Tìm giải pháp cho cao su thiên nhiên bền vững

Tại tỉnh Songkhla, một trong những “thủ phủ” cao su tại miền Nam Thái Lan đã diễn ra hội nghị đối tác đa bên bàn về hướng hợp tác phát triển bền vững cao su thiên nhiên từ 24-26/09/2019. Hội nghị do Mighty Earth, Rainforest Alliance, Earth Net Foundation, Einhorn và Đại học Hoàng tử Songkla phối hợp tổ chức trong bối cảnh ngành cao su phải đối mặt với tình trạng giá giảm trong gần một thập kỷ qua và còn được dự báo tiếp tục kéo dài, ảnh hưởng nặng nề đến các hộ trồng cao su tiểu điền.

Theo báo cáo của tổ chức giám sát phát triển châu Âu FERN công bố tháng 10/2018, diện tích trồng cao su của thế giới trong giai đoạn 2000-2016 đã tăng gấp đôi, đạt khoảng 12, 9 triệu ha (tương đương diện tích Hy Lạp). Thái Lan và Indonesia là hai quốc gia có diện tích lớn nhất, chiếm khoảng 67%. Trung Quốc nằm trong tốp 5 nước có diện tích cao su lớn và cũng là thị trường tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới, chiếm 40% thị phần.

Sự mở rộng diện tích cao su ồ ạt trong những năm qua gắn với cơn sốt về giá mủ cao su trên thị trường thế giới, có thời điểm mủ cao su thiên nhiên được ví như “vàng trắng”. Song, sự phát triển nóng vội và mang tính tự phát ở nhiều nơi cũng gắn với các cáo buộc về phá rừng và bất ổn xã hội. Báo cáo của FERN cho biết diện tích cao su mở rộng phần lớn thuộc khu vực Đông Nam Á. Tại các quốc gia Mekong, từ năm 2000 đến nay đã có khoảng 3 triệu ha rừng bị chuyển đổi thành cao su.

Các đại biểu tham quan một mô hình vườn rừng cao su quy mô hộ gia đình tại tỉnh Songkhla, Thái Lan

Trong những năm gần đây, khi giá cao su giảm sâu và kéo dài, diện tích cao su không mở rộng, thậm chí một số nơi cao su đã bị chặt và chuyển đổi sang cây trồng khác. Bài toán cây cao su lần nữa thu hút sự quan tâm của các bên. Các nhà sản xuất cao su thiên nhiên băn khoăn làm thế nào để duy trì được diện tích trồng để đảm bảo nguồn cung ứng, trong khi đó các nhà hoạt động về môi trường và xã hội đặt ra mối lo ngại về việc đảm bảo quyền lợi, chia sẻ lợi ích – rủi ro một cách công bằng và sinh kế bền vững cho các hộ cao su tiểu điền, vốn dễ bị tổn thương trước những biến động thị trường. Hiện tại, cao su tiểu điền chiếm khoảng 85% tổng nguồn cung cao su thiên nhiên cho thế giới. Tại một số quốc gia, điển hình như Thái Lan, tỉ lệ cao su tiểu điền lên đến 95%.

Tại hội nghị quốc tế diễn ra tại Songkhla, các bên đều nhìn nhận việc thắt chặt hợp tác và đối thoại đa bên là thực sự cần thiết để xây dựng giải pháp cho phát triển cao su thiên nhiên bền vững. Tính bền vững của cao su thiên nhiên được hiểu theo nghĩa rộng là gắn với toàn bộ chuỗi giá trị cao su, từ nguồn gốc đất đai và người nông dân trồng cao su cho đến khách hàng sử dụng cuối cùng sản phẩm, sao cho vừa đảm bảo môi trường sinh thái được cải thiện, đảm bảo nguồn thu nhập cho các hộ dân trồng cao su, đảm bảo các sản phẩm cao su thiên nhiên có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, quy trình sản xuất tuân thủ các yêu cầu về môi trường và xã hội.

Các thảo luận và chia sẻ đã giúp các bên nhận diện những lỗ hổng về chính sách của các quốc gia trong phát triển cao su và đảm bảo quyền lợi của các hộ trồng cao su, yếu điểm trong chuỗi cung ứng – sản xuất cao su và sự thiếu vắng các cơ chế hỗ trợ và bảo hiểm cho các hộ trồng cao su. Trao đổi từ các bên cũng cho thấy những tín hiệu lạc quan về tương lai bền vững hơn của cao su thiên nhiên khi ngày càng xuất hiện nhiều doanh nghiệp áp dụng chứng chỉ bền vững cho sản phẩm cao su, chủ động kết nối với người dân để nâng cao giá trị sản phẩm. Tại một số nơi, người dân đã chủ động thử nghiệm và bước đầu thành công với mô hình vườn rừng cao su, đầu tư đa dạng để giảm thiểu rủi ro, đồng thời tái tạo lại đất trồng và khôi phục sự đa dạng sinh học – một trong những điểm yếu của các vườn cao su độc canh. Những sáng kiến này sẽ tiếp tục được nghiêu cứu để mở rộng trong khu vực Đông Nam Á trong những năm tới.

Việt Nam nằm trong tốp 5 quốc gia có diện tích trồng và sản lượng cao su cao nhất thế giới. Tổng diện tích cao su trên cả nước ước tính hơn 900.000 ha, trong đó cao su tiểu điền chiếm khoảng 50%. Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu hợp tác giữa tổ chức Forest Trends, Hiệp hội Cao su Việt Nam và Hiệp Hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam công bố tháng 9/2018, số lượng hộ dân tham gia trồng cao su trên cả nước tăng nhanh trong giai đoạn 2006-2015. Đến 2017, cả nước có gần 264.000 hộ dân trồng cao su, tập trung ở các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung. Khi phải đối mặt với các rủi ro thiên tai và thị trường, người dân hoàn toàn lúng túng và gánh chịu thiệt hại do thiếu thông tin và hiểu biết, thiếu tiếp cận với các nguồn hỗ trợ, và thiếu cơ chế đại diện để bảo vệ quyền lợi.