Bệnh dịch và số phận của con người xã hội

Bệnh dịch không chỉ thử thách sức đề kháng của con người sinh học, chúng là chất thử nghiệt ngã đối với con người xã hội, kinh tế và chính trị. Sau hàng triệu năm tiến hóa sinh học và kỹ thuật tổ chức xã hội, có lẽ nỗi ám ảnh này sẽ chưa mất đi trong tương lai gần.

Bức họa Khải hoàn của thần chết (Pieter Bruegel the Elder, c. 1562.)

Mùa thu năm 1820, tham tri Lễ bộ Nguyễn Du đang chuẩn bị cuộc hành trình sang Bắc Kinh. Vị quan chức được nhà vua mới lên ngôi Minh Mệnh cử đi sứ trong một nhiệm vụ đặc biệt: báo tang vua cha Gia Long và xin cầu phong. Không may là một trận dịch tả đã tràn qua Việt Nam vào thời điểm đó, và nhà thi hào cùng với hàng trăm nghìn người Việt khác đã bỏ mạng. Trận dịch này bắt đầu từ năm 1816, quét qua Ấn Độ từ 1820 và bắt đầu vào Việt Nam trong cùng năm, lan từ Hà Tiên lên Bắc thành. Sử nhà Nguyễn thống kê: số hộ khẩu chết tất cả là 206.835 người, không kể số nam phụ lão ấu ở ngoài hộ tịch. Nhà nước bỏ ra 730.000 quan tiền để cứu chẩn, mai táng.

Với quy mô dân số Việt Nam dưới 10 triệu người vào đầu thế kỷ XIX, hơn 4% dân số đã bị thiệt mạng. Nếu một trận dịch với tỉ lệ tương tự vào năm 2020, 4 triệu người Việt Nam sẽ bị đe dọa tính mạng.

Dịch bệnh không chỉ là vấn đề y tế, đó là số phận của con người, của xã hội loài người, của thể chế chính trị, và của các nền văn minh. Sự chết chóc do chúng mang lại không chỉ phản ánh các hệ quả sinh học lên giống loài mà còn hưng vong triều đại, thăng trầm xã hội và thịnh suy đế chế và sự cân bằng chính trị-quân sự toàn cầu. Cung nỏ, vó ngự, thuốc súng có sức mạnh kiến tạo hay hủy diệt xã hội, và vi trùng cũng thế. Vào đầu thế kỷ XVI, những kẻ chinh phục Tây Ban Nha mang theo gươm, súng và ngựa cập bến một châu lục vừa được khám phá: châu Mỹ, với mục tiêu chinh phục đế chế Inca vĩ đại. Thực tế, bệnh đậu mùa mà họ mang theo mới chính là vũ khí chết chóc nhất, khiến cho hơn một nửa dân bản địa mất mạng. Trong số này có nhà vua Huayna Cupac. Cái chết của ông đẩy người Inca vào nội chiến, hỗn loạn, và đưa tới việc Francisco Pizarro với đạo quân 168 người có thể đánh chiếm một vùng lãnh thổ bằng cả Italia và Tây Ban Nha cộng lại.

Sự `mong manh’ của các cấu trúc chính trị-xã hội

Tại sao bệnh dịch lại là vấn đề ám ảnh loài người?

