Bão muộn và khủng hoảng khí hậu

Trong khi SEA Games đang diễn ra tại Philippines thì trận bão Kamuri ập tới. Đây là cơn bão thứ 20 tấn công nước này trong năm 2019. Đây có lẽ cũng là cơn bão cuối cùng của năm nay. Bão Kamuri đã làm 13 người thiệt mạng, gần 400.000 người phải sơ tán.

Bão Kammuri tàn phá thị trấn Camalig trên đảo Luzon, Philippines. (Ảnh: Reuters)

Bão nhiệt đới và bão tuyết

Mark Timbal- Phát ngôn viên của Trung tâm Dự báo thảm họa Philippines cho biết, ngày 3/12, bão Kamuri đã hướng vào đất liền nước này. Trước đó, các chuyên gia thời tiết đã cảnh báo đây là cơn bão “kỳ dị” nhất trong vòng 5 năm nay mà họ từng quan sát thấy. Kỳ dị là do đường đi của nó vòng vèo, hơn nữa nó còn “ngập ngừng” trước khi tăng tốc. Khi áp sát đất liền, bão Kamuri không tấn công trực diện mà lại chạy dọc theo ven biển. Chính vì thế nó đã nhận được nguồn năng lượng nhiều hơn để khi quay đầu đổ bộ vào đất liền thì sức gió tăng lên đột ngột, kèm theo là những đợt mưa liên miên.

Khi vào bờ, sức gió của nó lên tới cấp 12, giật cấp 15. Rạng sáng 3/12, trong lúc người dân còn đang ngủ thì bất ngờ bão Kamuri ập tới. Sức gió ở vùng tâm bão khi vào miền Trung Philippines đo được là 150-165 km/h, tương đương cấp 14, giật cấp 17.

Trước đó, Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia Philippines đã phát đi tin bão khẩn cấp đối với 35 tỉnh, thành phố nằm trong vùng ảnh hưởng của bão. Theo dự báo, hoàn lưu bão gây mưa cho toàn bộ khu vực phía Đông Bắc trải dài xuống các tỉnh miền Trung. Lượng mưa một số nơi có thể lên đến 400 mm. Và thực tế cho thấy dự báo là chính xác.

Thủ đô Manila và một số thành phố đang diễn ra SEA Games 30 cũng nằm ở phía Bắc tâm bão và trong khu vực ảnh hưởng do bão. Tuy sức gió và lượng mưa không lớn nhưng cũng đã ảnh hưởng xấu tới các môn thi đấu ngoài trời.

Cho tới ngày 4/12, bão Kamuri đã đi khỏi lãnh thổ Philippines, nhưng mưa vẫn tiếp tục trút xuống. Cho tới cuối ngày 5/12, miền Trung Philippines cũng như một phần đảo Luzon mưa vẫn tiếp tục rơi.

Trong khi đó, tại Mỹ, theo Reuters, bão tuyết đã khiến giao thông gián đoạn trên khắp miền Đông Bắc. Gần 900 chuyến bay bị hủy, 6.500 chuyến bay bị hoãn vào ngày đầu tháng 12. Theo AP, trước khi tấn công khu vực Đông Bắc Mỹ, trận bão tuyết này  đã di chuyển trên khắp cả nước, mang theo tuyết dày và mưa lớn đến một khu vực trải dài từ bang California đến vùng Trung Tây cùng nhiều khu vực khác.

Đối diện với khủng hoảng khí hậu trên phạm vi toàn cầu

Cũng trong thời gian này, Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 25 (COP 25) diễn ra tại thủ đô Madrid (Tây Ban Nha), dự kiến kéo dài trong 2 tuần, thu hút hàng chục ngàn đại biểu đến từ 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Khoảng 50 nhà lãnh đạo dự kiến tham gia Hội nghị này nhưng không có mặt Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới đối mặt với tác động ngày càng nghiêm trọng của các thảm họa cháy rừng, bão lũ, hạn hán chưa từng có. Theo thống kê, có tới 18/19 năm nóng nhất từng được ghi nhận xuất hiện trong thế kỷ này. Trong số này, năm 2019 là nóng nhất.

Theo Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, nhân loại đang đối mặt một cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu và đang tiến gần tới “điểm không thể cứu vãn”. Những tác động tàn phá của tình trạng ấm lên toàn cầu đe dọa loài người là sự đáp trả của thiên nhiên khi bị tấn công. “Các thảm họa liên quan đến khí hậu xảy ra thường xuyên hơn, gây nhiều thương vong hơn và có sức tàn phá khủng khiếp hơn”- ông Guterres nhận định và cho biết, nạn ô nhiễm không khí gắn liền với biến đổi khí hậu khiến 7 triệu người tử vong mỗi năm, đồng thời còn đe dọa sức khỏe con người và an ninh lương thực. “Các quốc gia có lượng khí thải lớn nhất thế giới đã không nỗ lực trong cuộc chiến này, đó là điều thực sự lo lắng”- Tổng Thư lý LHQ nói.

Còn theo Tổ chức từ thiện Oxfam (Anh), thời tiết ngày càng cực đoan và các vụ cháy rừng tồi tệ hơn đã khiến hơn 20 triệu người trên thế giới phải rời bỏ nhà cửa mỗi năm, tính trong vòng 10 năm nay. Trong đó, 80% số người trong số này sống tại châu Á. Số lượng thảm họa thời tiết bị xem là cực đoan đã tăng gấp 5 lần cũng trong 10 năm qua. “Vấn đề sẽ tồi tệ hơn nếu các Chính phủ không hành động nhanh chóng. Mặt khác, thiên tai xảy ra liên tiếp khiến nhiều nước nghèo không kịp phục hồi trước khi phải đối mặt những thiên tai khác”- theo Oxfam.