21 trạm điện mặt trời và điện gió sẽ được xây dựng tại Fukushima để cung cấp điện cho thủ đô Tokyo.
Nhắc đến Fukushima, Nhật Bản, hầu như nhiều người trên thế giới đều nhớ đến thảm họa động đất sóng thân ở tỉnh này cách đây 8 năm. Một trận động đất mà theo thống kê của Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản tính đến ngày 8/3/2019, đã có 15.897 người thiệt mạng và 2.533 người mất tích. Thảm họa đã dẫn tới sự cố nóng chảy lõi hạt nhân lò phản ứng số 1, 2 và 3 nhà máy điện nguyên tử Fukushima I, làm 1 triệu tấn nước nhiễm phóng xạ, lượng tia phóng xạ phát ra hơn 50km, khiến 55.000 dân trở thành vô gia cư và hàng loạt những hệ lụy khác…
Theo ước tính, thảm hoạ này đã gây thiệt hại lên đến 300 tỷ USD cho Nhật Bản. Cứ ngỡ mọi thứ ở Fukushima chìm trong “biển chết”, nhưng điều đó đã không xảy ra. 8 năm sau thảm họa lịch sử, Fukushima được tái sinh thành trung tâm năng lượng mặt trời và gió.
Chính phủ Nhật đã có kế hoạch dùng 2,75 tỷ USD xây dựng 11 trạm sản xuất điện mặt trời, 10 trạm turbine gió và mọi thứ sẽ được xây dựng trên diện tích đất nông nghiệp không còn khai thác được nữa do nhiễm xạ, cũng như những vùng đồi núi ít người sinh sống.
Dự kiến dự án này sẽ tạo ra 600 megawatt điện, khoảng 2/3 công suất nhà máy điện hạt nhân Fukushima I sản xuất trước khi thảm họa năm 2011 xảy ra. Điện sản xuất bằng năng lượng tái tạo này sẽ được chuyển về phục vụ cho khu vực thủ đô Tokyo. Để truyền tải điện từ Fukushima về Tokyo, Công ty Điện lực Toky (TEPCO) sẽ xây dựng một hệ thống đường dây 80km, dự kiến tiêu tốn 29 tỷ Yên, khoảng 266 triệu USD. Khoản chi phí này cũng nằm trong gói chi phí 2,75 tỷ USD kể trên.
Được biết, sau 8 năm xảy ra sự cố, hiện Chính phủ Nhật Bản đã dỡ bỏ lệnh sơ tán đối với nhiều khu vực bị ảnh hưởng, ngoại trừ một số khu vực vẫn còn nồng độ phóng xạ cao. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đang khuyến khích người dân quay trở về nhà.