Vụ “xẻ thịt” đất rừng Sóc Sơn: Kỷ luật Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ

Liên quan đến vụ “xẻ thịt” đất rừng Sóc Sơn, UBND thành phố Hà Nội vừa ra quyết định kỷ luật với hình thức Cảnh cáo bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Giám đốc Ban quản lý rừng Phòng hộ – Đặc dụng Hà Nội. Chiều 26.9, trao đổi với Lao Động, ông Chu Phú Mỹ – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội cho biết, Hội đồng kỷ luật sở này đã đề xuất UBND thành phố Hà Nội kỷ luật với hình thức Cảnh cáo đối với bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Giám đốc Ban quản lý rừng Phòng hộ – Đặc dụng Hà Nội.

Sau đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND thành phố Hà Nội đã ra quyết định kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo với bà Nguyễn Thị Thu Hằng.

Ông Chu Phú Mỹ cho biết, vi phạm của bà Nguyễn Thị Thu Hằng đã được kết luận Thanh tra thành phố Hà Nội chỉ rõ từ tháng 4.2019. Theo đó, lãnh đạo Ban quản lý rừng Phòng hộ – Đặc dụng Hà Nội có vi phạm trong công tác quản lý hồ sơ đất rừng Sóc Sơn không rõ ràng.

“Mức độ vi phạm của bà Hằng không đến mức kỷ luật bằng hình thức Cách chức. Bởi, không có sự thông đồng của Ban quản lý rừng để người dân xây dựng”, ông Mỹ cho hay.

Công trình xây dựng kiên cố ngay bên hồ Đồng Đò (xã Minh Trí), huyện Sóc Sơn. Ảnh Trần Vương

Liên quan sai phạm đối với rừng phòng hộ ở huyện Sóc Sơn, mới đây, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội cũng đã có các quyết định xử lý kỷ luật đối với 3 cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý.

Theo đó, Phó chủ tịch UBND huyện Đỗ Minh Tuấn bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách; Nguyên Chủ tịch UBND huyện Vương Văn Bút và nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tạ Văn Đạo cùng bị kỷ luật theo hình thức cảnh cáo.

Huyện ủy Sóc Sơn còn ban hành quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Đảng ủy Đảng bộ Đội Thanh tra trật tự xây dựng đô thị huyện Sóc Sơn nhiệm kỳ 2015 – 2020 đối với ông Đào Văn Sửu; điều chuyển về làm Phó Giám đốc Trung tâm quản lý Khu Du lịch – di tích đền Sóc Sơn.

Cuối tháng 3.2019, thành phố công bố kết luận thanh tra, trong đó chỉ ra hàng nghìn công trình xây dựng vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn. Chỉ hai xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng đã có 797 công trình vi phạm.

Ngày 1.4, UBND thành phố Hà Nội có văn bản giao Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định đối với tập thể và cá nhân liên quan, đồng thời tổ chức cưỡng chế ngay các công trình vi phạm được lập hồ sơ xử lý trong các năm 2017, 2018 trên địa bàn 10 xã và thị trấn Sóc Sơn.