Việc sống tập trung tại các đồng bằng và thành thị là một điểm yếu “sinh học” của loài người. Dân số đủ đông để dịch bệnh tồn tại liên tục và có thể tạo ra nguy cơ bùng nổ dịch bất cứ lúc nào. Lấy đậu mùa làm ví dụ. Dù khảo cổ học tìm thấy dấu vết của chúng từ cách nay 350.000 năm tuy nhiên bằng chứng về sự lan rộng của chúng chỉ thực sự gia tăng từ khoảng 10.000 năm TCN. Không phải ngẫu nhiên mà đó là thời điểm xuất hiện nông nghiệp và con người bắt đầu xác lập các khu định cư ở vùng Trung Đông. Các xã hội có tập hợp khoảng 100.000 đến 200.000 dân là đủ để cho các mầm bệnh duy trì thường xuyên. Nguy cơ đó rõ ràng là lớn gấp nhiều lần ở các thành phố hơn hai mươi triệu dân như Mexico City hay Thượng Hải. Làm nông nghiệp và thuần hóa động vật là một cầu nối khác giữa con người với các virus. Với việc thuần hóa động vật, chúng ta không chỉ mời bò, gà, lợn, cừu… vào nhà mà còn cả một thế giới các đạo quân sinh học khác, từ chuột tới các loài vi khuẩn gắn liền với các động vật này. Điều nghiêm trọng hơn là các động vật này là cầu nối nhiều loài vi rút có mặt ở nhiều giống loài tự nhiên đối với con người. Lấy chủng virus Corona làm ví dụ. Báo cáo gần đây của WHO cho thấy có nhiều bằng chứng virus corona chủng mới có mối liên hệ với các loại virus corona tương tự được biết tới ở dơi, cụ thể là ở phân loài dơi Rhinolophus có địa bàn phân bố ở miền Nam Trung Quốc, và châu Á, châu Phi. Riêng tại các hang dơi ở Trung Quốc đã tìm thấy 500 loại virus corona khác nhau. Nghiên cứu huyết thanh học được tiến hành với người dân nông thôn sống gần các hang động có dơi sinh sống cho thấy tỉ lệ huyết thanh dương tính với virus corona ở phân loài dơi này là 2,9%. Điều này cho thấy sự tiếp xúc giữa con người với dơi có thể phổ biến mặc dù mắt xích trung gian của sự lan truyền virus này vẫn chưa được nhận dạng.

“Cái chết đen”, ám chỉ tới trận dịch hạch lan tràn trên lục địa Á-Âu giữa thế kỷ XIV, là một trong các ví dụ tiêu biểu về cách thức một bệnh dịch trong vòng bốn năm đã thay đổi diện mạo của thế giới và nền văn minh nhân loại.

Các bức tường thành, làng xóm, các thành phố và đô thị là không gian lí tưởng cho bệnh dịch. Dân cư đông đúc và tình trạng kém vệ sinh là môi trường để các loài động vật cư trú bên cạnh con người, trong khi thương mại, chiến tranh, du hành, hành hương, truyền giáo, và các quá trình khác của toàn cầu hóa thúc đẩy sự lan truyền của bệnh dịch với quy mô chưa từng có.

“Cái chết đen” là một trong các ví dụ tiêu biểu về cách thức một bệnh dịch trong vòng bốn năm đã thay đổi diện mạo của thế giới và nền văn minh nhân loại.

Cái chết đen ám chỉ tới trận dịch hạch lan tràn trên lục địa Á-Âu giữa thế kỷ XIV. Nổi tiếng trên khắp châu Âu với tên gọi Cái chết đen, dịch bệnh này được cho là gây ra bởi vi khuẩn Yersinia pestis và lây lan thông qua loài bọ chét sống trên chuột đen. Quy mô của bệnh dịch này cũng tiến hóa theo bước đi của lịch sử nhân loại, gắn liền với ba trận dịch lớn có quy mô toàn cầu:

1. Trận dịch thời Justinian (541).

2. Cái chết đen (1348).

3. Trận dịch thứ ba (1855).

Chúng là những ví dụ cho thấy sự ‘mong manh’ của các cấu trúc chính trị-xã hội của con người, đồng thời phản ánh hệ quả của quá trình toàn cầu hóa, chiến tranh, thương mại và mở rộng đế chế đã tạo ra các mạng lưới mà theo đó không chỉ có tơ lụa mà chuột và vi khuẩn cũng được du hành toàn cầu.

Gắn liền với chúng là vận mệnh của hàng trăm triệu người, hưng vong của nhiều triều đại, xã hội và đế chế. Đó là vào năm 1344, Janibeg-Hãn của Kim Trướng Hãn Quốc (một nước Hồi giáo do người Mông Cổ thiết lập ở Trung Á) tiến hành cuộc tấn công vào bán đảo Crimea và bao vây thành phố Caffa (ngày nay là Feodosia). Thành phố này là một trung tâm thương mại chiến lược trên biển Đen và đang nằm dưới sự kiểm soát của các thương nhân Genoa. Khi chiến thắng đang ở tầm tay, đạo quân Mông Cổ bất ngờ bị dịch hạch vào tháng 10/1346. Quân lính bị chết chỉ sau 7-10 ngày nhiễm bệnh.

