Hỗ trợ hơn 1 tỷ USD phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long

Chiều 18-12, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ KHĐT phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam làm đầu mối và các tổ chức quốc tế khác xây dựng một khoản vay Hỗ trợ chính sách phát triển cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trước mắt, gói hỗ trợ có quy mô khoảng 1,05 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2023.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tại Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 23/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu do Bộ KHĐT tổ chức.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết mặc dù ĐBSCL đã có bước phát triển khá và đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế – xã hội, tuy nhiên ĐBSCL vẫn có mức thu nhập bình quân đầu người thấp hơn mức trung bình của cả nước.

Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị chiều 18-12.

Hơn nữa, theo Bộ trưởng KHĐT, vùng ĐBSCL cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do tác động của biến đối khí hậu, các hoạt động phát triển ở thượng nguồn châu thổ, mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, khai thác sử dụng tài nguyên với cường độ cao, thiếu bền vững.

Các đánh giá gần đây của các chuyên gia, nhà khoa học cho thấy mức độ tác động của biến đổi khí hậu đến vùng diễn ra ở tốc độ nhanh hơn, ảnh hưởng rộng hơn như hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển, hiện tượng sụt lún, xâm nhập mặn, hiện tượng thiếu nước ngọt cho sản xuất và tiêu dùng gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng, – người đứng đầu Bộ KHĐT nêu rõ.

Bộ trưởng KHĐT đề nghị cần xây dựng Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặc biệt về quan điểm, tầm nhìn phát triển, định hướng phát triển đối với các ngành, lĩnh vực quan trọng của vùng (giao thông, nông nghiệp, thủy lợi…) với mục đích đảm bảo sự phát triển vùng ĐBSCL bền vững, lâu dài, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hơn nữa, thời gian qua, các mô hình về điều phối vùng tại vùng ĐBSCL đã bộc lộ một số những hạn chế, bất cập như: chưa có một cơ chế xây dựng đồng thuận và thể hiện được lợi ích tập thể giữa các bên liên quan; việc phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP vẫn còn chậm; hội đồng vùng KTTĐ vùng ĐBSCL không có đủ thẩm quyền, thiếu nguồn lực, hoạt động hình thức, các địa phương vẫn chủ yếu hoạt động độc lập, tính liên kết yếu. Vì vậy, Bộ trưởng KHĐT đề nghị cần thành lập Hội đồng điều phối vùng nhằm giải quyết các bất cập đã nêu.

Về việc giải ngân khoản hỗ trợ phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị các đại biểu Hội nghị tập trung thảo luận về cơ chế cho vay và cấp phát vốn, lĩnh vực ưu tiên đầu tư như các dự án cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống hồ chứa, các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu hay các công trình liên kết vùng.