Dự án khơi thông sông Cổ Cò: Lo ngại xâm nhập mặn vào sâu đất liền

Dự án khơi thông sông Cổ Cò khiến xâm nhập mặn diễn ra mạnh, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), đặc biệt mặn sẽ xâm nhập nghiêm trọng hơn trên sông Cẩm Lệ, ảnh hưởng đến cung cấp nước sinh hoạt cho TP. Đà Nẵng.

Chiều 16/9, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ông Lê Trung Chinh đã có buổi làm việc với ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam để bàn thảo, thúc đẩy triển khai Dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò.

Sông Cổ Cò nối liền từ Đà Nẵng đến Hội An dài hơn 28 km, trong đó có 20km nằm trên địa phận tỉnh Quảng Nam. Nhiều thế kỷ trước, con sông này từng là tuyến đường thủy quan trọng góp phần hình thành nên cảng thị Hội An.

Tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã thống nhất phương án nạo vét, khơi thông dòng sông này để phát triển kinh tế, phát triển du lịch giữa Hội An và Đà Nẵng. Theo đó, dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò đã được 2 địa phương thông qua. Tỉnh Quảng Nam sẽ nạo vét hơn 20 km với nguồn kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó trung ương hỗ trợ 340 tỷ đồng. Thành phố Đà Nẵng thực hiện phần còn lại với kinh phí gần 500 tỷ đồng, trong đó trung ương hỗ trợ 245 tỷ đồng.

Hai địa phương đang tích cực triển khai dự án, công tác nạo vét trên địa bàn TP. Đà Nẵng cơ bản đã hoàn thành, trong khi tỉnh Quảng Nam đang quyết liệt thực hiện.

Để khơi thông sông Cổ Cò, phải tháo dỡ 3 đập ngăn mặn hiện có trên sông là đập Hà My (Quảng Nam), đập Đồng Nò, Bờ Quang (Đà Nẵng). Tuy nhiên, theo đánh giá tác động môi trường, sau khi khơi thông sông Cổ Cò thì với đáy nạo vét ở mức cao trình -3m, chế độ dòng chảy và độ mặn khu vực thay đổi, nồng độ mặn trên sông Cổ Cò tăng mạnh. Ở khu vực thượng lưu đập Hà My (phía Nam) thuộc phạm vi tỉnh Quảng Nam độ mặn từng thời điểm tăng so với hiện trạng +3,5÷+16‰. Ở khu vực hạ lưu đập Hà My (phía Bắc) độ mặn từng thời điểm tăng so với hiện trạng 0÷+9‰ đạt ngưỡng mặn tại từng thời điểm từ 5÷16‰.

Sông Cổ Cò chảy qua địa phận Hội An (tỉnh Quảng Nam).

Trên sông Cổ Cò phía Đà Nẵng ở khu vực cuối của đoạn thuộc phạm vi thành phố Đà Nẵng, độ mặn từng thời điểm tăng so với hiện trạng từ 7,5÷17,5‰ đạt ngưỡng mặn từng thời điểm từ 10÷20‰. Đáng chú ý trên sông Cẩm Lệ tại Nhà máy nước Cấu Đỏ, độ mặn từng thời điểm dao động từ 0,6÷1,5‰ có ngưỡng mặn dưới gia tăng khoảng 0,5‰

Hiện công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ có công suất 230.000-310.000 m3/ngày,đêm; cung cấp hơn 80% lượng nước sạch cho toàn thành phố Đà Nẵng. Nếu như độ mặn dao động 0,6÷1,5‰ sau khi khơi thông sông Cổ Cò thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc cung cấp nước sạch sinh hoạt cho thành phố Đà Nẵng, điều này khiến nhiều người lo ngại.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam kiến nghị do chưa hoàn thành việc đô thị hoá dọc hai bên sông, chưa có giải pháp hữu hiệu cho Nhà máy nước Cầu Đỏ, vì vậy, đề xuất chưa phá dỡ đập ngăn mặn Hà My, Bờ Quang và Đồng Nò trong giai đoạn hiện nay.

Dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò là dự án đa mục tiêu, thúc đẩy kinh tế – xã hội hai địa phương Quảng Nam – Đà Nẵng. Tuy nhiên việc phá dỡ cả 3 đập Hà Mỹ, Đồng Nò và Bờ Quang để thông sông Cổ Cò từ Cửa Hàn đến Cửa Đại sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái ven sông, đồng thời ảnh hưởng đến vấn đề xâm nhập mặn trên hệ thống sông của hai địa phương, trong đó đặc biệt đối với Nhà máy nước Cầu Đỏ.

Ông Lê Trí Thanh phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hai địa phương rất quyết tâm để thực hiện dự án nạo vét sông Cổ Cò.

“Đây là dự án mà lãnh đạo tỉnh hai địa phương có quyết tâm chính trị rất cao để thực hiện, nhằm đánh thức dòng sông Cổ Cò, phát triển kinh tế – xã hội và du lịch của hai địa phương. Khi đọc bản đánh giá tác động môi trường của dự án, tôi thấy một số điểm chưa thật hợp lý như vì sao độ mặn trên sông Cổ Cò sau khi khơi thông, ở phía Đà Nẵng lại cao hơn Quảng Nam, vì vậy, tôi đề nghị cần xem lại những cơ sở của đánh giá tác động môi trường, thực tế của xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng như thế nào, cần có những cơ sở khoa học, cụ thể hơn. Để triển khai dự án này thì chúng ta phải hạn chế thấp nhất tác động môi trường”, ông Thanh phát biểu.

Tại buổi làm việc này, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng cùng thống nhất phương án quy hoạch, khớp nối, thông luông tuyến đường thủy quan trọng này vào tháng 9/2022. Trước mắt, 2 địa phương thống nhất gấp rút triển khai việc nạo vét như kế hoạch đã đề ra. Đồng thời tăng cường cơ chế tham vấn, phối hợp của ban điều phối dự án để hạn chế thấp nhất những phát sinh, nhất là tác động xấu đến môi trường.