Cháy rừng tàn phá sinh cảnh của hổ và voi ở Sumatra

Các vụ cháy mùa khô hoành hành trên khắp Indonesia trong tháng 9 và tháng 10 đã gây thiệt hại cho các khu rừng, ngay cả trong các khu bảo tồn. Các đám cháy đặc biệt tàn phá ở miền nam Sumatra, đốt cháy khoảng 8% Vườn quốc gia Sembilang, theo dữ liệu vệ tinh và các nhà quan sát địa phương.

Đàn voi hoang dã ở làng Sebokor thuộc địa phận Khu bảo tồn động vật hoang dã Padang Sugihan – Sebokor,  gần Vườn quốc gia Sembilang (Ảnh: Faizal Abdul Aziz / CIFOR)

Các vụ hỏa hoạn cùng với nạn khai thác gỗ lậu trong khu vực và việc chuyển đổi rừng thứ sinh, cây bụi thành đất trồng dầu cọ đã đe dọa các loài động vật hoang dã cực kỳ nguy cấp như voi và hổ Sumatra. Được biết loài heo voi Malai đang trong tình trạng nguy cấp, cũng như một số loài linh trưởng nổi tiếng, cùng cư trú trong khu vực Vườn quốc gia.

Cho đến gần đây, không có quần thể voi nào tồn tại ở Vườn quốc gia Sembilang nhưng một nghiên cứu được công bố vào tháng 5 trên Tạp chí “Biovalentia: Biological Research” đã phát hiện ra bốn cá thể voi riêng lẻ ở đây chỉ sau sáu ngày quan sát vào đầu năm 2019.

Nghiên cứu ước tính có từ 6-10 cá thể voi riêng lẻ trong Vườn quốc gia, kéo dài từ phía bắc sông Sembilang đến phía nam sông Bungin và vùng đất phía tây giáp với đồn điền dầu cọ PT Raja Palma.

Donny Gunaryadi, Điều phối viên bảo tồn voi thuộc FFI cho biết chính phủ Indonesia đang trong quá trình hoàn thiện kế hoạch hành động 10 năm mới để bảo vệ voi Sumatra, dự kiến ​​sẽ bắt đầu vào năm tới.

Kế hoạch sẽ tập trung vào việc bảo tồn các quần thể tại các tỉnh Aceh ở mũi phía bắc Sumatra, trung tâm đảo Riau và Jambi – nơi có Vườn quốc gia Sembilang.

“Quần thể ngày càng giảm”, Gunaryadi – người tư vấn cho bản dự thảo chính sách – ước tính hiện chỉ còn 1.400 cá thể voi ở Sumatra, giảm từ mức 2.400 từ một thập kỷ trước.

Vào những năm 1980, khi Indonesia triển khai chương trình di cư ồ ạt để tái định cư người dân từ các khu vực đông dân hơn của Java đến các đảo khác trong quần đảo như Sumatra, ước tính vẫn còn khoảng 4.000 cá thể voi trên đảo. Tuy nhiên, xung đột giữa người và voi gia tăng theo dòng người định cư và voi suy giảm kể từ đó.

Dữ liệu và hình ảnh vệ tinh cho thấy các vụ hỏa hoạn đã tác động lớn đến những cá thể hổ trong vườn. Theo dữ liệu từ Đại học Maryland, NASA, WWF và RESOLVE cùng hình ảnh từ Planet Labs, xấp xỉ 20.000 ha (khoảng 30%) sinh cảnh của hổ ở Sembilang bị đốt trụi trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 9.

Dữ liệu vệ tinh cho thấy khu vực rừng rộng lớn bị phá hủy bởi các đám cháy rừng ở hai đầu Vườn quốc gia Sembilang. Các đám cháy phía bắc đã quét sạch một phần rừng nguyên sinh còn lại, nơi sinh sống của những con hổ và voi Sumatra vốn đang bị đe dọa nghiêm trọng (Nguồn: GLAD/UMD)
Hình ảnh vệ tinh cho thấy các đám cháy đã tiến sâu vào rừng nguyên sinh hồi cuối tháng 10 (Nguồn: Planet Labs)

Các vụ hỏa hoạn cũng tàn phá sinh cảnh của voi ở Khu bảo tồn động vật hoang dã Padang Sugihan, nằm ở phía đông nam Sembilang và là hành lang cho những cá thể voi hoang dã ở Nam Sumatra.

Một báo cáo ước tính một nửa khu bảo tồn đã bị thiệt hại do hỏa hoạn. Do voi ở Nam Sumatra có phạm vi di chuyển rộng như vậy nên khó có thể xác định chính xác các quần thể bị ảnh hưởng đến mức nào từ các vụ cháy gần đây nhất.

Cũng như Sembilang, Padang Sugihan đang gặp vấn đề liên quan đến thoát nước cho vùng đất than bùn và đến việc các ngành công nghiệp và cộng đồng xâm lấn rừng. Theo nhà khoa học thuộc CIFOR Michael Allen Brady, trong quá khứ, phần lớn khu bảo tồn được bảo vệ chặt chẽ, ngay cả với ngân sách cho bảo tồn rất hạn chế.

Tuy nhiên, sự bảo vệ này đã không ngăn chặn được các vụ hỏa hoạn gây thiệt hại trong năm nay.

Nhật Anh (Theo Mongabay)

Nguồn: