Nhiều lần mất trộm cây gỗ sưa ngay trong trụ sở Vườn Quốc gia Tam Đảo

Chuyện khó tin nhưng có thật này đã xảy ra và không chỉ xảy ra một lần ở ngay trong khuôn viên trụ sở chính khang trang, với lực lượng bảo vệ rừng chuyên nghiệp, cửa sắt to đùng và camera khắp nơi của Vườn Quốc gia Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc).

Theo biên bản được cán bộ Vườn lập ngay sau khi phát hiện một cây gỗ sưa quý hiếm có đường kính gốc khoảng 20cm, cao 7m bị đốn trộm, vào ngày 6.9.2019, ông Đặng Văn Thạch, cán bộ Vườn là người đầu tiên nhìn thấy và báo cáo về tình trạng một cây sưa bị chặt ngay ở đầu hội trường của Trụ sở Vườn.

Tại hiện trường, cây sưa bị chặt, lấy đi mấy mét thân có lõi khá to. Gỗ này quý hiếm và được mua ngoài thị trường “chợ đen” với giá cao và tính bằng cân. Kẻ trộm để lại một đoạn dây dù xanh khoảng 5m và một vỏ chai nước uống.

Nhiều khả năng kẻ trộm cưa bằng cưa tay để tránh tiếng ồn, đoạn dây dù dùng để buộc cành và thân cây tránh việc cây đổ phát ra âm thanh lớn. Các cán bộ Đặng Văn Thạch, Nguyễn Hữu Bình và Trần Trung Hiếu (phòng Tổ chức hành chính) cùng ký văn bản trên.

Đây không phải là lần đầu tiên cây gỗ sưa quý hiếm bị chặt trộm ngay trong khuôn viên Trụ sở Vườn Quốc gia Tam Đảo.

Điều đáng nói là trụ sở vườn có mấy camera, trong đó camera an ninh ở cổng với bốt gác bảo vệ rất hiện đại. Hôm đó, trực bảo vệ là ông Nguyễn Hữu Bình.

Nhiều cán bộ Vườn liên tục liên lạc với phóng viên để thông tin về các dấu hiệu “bất thường” ở vụ việc này và các vụ việc tương tự.

Những người này cho biết hôm xảy ra vụ mất trộm có bảo vệ trực, có cán bộ “xem bóng đá” tại trụ sở rồi ngủ lại và đây không phải lần đầu tiên những cây sưa quý “toạ lạc” ngay trong khuôn viên trụ sở Vườn Quốc gia bị cưa trộm.

Theo biên bản và theo ghi nhận của PV, cây gỗ sưa đứng cận kề ngay Hội trường của Vườn, nhiều camera an ninh cách đó không xa, mà vẫn bị chặt!

Vài cán bộ sau khi làm việc trực tiếp với chúng tôi tại trụ sở, cho hay đã nhiều lần vườn bị mất gỗ sưa ngay tại trụ sở, trong khuôn viên được bảo vệ nghiêm ngặt.

Một nhóm cán bộ kể lần trước, có người còn nhìn thấy cả xe tải đến bốc gỗ đi với “người trong cuộc” có mặt tại hiện trường. Khi chúng tôi vào đề nghị làm việc, ông Bình, bảo vệ, từ chối trả lời nhiều câu hỏi về vụ việc. Ông Bình còn khẳng định đây là lần đầu trụ sở Vườn bị mất gỗ sưa, và cây vừa mất rất bé không đáng kể gì.

Liệu các cây sưa này có tiếp tục bị cưa trộm một cách “bí ẩn” và gây nhiều nghi kị nữa không?

Sau đó 1 ngày, cán bộ Vườn có họp bàn về vấn đề này, ý kiến tâm huyết vẫn nhấn mạnh việc không phải lần đầu tiên “lâm tặc” vào tận nơi có Hạt kiểm lâm chuyên nghiệp để đốn hạ cây gỗ sưa quý hiếm.

Đề nghị cơ quan điều tra khẩn trương vào cuộc làm rõ!