Từ Làng Xì trum đến sinh thái Tre Việt

Mô hình du lịch sinh thái vì sức khỏe đang nở rộ trong thời gian gần đây.

Ảnh: dulichcaominh.com

Vốn đam mê truyện tranh từ nhỏ nên ông Vương Quốc Thịnh luôn muốn làm những việc liên quan đến văn hóa hoặc trẻ em. Khi biết đến dự án Khu Du lịch Cao Minh (Vĩnh Tân, Vĩnh Cửu, Đồng Nai), ông Thịnh đã quyết định thuê 2ha đất mở Làng Xì Trum theo tên gọi phim hoạt hình hài viễn tưởng nổi tiếng. Nhưng sau đó, ông quyết định cải tạo nơi đây thành khu du lịch sinh thái, dành cho những người thích kỳ nghỉ yên bình.

Làng Xì trum

Năm 2015, khi ông Thịnh bắt tay tìm hiểu mô hình của khu du lịch này, được ca sĩ Cao Minh (chủ đất) hỗ trợ cho thuê đất trong 20 năm với chi phí rẻ. Từ ý định ban đầu chỉ làm 2ha thì dự án đã được mở rộng gần 20ha.

Vốn liếng chỉ vỏn vẹn 2 tỉ đồng, ông Thịnh thiết kế lại cảnh quan, để tiết kiệm chi phí, ngoài một số công nhân thuê, tự tay ông đã cày cuốc cải tạo lại đất cũng như cảnh quan. “Thời gian đầu, ngày nào tôi cũng đi bộ làm vuờn đến nỗi giảm gần chục ký”, ông Thịnh nhớ lại.

Theo ông, việc cải tạo cảnh quan đã khó nhưng việc thuê được nhân sự làm việc ở khu du lịch heo hút này còn khó hơn. Nhiều nhân viên chỉ mới làm được vài ngày đã bỏ chạy vì cho rằng khu du lịch khó có thể phát triển. Nhóm quản lý phải tìm nhân sự địa phương, trả lương tốt và đào tạo từ đầu.

Đến năm 2017, khu du lịch chính thức đi vào hoạt động và bắt đầu thu hút khách từ các công ty, gia đình muốn hưởng kỳ nghỉ yên tĩnh và một số khách lẻ. Khoảng 1 năm trở lại đây, lượng khách gần như đầy vào cuối tuần, những ngày trong tuần thì chủ yếu khách theo đoàn. May mắn là mô hình du lịch vì sức khỏe ngày càng phổ biến tại TP.HCM. Ngày càng nhiều người thích những điểm đến có cảnh quan thiên nhiên xanh mát, chú trọng hoạt động thể chất và tạo trải nghiệm an nhiên.

Chỉ sau 1 năm đi vào hoạt động, Khu Du lịch Cao Minh đã tạm đi vào ổn định và có lãi. Nhưng lợi nhuận chủ yếu đến từ khâu dịch vụ như ăn uống là chính, còn có các khoản phí như vé vào cổng 70.000 đồng/người, phí thuê phòng vài trăm ngàn đồng/đêm. Ngoài những điểm khám phá như câu cá đêm, di tích lịch sử, chợ đêm…, hầu như khách đến đây để nghỉ dưỡng.

Tuy có lợi nhuận nhưng với giấc mơ xây Làng Xì Trum từ thuở còn làm truyện tranh, ông Thịnh lại dùng số tiền này tái đầu tư với mong muốn xây dựng cho các bé có một khu vui chơi với trải nghiệm trồng nấm, trồng rau và nhiều hoạt động thực tế khác trong cuộc sống. Ông Thịnh tin rằng mô hình này sẽ thành công khi có thể thu hút các gia đình tại TP.HCM tìm đến các điểm nghỉ ngơi và thư giãn cuối tuần cùng các con.

“Làm dịch vụ du lịch sinh thái phải có niềm đam mê và sự kiên trì. Thậm chí, phải chuẩn bị kế hoạch tài chính, kế hoạch cụ thể về mô hình. Sau khi xây dựng lên mô hình, doanh nghiệp phải làm sao để du khách biết đến trong thời gian càng ngắn thì cơ hội thu lợi nhuận càng nhanh hơn”, ông Thịnh chia sẻ.

Sinh thái Tre Việt

Đồng Nai hiện có khá nhiều mô hình du lịch sinh thái như Khu Du lịch Cao Minh, Làng Du lịch Tre Việt và du lịch di tích lịch sử, phượt… Tre Việt cũng nằm trong số những dự án đầu tư có lợi nhuận. Dự án này được thực hiện bởi doanh nhân trẻ Lê Đăng Khoa. “Mong muốn cải tạo mảnh đất của gia đình thành khu nghỉ dưỡng riêng cho cả nhà, vì gần con sông rất đẹp, khung cảnh nguyên sơ, tôi đã biến thành Khu du lịch sinh thái Làng Tre Việt”, anh Khoa cho biết.

Từ ý tưởng đến thực hiện là cả một quãng đường dài. Khó khăn đầu tiên là thiếu vốn vì lúc đó không có ngân hàng nào dám cho vay một dự án phiêu lưu như vậy. Lê Đăng Khoa huy động vốn từ tất cả người thân trong gia đình, nhưng càng làm càng phát sinh chi phí. Chỉ mới thực hiện cơ bản về hạ tầng và trồng cây xanh đã thấy gần hết vốn. “Nhưng vì nghĩ mình có duyên với nơi này, tôi quyết tâm thực hiện đến cùng”, Khoa kể lại. Cột mốc đáng nhớ nhất là vào dịp lễ 30.4 và 1.5, khi có gần 4.000 du khách đến đây vui chơi. Lần đầu tiên đón một lượng khách lớn như vậy cho thấy Làng Tre Việt có thể sống khỏe nếu làm tốt hơn nữa.

Đến nay, Làng Tre Việt đã được nhiều người biết đến và đông khách. Sau 2 năm đầu tư đã bắt đầu có lợi nhuận và từ đây, Lê Đăng Khoa mở ra nhiều dự tính về các dự án khởi nghiệp khác liên quan đến du lịch sinh thái như dự án trồng rừng Phan Thiết và những dự án trồng rau sạch gần đây.

Có thể thấy, thời gian qua, nhiều mô hình du lịch sinh thái nở rộ, nhất là khu vực miền Tây đang thu hút nhiều du khách. Tuy nhiên, việc thiếu đồng bộ trong đầu tư, sự thờ ơ của các cấp chính quyền và đặc biệt là ô nhiễm tiếng ồn, rác thải… là những vấn đề mà ngành du lịch tại đây phải giải quyết để có thể phát triển tương xứng với tiềm năng.