Trong sự tuyệt vọng, Janibeg cho lính thu thập xác người bị dịch hạch và ném vào trong thành. Đây là câu chuyện đầu tiên về việc con người sử dụng “vũ khí sinh học” trong chiến tranh. Vào tháng 10/1347, Janibeg chiếm được thành phố và những thương nhân Genoa chạy về Italia. Bệnh dịch nhanh chóng theo chân họ về đảo Sicily và sau đó là Genoa. Tới mùa hè năm 1348, Marseilles và Paris trở thành các nạn nhân tiếp theo. Năm sau đó, chúng xuất hiện ở vùng thung lũng sông Rhine và tràn vào vùng đất ngày nay là lãnh thổ nước Đức. Ở phía Tây, dịch bệnh cũng vượt qua eo biển tới London, trong khi một năm sau đó, chúng chinh phục Denmark và bán đảo Scandinavia (nơi 60% dân Norway được cho là bỏ mạng).

Vào lúc đỉnh điểm của các trận dịch này, có 800 người chết ở Paris một ngày. Con số này ở Pisa là 500 và 600 ở Vienna. Một nửa dân số của thành phố Siena đã chết trong vòng một năm. Tương tự Floren mất 50.000 dân trên tổng số 100.000 người. Người chép sử của thành phố Siena là Agnolo di Tura đã than khóc:

Không từ nào có thể tả hết tính chất khủng khiếp của những sự kiện này… Tôi đã chính tay mình chôn cất năm đứa con trai của mình”.

Sử gia người anh Alistair Horne ước tính trong vòng bốn năm từ khi Janibeg ném các xác chết vào thành Caffa, một phần ba dân số thế giới từ Iceland tới Ấn Độ đã bị thiệt mạng. Những thống kê khác chỉ ra con số khoảng 50% dân số thế giới đã bị chết, và con số này có thể vào khoảng 75-100 triệu người.

Trận dịch hạch lớn cuối cùng là vào năm 1855, bắt đầu ở Trung Quốc, và đã giết chết 10 triệu người chỉ riêng ở Ấn Độ. Chỉ đến năm 1895 bác sĩ Alexandre Yersin mới tìm ra nguyên nhân của dịch này khi nghiên cứu sự bùng phát ở Hong Kong.

Vũ điệu tử thần (trong Biên niên sử Nuremberg).

Câu chuyện về các trận dịch, vì thế, là câu chuyện về số phận, trình độ kỹ thuật, và khả năng tổ chức của các xã hội người. Nó giúp chúng ta hiểu thêm về tình hình sức khỏe, vệ sinh, sức đề kháng của xã hội, mô hình thể chế hay khả năng thích ứng của các hệ thống chính trị. Hãy lấy cuộc viễn chinh của Napoleon vào nước Nga làm ví dụ. Năm 2001, các công nhân xây dựng tìm thấy một hố chôn tập thể khoảng 2.000-3.000 người tại Vilnus, Lithuania. Từ các bộ đồng phục và huy hiệu, đồng phục… người ta tin rằng đạo quân này chính là những người lính Pháp được chôn cất vội vã trên đường tháo chạy khỏi nước Nga vào năm 1812. Điều đáng chú ý là các nhà khoa học tìm ra nguyên nhân cái chết của 1/3 những người lính này là do sốt phát ban. Đây là một chỉ dấu quan trọng góp thêm những cánh cổng vào quá khứ. Trước giờ, các sử gia vẫn chủ yếu hướng tới thời tiết mùa đông nước Nga, ý chí của người Nga, sự thiếu chuẩn bị của người Pháp… Nhưng rõ ràng là vị hoàng đế vĩ đại Napoleon không chỉ bị đánh gục bởi các bộ óc thiên tài của người Nga mà còn bởi chấy rận (các vật chủ truyền bệnh).

Xét rộng ra, “Cái chết đen” đã tham gia vào việc thay đổi nhiều trang sử của nhân loại.

Dịch bệnh này đã làm thay đổi con người sinh học. Nghiên cứu của Sharon DeWitte (University of South Carolina) khảo sát phụ nữ London trong hai giai đoạn: năm 1000–1200 và 1350–1540 và gợi ý rằng “Cái chết đen” gây ra tác động làm giảm chiều cao của phụ nữ.

