc của việc lập quy hoạch nhằm tuân thủ các quy định của Luật Quy hoạch, Luật Lâm nghiệp, các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và các quy hoạch khác có liên quan.

Mục tiêu tổng quát và tầm nhìn của quy hoạch lâm nghiệp phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội cả nước thời kỳ 2021-2030 và định hướng chỉ đạo của Đảng trong các kỳ Đại hội; đồng thời, phải xác định được tầm nhìn đến năm 2050 đối với ngành lâm nghiệp Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể phải xác định được các chỉ số, chỉ tiêu, định hướng cơ bản đến năm 2025 và 2030 về phát triển 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất); độ che phủ của rừng; phát triển lâm sản ngoài gỗ; phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp, nhu cầu sử dụng đất cho phát triển 3 loại rừng và hạ tầng lâm nghiệp; phát triển hệ thống chế biến và thương mại lâm sản trong kỳ quy hoạch.

Nội dung lập quy hoạch thực hiện theo quy định tại Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.

Các phương pháp lập quy hoạch phải đảm bảo tính kế thừa, bao gồm: khảo sát, thu thập thông tin, thống kê, xử lý thông tin; phân tích hệ thống, tổng hợp và tích hợp quy hoạch; phân tích không gian, chồng lớp bản đồ, sử dụng mô hình toán; phân tích hệ thống điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức, phân tích nguyên nhân và kết quả; so sánh, tổng hợp, phân tích tác động đơn, tác động chéo, phân tích chi phí – lợi ích; dự báo, chuyên gia, hội thảo.

Thời hạn lập quy hoạch không quá 24 tháng kể từ ngày nhiệm vụ lập “Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được phê duyệt.

Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 17/4/2020.