Đắk Nông: Chặt phá rừng thông lấy đất sản xuất

Tình trạng chặt phá rừng thông dọc tuyến QL14 đoạn qua tỉnh Đắk Nông diễn ra từ lâu nhưng chưa có hướng xử lý. Để hạ độc rừng thông, các đối tượng không từ thủ đoạn như dùng cưa lốc đốn hạ thông, đổ hóa chất đầu độc… Mục đích của hành vi phá rừng là để lấn chiếm, mua bán đất rừng.

Rừng thông qua xã Trường Xuân liên tục bị triệt hạ, đầu độc. Ảnh: HL

Không từ thủ đoạn triệt hạ thông

Nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng dọc tuyến QL 28 qua địa bàn 2 xã Quảng Sơn, xã Đắk Ha (huyện Đắk G’Long) trong nhiều năm qua diễn ra với chiều hướng phức tạp. Nhiều vụ chặt phá rừng thông xảy ra ngay sát khu dân cư và không xa nơi làm việc của chính quyền địa phương. Có thể dẫn chứng vụ rừng thông bị đầu độc ngay bên hành lang giao thông QL 28 và chỉ cách trụ sở UBND xã Đắk Ha chỉ hơn 2km. Tại hiện trường, những cây thông đã chết héo khô từ lâu. Gần đó, một vài người dân châm lửa đốt củi khô khiến những đám cháy bùng dữ dội .

Theo tìm hiểu, sau khi công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Gia Nghĩa giải thể diện tích rừng hai bên QL 28 được giao về cho chính quyền địa phương quản lý. Tuy vậy, ông Nguyễn Đức Chiến – Chủ tịch UBND xã Đắk Ha – thông tin, diện tích rừng còn thông khi được bàn giao về cho xã chỉ 15ha. Ông Chiến cũng thừa nhận nạn đầu độc thông từ đầu năm đến nay vẫn còn diễn ra, với thủ đoạn tinh vi, khiến cho việc phát hiện những đối tượng này rất khó khăn. “Người dân khoan lỗ nhỏ, sau đó bơm thuốc vào chỉ thời gian sau là thông chết. Việc này rất khó phát hiện. Động cơ của người dân triệt hạ thông không phải lấy gỗ, mà để lấy đất canh tác” – ông Chiến nói.

Còn tại Quốc lộ 14 đoạn qua xã Trường Xuân, xã Nâm N’jang – huyện Đắk Song, dễ dàng quan sát rừng thông mọc san sát tuyến quốc lộ 14 giờ chỉ còn lác đác. Tình hình nghiêm trọng khi vừa qua, Hạt kiểm lâm huyện Đắk Song đã ra quân ngăn chặn qua đó phát hiện gần 400 cây thông tại tiểu khu 1699 thuộc bon Păng Sim xã Trường Xuân bị đầu độc. Trong biên bản tại hiện trường, khu vực thông chết đều có đặc điểm bị khoan từ 3 đến 4 lỗ, sâu khoảng 6-8cm với đường kính lỗ khoan khoảng 7mm cùng mùi hóa chất nồng nặc.

Đầu độc rừng thông lấy đất

Ông Nguyễn Quân Trường – Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông – thông tin, hầu hết các vụ vi phạm ken cây, đổ hóa chất, hủy hoại rừng thông đều không bắt được đối tượng vi phạm để xử lý. Từ lý do này, Chi cục Kiểm lâm kiến nghị Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với Công an huyện Đắk Song, Đắk G’long đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ phá rừng thông trên địa bàn…; đồng thời điều tra, xác minh làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành đối tượng để xử lý các vụ phá rừng.

Trong báo cáo ngày 27.9 về thực trạng, giải pháp ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng thông dọc Quốc lộ 14, Quốc lộ 28, Chi cục Kiểm lâm Đắk Nông cho biết, đang rà soát, lập hồ sơ đối với diện tích rừng thông bị lấn chiếm, tái lấn chiếm; củng cố hồ sơ, xử lý và thu hồi diện tích trên để bàn giao cho chủ rừng có phương án, kế hoạch phục hồi rừng. Riêng đối với diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm lớn, tập trung, Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện, thị xã tham mưu UBND cùng cấp củng cố hồ sơ pháp lý, xây dựng phương án giải tỏa…

Ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, Sở đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Đắk Nông về vụ hủy hoại rừng nghiêm trọng này dọc QL 14 và QL 28. Sở NNPNT có văn bản đề nghị Công an tỉnh Đắk Nông vào cuộc điều tra, xử lý các đối tượng dùng các thủ đoạn tinh vi để đầu độc rừng thông.

Sở NNPTNT Đắk Nông cho biết, từ năm 2015-9.2019, trên địa bàn huyện Đắk G’long xảy ra 47 vụ phá rừng thông với thiệt hại hơn 2.000 cây. Còn tại huyện Đắk Song, từ năm 2015-9.2919, có 78 vụ phá rừng thông với thiệt hại gần 2.000 cây.