Thay đổi thể chất và tinh thần xã hội

Dịch hạch không chỉ thay đổi thể chất mà còn tinh thần của xã hội. Trong cơn hoảng loạn tuyệt vọng trước cái chết, những người Thiên Chúa giáo cuồng tín đã tập hợp lại thành các Flagellants. Từ này trong gốc Latin có nghĩa là roi da, ám chỉ việc họ tự nguyện hành hạ cơ thể mình để cứu chuộc tội lỗi hòng xin Chúa trời giúp thoát khỏi dịch bệnh. Tập hợp thành hàng vạn người, họ kéo qua các lãnh địa và làng mạc châu Âu, đặc biệt là trên lãnh thổ các vùng đất ngày nay là Đức, Pháp, Ý. Thực tế việc tập trung đông người và di chuyển liên tục đã làm tăng nguy cơ lây bệnh của những người này, trong khi các vết thương hở trên cơ thể tạo ra cơ hội cho bệnh tật xâm nhập.

Một hệ quả nghiêm trọng hơn là việc họ reo rắc thù nghịch tôn giáo và tộc người đằng sau các cuộc hành trình này. Người Do Thái được cho là nguyên nhân của dịch bệnh. Dù cũng bị ảnh hưởng của dịch, nhưng việc giữ vệ sinh và lối sống tương đối phân tán của người Do Thái làm cho họ ít bị ảnh hưởng. Người Thiên Chúa giáo cáo buộc người Do Thái đã đầu độc các nguồn nước để hủy diệt các xã hội châu Âu và việc lan truyền các tin đồn này tạo ra nhiều cuộc phá hủy và tàn sát đối với cộng đồng Do Thái. Nhiều nhóm trong số này tại các thành phố như Strasbourg, Mainz, Cologne, Munich… đã bị giết hại một cách thảm khốc.

Tâm lí bài người Do Thái có lẽ đã dần được hình thành từ những tin đồn, nỗi ám ảnh và sự hoảng loạn như thế. Rome không được xây trong một ngày, và lịch sử lâu dài này đã gây ra hậu khủng khiếp với các lí thuyết tộc người, chủng tộc hiện đại của chủ nghĩa phát xít Đức thế kỷ XX.

Tất cả các khía cạnh chính trị, xã hội của châu Âu đều bị tác động bởi trận dịch hạch giữa thế kỷ XIV.

Cấu trúc chính trị xã hội là một ví dụ. Ở London vào năm 1357, 1/3 tài sản của thành phố bỏ hoang vì không có đủ dân số. Lương bổng ở các thành phố bắt đầu gia tăng sau trận dịch. Đất đai bỏ hoang cũng thúc đẩy làn sóng di chuyển của nông dân. Chuyển dịch xã hội vì thế gia tăng theo không gian địa lý và cấu trúc xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà sự năng động xã hội này sẽ thúc đẩy cho một bước tiến mới của lịch sử châu Âu ở giai đoạn sau.

Từ việc người Do Thái bị săn lùng giữa những Cái chết đen cho tới giá khẩu trang tăng gấp 10 lần, câu chuyện của dịch bệnh vượt xa khỏi các bệnh viện. Đó là phép thử nghiệt ngã không chỉ với tính dẻo dai của tổ chức xã hội, tiềm lực của tích lũy xã hội mà còn là khả năng phản ứng của thể chế chính trị và nhà nước nhằm đối phó trong thời gian ngắn với sự sống còn của giống loài.

“Cái chết đen” tham gia góp phần làm thay đổi lịch sử châu Âu, lịch sử các đế chế và lịch sử toàn cầu. Người Mông Cổ và các vương quốc của họ bắt đầu mất đi các sự kết nối cần thiết, phân tán, và bị địa phương hóa mạnh hơn. Đúng hai thập kỷ sau trận dịch, một người nông dân-nạn nhân của các nạn đói và dịch bệnh tên Chu Nguyên Chương đã lãnh đạo người Hán giành lại quyền kiểm soát vùng bình nguyên giữa hai con sông Hoàng Hà-Trường Giang và lập ra một đế chế mới có tên Đại Minh.

