Nín thở mà sống!

Con người đang tự đầu độc mình và cả con cháu khi để bầu không khí ngày càng ô nhiễm nặng nề.

Ảnh: QH

TP.HCM và Hà Nội không phải đột nhiên lọt vào danh sách các thành phố ô nhiễm không khí cao nhất. Tuy nhiên, đây là một quá trình tích tụ của nhiều nguyên nhân kéo dài trong nhiều năm với sự thờ ơ của con người và chính sách quản lý.

Một nghiên cứu dựa trên dữ liệu sức khỏe từ hàng triệu bệnh nhân ở Mỹ và Đan Mạch, cho biết, ô nhiễm không khí làm tắc phổi và rút ngắn tuổi thọ nhưng cũng đồng thời liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tâm thần cao hơn. Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã so sánh dữ liệu sức khỏe và phơi nhiễm ô nhiễm tại địa phương cho 151 triệu cư dân Mỹ và 1,4 triệu bệnh nhân Đan Mạch cho nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Sinh học PLOS.

Nghiên cứu cho thấy, những người tiếp xúc với không khí kém chất lượng ở cả 2 quốc gia có nhiều khả năng được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực hoặc trầm cảm mặc dù các nhà nghiên cứu cho rằng cần thêm thời gian để đưa ra kết luận chắc chắn. “Có khá nhiều tác nhân được biết đến (đối với bệnh tâm thần) nhưng ô nhiễm là một hướng nghiên cứu mới”, Trưởng nhóm nghiên cứu, ông Andre Rzhetsky, thuộc Đại học Chicago, nói với Thomson Reuters Foundation.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính ô nhiễm không khí giết chết 7 triệu người mỗi năm – tương đương với 13 người chết mỗi phút – nhiều hơn tổng số chiến tranh, giết người, lao, sốt rét, HIV và AIDS. Tại Việt Nam, trong 10 bệnh chiếm tỉ lệ tử vong cao nhất, có tới 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí. Trong cơ cấu bệnh tật, các bệnh về đường hô hấp cũng là 1 trong 5 nhóm bệnh bị mắc phải cao nhất. Theo báo cáo của World Bank, thiệt hại kinh tế toàn cầu do ô nhiễm không khí vào khoảng 225 tỉ USD. Đối với Việt Nam, ô nhiễm không khí gây thiệt hại về kinh tế khoảng 10 tỉ USD mỗi năm (chiếm từ 5-7% GDP).

Sự lo ngại ngày càng tăng đối với vấn đề này khi hàng loạt thành phố trên thế giới nhận được báo động về ô nhiễm không khí. Số liệu của AirVisual ngày 2.10 cho thấy Hà Nội đứng đầu bảng về chất lượng không khí xấu, sau đó là Kuwait City, Dubai, Kuala Lumpur, Quảng Châu, Hồng Kông, Trùng Khánh, Đài Bắc, Thành Đô và Thâm Quyến. Những ngày này, tại TP.HCM hay Hà Nội, bầu trời trở nên âm u vì sương mờ, những cao ốc đột nhiên “tàng hình”. Ngoài đường, người dân như những đoàn quân robot khi bịt kín khẩu trang, kính đen. Tại cửa hàng điện máy thì máy lọc không khí trở thành món hàng bán chạy nhất.

Theo ông Nandikesh Sivalingam, Giám đốc Chương trình của Greenpeace East Asia, một trong những yếu tố gây ra việc này là vì nhiều thành phố lớn của châu Á nằm ở các vùng bình nguyên cạnh các dãy núi lớn, nằm trọn vẹn trong lục địa nên khí bụi không thể tán ra. Tuy nhiên, nguyên nhân do con người đang trở thành mối lo ngại lớn hơn. Chẳng hạn, con người đốt nhiên liệu sinh khối như than, củi, rơm để nấu ăn, sản xuất điện than, xả khí thải công nghiệp, đốt các sản phẩm nông nghiệp…

Đáng chú ý, việc đốt nhiên liệu hóa thạch là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm. Các chuyên gia năng lượng cho rằng nhu cầu ngày càng tăng đối với năng lượng than là nguyên nhân gây ra ô nhiễm. Năm 2017, châu Á – Thái Bình Dương đã tiêu thụ 75% lượng than của thế giới, trong khi vào năm 1997, con số này là 50%. Ngoài ra, các thành phố ở châu Á đang trải qua quá trình đô thị hóa nhanh chóng, dân cư tập trung đông đúc vào những không gian chật hơn, khói bụi do ô tô, xe máy tích tụ gây ra ô nhiễm không khí.

Việt Nam chưa phát triển như Trung Quốc nhưng ô nhiễm môi trường đã cực kỳ nghiêm trọng. Có thể thấy, nếu không giải quyết được nạn ô nhiễm môi trường, các nước có thành phố ô nhiễm như Việt Nam sẽ gánh thêm nhiều hậu quả nghiêm trọng khác. Mọi mục tiêu nâng cao sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần cho người dân sẽ không đạt. Hình ảnh một Việt Nam bị ô nhiễm nghiêm trọng sẽ trở thành rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài và du khách.Bài học từ các thành phố ô nhiễm tại châu Á cho thấy có những hướng chính để trả lại bầu không khí trong lành cho người dân như kiểm soát ô nhiễm do xe cơ giới, kiểm soát ô nhiễm do nguyên liệu hóa thạch (như than đá), kiểm soát các ngành công nghiệp gây ô nhiễm, phục hồi các hệ sinh thái bị ô nhiễm và ứng dụng các công nghệ mới vào bảo vệ môi trường.

Cùng hít thở một bầu không khí, nên việc phòng chống ô nhiễm không khí không chỉ là nỗ lực của vài người, vài địa phương. Chính phủ Việt Nam phải nhận thức được rằng tình hình ô nhiễm môi trường đã rất nghiêm trọng, cần phải hành động ngay. Tiếp đến, cần xây dựng chương trình hành động cấp quốc gia chống và cải tạo tình trạng môi trường bị ô nhiễm.