Trộm gỗ rừng tự nhiên, xóa trắng rừng phòng hộ

Trong khi rừng tự nhiên ở Quảng Nam liên tục bị tàn phá, “lâm tặc” chưa được truy ra thì ở Bình Định, 140 ha rừng phòng hộ giao cho doanh nghiệp quản lý bị phá trắng

Từ thông tin của người dân và đi thực tế hiện trường, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận chỉ 2 khu vực trong một khoảnh rừng nhỏ ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam nhưng có ít nhất 10 cây chuồn cổ thụ, có đường kính thân từ 1-1,5 m đã bị “lâm tặc” triệt hạ, cưa xẻ tại chỗ. Hầu hết gỗ đã được vận chuyển ra khỏi rừng, một vài lóng gỗ đang cưa xẻ dở dang còn bỏ lại hiện trường. Gần đó, một số cây gỗ lớn đã bị phát quang, đánh dấu như để chuẩn bị đợt “hạ sát” sau đó.

Rừng “bốc hơi”, xưởng gỗ mọc như nấm

Ngày 1-10, Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) cho biết đã có báo cáo về vụ khai thác gỗ trái phép nói trên. Cụ thể, rừng bị phá thuộc Tiểu khu 774 (thôn 1, xã Trà Nú). Có 8 cây chuồn, 1 cây chua , 1 cây xoan đào bị triệt hạ với tổng khối lượng gỗ là 8,738 m3. Tại khu vực này, lâm tặc còn để lại 13 lóng gỗ tròn, 5 tấm gỗ xẻ, khối lượng 0,179 m3. Ngoài ra, cơ quan chức năng phát hiện tại lô 35 có cất giấu 27 tấm gỗ chua (1,296 m3) và 14 tấm gỗ xoan đào (0,724 m3).

Cũng theo cơ quan kiểm lâm, khu vực rừng bị phá do Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam quản lý. Hiện cơ quan chức năng chưa xác định được đối tượng vi phạm. UBND huyện Bắc Trà My đã có công văn gửi các cơ quan liên quan đề nghị khẩn trương điều tra.

Nhiều cổ thụ tại Tiểu khu 774 bị lâm tặc đốn hạ ngổn ngang Ảnh: TRƯỜNG VÂN

Trước đó, từ giữa tháng 8, báo chí cũng đã phản ánh vụ phá rừng tự nhiên ở xã Trà Kót (huyện Bắc Trà My). Nhưng tới thời điểm này vẫn chưa thấy các cơ quan chức năng công bố kết quả điều tra, xử lý.

Theo báo cáo của UBND huyện Bắc Trà My, trong 6 tháng đầu năm 2019, qua kiểm tra 27 xưởng cưa xẻ, chế biến lâm sản tại địa bàn thì phát hiện chỉ có 14 cơ sở có giấy phép kinh doanh, 13 cơ sở còn lại hoạt động không phép.

Ông Thái Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, cho biết UBND huyện đã giao Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu ban hành chỉ thị thực hiện công tác quản lý tài nguyên lâm – khoáng sản trên địa bàn. “Quan điểm của huyện là phải tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý mạnh tay với những cơ sở, xưởng gia công gỗ hoạt động không phép trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở nằm ở khu vực giáp ranh với bìa rừng. Bởi vì chẳng có lý do gì ở một địa bàn vùng cao với mật độ dân số thấp, mức sống không cao lại có đến gần hàng chục xưởng cưa, cơ sở chế biến gỗ. Chúng tôi chỉ đạo phải quản lý chặt hơn hoạt động của các cơ sở này, nhất là giám sát nguồn gốc, xuất xứ nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào” – ông Vũ nhấn mạnh.

Điện gió chẳng có, rừng xóa sổ!

Theo phản ánh của người dân xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước và xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, khu vực triển khai dự án Nhà máy Phong điện Phương Mai 1 do Công ty CP Phong điện Phương Mai đầu tư, trước đây là rừng cây dương phòng hộ xanh bạt ngàn với diện tích khoảng hơn 140 ha. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi chủ đầu tư triển khai xây dựng dự án thì toàn bộ khu rừng dương nằm trong Khu Kinh tế Nhơn Hội thuộc 2 địa phương này đã biến mất.

Ghi nhận tại hiện trường khu vực triển khai dự án Nhà máy Phong điện Phương Mai 1 cho thấy toàn bộ diện tích rừng phòng hộ được giao cho chủ đầu tư dự án chỉ còn lại gốc cây bị đốt cháy đen thui. Ước tính hơn 100.000 cây dương cổ thụ có đường kính từ 15 cm đến 50 cm bị triệt hạ.

Theo người dân địa phương, cách đây khoảng 2 tháng, một số đối tượng đã dùng cưa máy và phương tiện cơ giới mở đường vào chặt phá rừng phòng hộ. Sau khi triệt hạ khu rừng, phần thân được mang đi tiêu thụ, phần gốc bị đốt trụi nhằm xóa dấu vết.

Khu rừng phòng hộ nằm trong dự án Nhà máy Phong điện Phương Mai 1 bị triệt hạ Ảnh: ĐỨC ANH

Ông Võ Thành Hải, Chủ tịch UBND xã Cát Chánh, cho biết khu rừng dương ở địa phương được giao cho Công ty CP Phong điện Phương Mai triển khai dự án phong điện có diện tích khoảng 130 ha. Tỉnh Bình Định yêu cầu chủ đầu tư khi triển khai dự án phải giữ lại khu rừng dương để chống bão cát, giữ nước cho người dân. “Sau khi được giao đất, chủ đầu tư lại thiếu trách nhiệm bảo vệ rừng cây, môi trường sống cho người dân. Giờ điện gió chẳng thấy đâu, rừng phòng hộ thì bị xóa sổ nên người dân lo lắng, bức xúc là đúng” – ông Hải nói.

Ông Huỳnh Thanh Vương, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, xác nhận khu rừng dương ở địa phương được giao cho chủ đầu tư triển khai dự án Nhà máy Phong điện Phương Mai 1 bị triệt hạ sạch.

Theo ông Phan Viết Hùng, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Bình Định, theo quy hoạch, diện tích khu rừng phòng hộ rộng hơn 140 ha được giao triển khai dự án Nhà máy Phong điện Phương Mai 1, chủ đầu tư chỉ được phép chặt hạ một số diện tích rừng đủ để trồng trụ điện gió, không được phá trắng. Việc chủ đầu tư dự án để khu rừng dương bị triệt hạ hoàn toàn là không thể chấp nhận được. Thanh tra tỉnh Bình Định và Công an tỉnh Bình Định đang vào cuộc điều tra, làm rõ vụ phá rừng nghiêm trọng này.