Biến đổi khí hậu có thể khiến tăng trưởng GDP toàn cầu giảm 3% vào năm 2050

Theo một nghiên cứu từ Cơ quan Tình báo kinh tế (EIU), Biến đổi khí hậu có thể làm tăng trưởng GDP toàn cầu giảm 3% vào năm 2050…

Ảnh: Bloomberg

Theo kết quả nghiên cứu từ Cơ quan Tình báo kinh tế (EIU), Châu Phi, Nam Mỹ và Trung Đông là 3 khu vực có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Nguyên nhân là do, đây là những khu vực có nhiệt độ trung bình cao hơn trong khi quy mô nền kinh tế nhỏ hơn, khiến chúng dễ bị tổn thương hớn trước các tác động của biến đổi khí hậu.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo ​​tăng trưởng toàn cầu sẽ đạt 3% trong năm nay, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Và ngay cả Mỹ – nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ không tránh khỏi những tác động của biến đổi khí hậu.

Tốc độ tăng trưởng của Mỹ sẽ giảm 1% trong 30 năm tới do tác động của biến đổi khí hậu. Hồi tháng 8, cục nghiên cứu kinh tế quốc gia đã nhấn mạnh rằng, tăng trưởng GDP bình quân đầu người ở Mỹ có thể giảm 10,5% trong 81 năm tới, trong bối cảnh nhiệt độ toàn cầu cao hơn dự kiến.

Những sự kiện lớn gần đây tại Mỹ, điển hình là vụ cháy rừng tại California cho thấy các lỗ hổng nghiêm trọng tồn tại ngay cả ở các nền kinh tế phát triển lớn, EIU nhấn mạnh trong nghiên cứu của mình.

Biến đổi khí hậu sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu giảm 3% trong 30 năm tới. Ảnh: Vids.org.vn

Năm 2018, một báo cáo của chính phủ Mỹ nói rằng biến đổi khí hậu sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ hàng tỷ USD. Song báo cáo tương tự đã bị Nhà Trắng bác bỏ , Reuters đưa tin.

Các nhà lãnh đạo thế giới chuẩn bị gặp nhau vào đầu tháng 12 tại hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, tại Madrid, Tây Ban Nha. Theo đó, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về biện pháp hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu xuống 1,5oC theo mục tiêu cốt lõi của hiệp định Khí hậu Paris, đã được thống nhất vào năm 2015.

Tuy nhiên, hồi đầu tháng, Mỹ đã bắt đầu rút khỏi thỏa thuận Paris vì cho rằng thỏa thuận tạo ra “gánh nặng kinh tế không công bằng” cho nước Mỹ.

Hà Linh (Nguồn: CNBC)