Cập nhật dịch COVID-19 tối 31/3: FDA cho phép sử dụng bộ xét nghiệm phát hiện virus corona trong 2 phút

Theo WHO, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở châu Á trong bối cảnh các quốc gia tại khu vực này đang nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Trong khi đó, các quốc gia trên khắp châu Phi đã công bố hàng loạt chương trình cứu trợ dành cho cộng đồng.

WHO: Dịch COVID-19 vẫn “tiếp diễn” ở châu Á

Ngày 31/3, một quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và các quốc gia ở khu vực này đang “chạy đua” với thời gian để thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của virus trên quy mô lớn.

“Ngay cả khi thực hiện những biện pháp trên, nguy cơ lây truyền virus trong khu vực sẽ không biến mất khi đại dịch còn tiếp diễn”, ông Takeshi Kasai, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương cho biết.

Các quốc gia có nguồn lực hạn chế cần được ưu tiên, chẳng hạn như các quốc đảo Thái Bình Dương, vì họ phải gửi mẫu đến các quốc gia khác để chẩn đoán trong khi sự hạn chế vận chuyển đang khiến việc đó trở nên khó khăn hơn.

Hành khách ngồi trên ghế cách xa nhau tại một nhà ga để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 tại Jakarta, Indonesia vào ngày 30/3/2020. Ảnh: Reuters

Kasai cảnh báo rằng đối với các quốc gia đang có số ca nhiễm giảm dần, họ không nên mất cảnh giác bởi virus có thể quay trở lại.

Cố vấn kỹ thuật của WHO, Matthew Griffith cho biết WHO dự đoán tất cả các nước có thể gặp rủi ro vì virus corona cuối cùng sẽ xuất hiện ở mọi nơi.

“Tại các quốc gia và khu vực trong khu vực châu Á-Thái Bình, dịch bệnh tiếp tục xuất hiện ở những địa điểm mới và số ca nhiễm nhập khẩu vẫn còn là một mối lo ngại”, ông Keith Griffith cho biết tại một cuộc họp ngắn khi trích dẫn các ca nhiễm tại Singapore và Hàn Quốc từ những người đi du lịch nước ngoài.

Ông Griffith cho rằng tâm điểm của dịch bệnh hiện đang tập trung vào châu Âu, nhưng tâm dịch này có thể sẽ chuyển sang các khu vực khác.

Thành phố lớn nhất châu Phi, Lagos phong tỏa để chống COVID-19

Lagos, thành phố lớn nhất Nigeria và là một trong những thành phố đông dân nhất châu Phi với số dân 21 triệu người (theo thống kê năm 2012) đã phong tỏa vào ngày 31/3 khi thủ đô Abuja của Nigeria bắt đầu phong tỏa hai tuần để ngăn chặn sự lây lan của virus corona.

Đường phố tại thành phố hầu như vắng vẻ, chủ yếu là xe cứu thương và xe cảnh sát. Lực lượng an ninh bố trí người kiểm soát thường xuyên các xe ô tô.

Theo thống kê của Reuters, Châu Phi đã xác ít nhất 5.300 ca nhiễm COVID-19 vào sáng 31/3, với hơn 170 trường hợp tử vong được ghi nhận.

Những người không đủ khả năng dự trữ trong 14 ngày phong tỏa sẽ phụ thuộc vào các gói cứu trợ của chính phủ.

Ngày 31/3, chính quyền bang Lagos cho biết sẽ phân phối thực phẩm cho những người cần trong thời gian 14 ngày, trong đó chủ yếu dành cho 200.000 hộ gia đình, tương đương 1,2 triệu người.

Trước đó, ngày 30/3, thủ đô liên bang Abuja cho biết thủ đô đã bắt đầu chuyển tiền mặt cho các hộ gia đình nghèo nhất Nigeria để giúp họ duy trì cuộc sống vượt qua giai đoạn khủng hoảng.

Trên khắp châu Phi, các quốc gia khác đã giới thiệu các chương trình cứu trợ của riêng họ cho người dân, bao gồm Nam Phi, Zimbabwe và Botswana.

Ngày 31/3, Tổng thống Botswana, ông Mokgweetsi Masisi tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau khi nước này xác nhận 3 ca nhiễm. Quốc gia nằm ở miền Nam châu Phi này sẽ tiến hành lệnh phong tỏa trong 28 ngày, bắt đầu từ 0h ngày 2/4.

“Nam Phi, nơi bắt đầu lệnh phong tỏa từ ngày 27/3, sẽ là quốc gia đầu tiên của châu Phi tiến hành sàng lọc quy mô lớn”, Tổng thống Cyril Ramaphosa cho biết khi tuyên bố động thái này vào tối 30/3.

Mọi người mua rau tại chợ thực phẩm sau khi Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari tuyên bố lệnh phong tỏa bắt đầu từ tối 31/3 để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, tại Lagos, Nigeria vào ngày 30/3/2020. Ảnh: Reuters

Theo ông Ramaphosa, khoảng 10.000 công nhân hiện trường sẽ đến thăm các ngôi nhà ở các làng, thị trấn và thành phố để sàng lọc các cư dân có triệu chứng nhiễm COVID-19.

Đức cân nhắc áp dụng công nghệ theo dõi sức khỏe người dân

Việc áp dụng các ứng dụng theo dõi sức khỏe người dân để phát hiện sớm các ca mắc COVID-19 sẽ được thực hiện trên tinh thần tự nguyện của người dân.

Viện Robert Koch của Đức cho biết ngày 31/3, nước này xác nhận 61.913 ca nhiễm COVID-19 với 583 ca tử vong, tăng hơn 4.600 ca nhiễm và gần 130 người chết của một ngày trước.

Mới đây, Đức công bố sẽ ra mắt một ứng dụng trên điện thoại di động nhằm theo dõi tình trạng sức khỏe của người dân và sớm phát hiện các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, công bố này khiến nhiều người dân lo ngại bởi theo họ, ứng dụng công nghệ có thể ảnh hưởng tới quyền riêng tư của họ.

Trước những băn khoăn này của người dân, Bộ Trưởng Tư pháp Đức Christine Lambrecht khẳng định, ứng dụng này không hề xâm phạm tới quyền riêng tư của họ và sẽ được áp dụng sau khi nhận được sự đồng thuận trong Chính phủ.

Mexico tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì COVID-19

Sáng 31/3, Chính phủ Mexico đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc và có hiệu lực đến hết ngày 30/4.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Mexico Hugo Lopez-Gatell đánh giá: “Nếu số ca nhiễm mới tiếp tục gia tăng và thêm nhiều ca tử vong mới, chúng ta sẽ không thể kiểm soát tình hình dịch bệnh COVID-19. Để điều đó không xảy ra, chúng ta phải giảm số lượng ca bệnh trước khi bước vào giai đoạn gia tăng. Lúc này chính là thời điểm”.

Quy định kiểm soát mới của Mexico cấm các cuộc tụ họp trên 50 người, các trường học sẽ đóng của và cho học sinh học trực tuyến, đồng thời khuyến khích các nhân viên làm việc tại nhà.

Ngoài ra, các chuyên gia y tế Mexico đã cảnh báo dân số trẻ của nước này có thể dễ bị nhiễm virus hơn so với các quốc gia khác vì Mexico có tỷ lệ người béo phì và tiểu đường cao nhất thế giới.

Để làm tránh nguy cơ tê liệt nền kinh tế và tránh gây tổn hại đến người nghèo nên Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador cho đến nay vẫn chưa có kế hoạch đóng cửa sân bay cũng như áp dụng các biện pháp mạnh tay khác.

Mexico xác nhận 1.094 ca nhiễm COVID-19 và 28 người tử vong, tăng 993 ca nhiễm và 8 người chết so với một ngày trước.

FDA cho phép sử dụng bộ xét nghiệm phát hiện virus corona trong 2 phút

Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép sử dụng khẩn cấp bộ xét nghiệm của Bodysphere Inc, có thể phát hiện virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19 trong vòng gần hai phút.

FDA đã gấp rút phê duyệt các xét nghiệm trên cơ sở khẩn cấp và tuần trước đã thông qua bộ xét nghiệm Abbott Lab Laboratory (ABT.N) có thể mang lại kết quả trong vòng vài phút.

Bodysphere cho biết đơn vị này đang làm việc với chính phủ liên bang và tiểu bang để chuyển bộ xét nghiệm đến các tuyến đầu chống COVID-19.

Xét nghiệm này được thực hiện giống như xét nghiệm glucose nhưng được sử dụng nghiêm ngặt bởi các chuyên gia y tế.

Cập nhật lúc 20h30 ngày 31/3/2020:
Thế giới: 803.011 người mắc, 39.025 người tử vong, trong đó:
– Mỹ: 164.435 người mắc; 3.175 người tử vong.
-Ý: 101.739 người mắc; 11.591 người tử vong.
– Tây Ban Nha: 94.417 người mắc; 8.189 người tử vong.
– Trung Quốc: 81.518 người mắc; 3.305 người tử vong.
Việt Nam: 207 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó:
16 người mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1).
42 bệnh nhân (BN17, BN18, BN22, BN23, BN24, BN27, BN32, BN33, BN35, BN39, BN46, BN47, BN 49, BN51, BN53, BN 54, BN55, BN56, BN58, BN59, BN60, BN62, BN64, BN66, BN69, BN70, BN71, BN75, BN77, BN79, BN85, BN88, BN89, BN90, BN93, BN110, BN112, BN113, BN130, BN140, BN187) mắc COVID-19, tính từ ngày 6/3 đến 30/3 được chữa khỏi (giai đoạn 2).