Khi sức ép của quân Mông Cổ lên châu Âu giảm đi, đó là thời cơ cho một đế chế khác nổi lên giữa lục địa Á-Âu: Ottoman. Dịch hạch rõ ràng đã đã làm thay đổi ngôi thứ của các đế chế. Việc quân Ottoman kiểm soát các tuyến đường thương mại và việc các thành thị dọc Địa Trung Hải của Italia bị tàn phá bởi dịch bệnh đã gây ra một chuyển dịch lớn về địa chính trị ở châu Âu nhằm chuẩn bị cho thời kỳ tư bản hiện đại. Đó là việc các trung tâm kinh tế sầm uất của Venice, Genoa… sẽ dần dần được thay thế bởi người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, và sau đó là Anh, Pháp…

Những cường quốc này sẽ thúc đẩy thương mại đường biển thay vì con đường tơ lụa trên bộ truyền thống. Điều đó mở ra các cuộc phát kiến địa lý, tìm ra châu lục mới, thương mại hàng hải toàn cầu, chế độ nô lệ, chủ nghĩa thực dân….

Một chú giải nhỏ cuối cùng của câu chuyện quá khứ đau thương này xin được dành cho nàng công chúa của nước Anh: Joan, cô con gái được yêu chiều của vua Edward III (1312–1377). Vị vua đang can dự vào một trong các cuộc chiến tranh, dàn xếp chính trị và hôn nhân quan trọng nhất của Tây Âu có tên gọi: Chiến tranh Trăm năm (1337 – 1453). Để bảo đảm cho thắng lợi của mình trước người Pháp và mở rộng các vùng đất đang kiểm soát trên lục địa, Edward III quyết định gả con gái cho hoàng tử kế ngôi Peter của vương triều Castile (Tây Ban Nha). Cuộc hôn nhân chắc chắn sẽ tạo ra một bước ngoặt mới của cuộc chiến mà hệ quả của nó là việc vẽ lại bản đồ châu Âu.

Sau ba năm đính ước, mùa hè năm 1348, Joan được hộ tống từ Anh tới Tây Ban Nha bằng một hạm tàu vũ trang nghiêm ngặt gồm bốn chiếc. Một trong số đó được dành riêng cho xiêm y và đồ trang sức của nàng công chúa. Khi hạm thuyền tới Bordeaux, bệnh dịch đã tràn tới thành phố này, tuy nhiên người Anh dường như chưa nhận thức được tính chất nghiêm trọng của nó. Rất nhanh chóng, những người tùy tùng bỏ mạng, và tới lượt nàng công chúa 15 tuổi, qua đời ngày 1/7/1348.

Joan đã lỡ hẹn một cuộc hôn nhân, còn nước Anh lỡ hẹn với một đồng minh. Lịch sử không có nếu. Còn những gì diễn ra sau sự lỡ hẹn này là kết cục cuối cùng nước Anh thất bại trong cuộc chiến Trăm năm, nước Pháp tập quyền bắt đầu hưng thịnh, và lịch sử châu Âu sang trang mới.

Sẽ là cường điệu quá mức khi nói rằng chuột đen hay những con bọ chét đã vẽ lại bản đồ châu Âu, đánh tráo trật tự đế chế hay xác lập quyền lực toàn cầu, nhưng rõ ràng chúng đã tham gia vào các thời khắc quan trọng như thế của lịch sử con người. Và sẽ còn tiếp tục can dự trong tương lai.

Để kết lại, nếu có bài học gì từ quá khứ các trận dịch và số phận đau thương của con người thì đó chính là khả năng kiểm soát dịch bệnh và ổn định tình hình của người quản trị xã hội. Các tin đồn và hệ quả bi thảm của chúng là khía cạnh khác cần phải được xem xét nghiêm túc từ góc độ chính sách. Lịch sử cho thấy bản thân dịch bệnh đã là thảm họa, tuy nhiên các tin tồn và phản ứng thái quá có thể tạo ra sự hỗn loạn và chết chóc ở tầm mức lớn hơn nhiều, bao gồm có chiến tranh, bạo lực xã hội, xung đột tộc người, tôn giáo….

Từ việc người Do Thái bị săn lùng giữa những “Cái chết đen” cho tới giá khẩu trang tăng gấp 10 lần, câu chuyện của dịch bệnh vượt xa khỏi các bệnh viện. Đó là phép thử nghiệt ngã không chỉ đối với tính dẻo dai của tổ chức xã hội, tiềm lực của tích lũy xã hội mà còn là khả năng phản ứng của thể chế chính trị và nhà nước nhằm đối phó trong thời gian ngắn với sự sống còn của giống loài.