Sự ổn định của khí hậu trái đất phụ thuộc vào rừng Amazon

Là nơi có rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, lưu vực sông Amazon đóng vai trò thiết yếu trong việc điều hòa khí hậu khu vực và thậm chí toàn cầu. Vậy nó thực sự ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu như thế nào? Chúng ta hãy cùng xem một số nhận định khoa học.

Bao phủ hơn năm triệu km2 (hai triệu dặm vuông), tán nhiệt đới rậm rạp của Amazon lưu trữ lượng carbon lớn tương đương với 10 lần lượng carbon nhân loại thải vào khí quyển mỗi năm. Khoảng 20% rừng nhiệt đới Amazon đã biến mất trong nửa thế kỷ qua. Các vùng rừng bao phủ rộng lớn đã bị xóa sổ, chủ yếu để sản xuất gỗ, đậu nành, dầu cọ, nhiên liệu sinh học hoặc nuôi bò lấy thịt.

Đã có nhiều cảnh báo về tốc độ phá rừng đáng báo động ở Amazon.

Việc phá hủy liên tục các khu rừng nhiệt đới làm mất đi hàng chục nghìn km2 mỗi năm có thể biến phần lớn khu vực Amazon thành thảo nguyên khô cằn, kéo theo những tác động lớn đến khí hậu và đa dạng sinh học trên toàn thế giới, các chuyên gia cảnh báo.

Bể chứa carbon

Khi một cây bị chặt, carbon lưu trữ trong cây sẽ rò rỉ vào khí quyển dần dần còn khi cây bị đốt cháy, tất cả carbon lưu trữ thoát ra cùng một lúc. Dù theo cách nào, lượng carbon này cũng góp phần vào sự nóng lên toàn cầu.

Các khu rừng trên toàn cầu, và đặc biệt là rừng nhiệt đới, đã hấp thụ 25 đến 30% lượng khí carbon dioxide mà nhân loại thải vào khí quyển (các đại dương hấp thụ thêm 20%).
Nếu không có các “bể” CO2 này, nhiệt độ bề mặt Trái đất sẽ nóng hơn và nguy cơ nóng lên toàn cầu sẽ cao hơn nhiều.

Trong số khoảng 160.000 km2 cây che phủ nhiệt đới bị mất trên toàn thế giới vào năm 2017, 35% là ở Amazon và hơn 25% là ở Brazil, theo Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), một nhóm chuyên gia về chính sách môi trường.

“Các khu rừng nhiệt đới trên thế giới hiện đang trong tình trạng nguy kịch”, Frances Seymour, một thành viên quan trọng của WRI, nói với AFP vào đầu năm nay.

“Sức sống của hành tinh đang bị đe dọa. Với mỗi hecta bị mất, chúng ta ngày càng đến gần với những kịch bản biến đổi khí hậu nguy kịch hơn”.

“Lá phổi của trái đất” ?

Ngoài Brazil, có bảy quốc gia nằm trên lưu vực sông Amazon là Peru, Ecuador, Colombia, Venezuela, Guyana, Suriname và lãnh thổ hải ngoại Guiana thuộc Pháp. Rừng Amazon thường được mô tả là “lá phổi của hành tinh” và tạo ra một tỷ lệ oxy đáng kể trên thế giới, nhưng điều này không chính xác.

Ngoài việc thu giữ và lưu trữ carbon, rừng còn ảnh hưởng đến tốc độ gió, lượng mưa và sự hòa trộn của các hợp chất trong khí quyển. Nhà khoa học môi trường Jonathan Foley, giám đốc điều hành của Project Drawdown cho biết: “Có rất nhiều nguyên nhân khiến mọi người lo lắng về những vấn đề liên quan đến nạn phá rừng ở Amazon như khí hậu, nước, đa dạng sinh học và cuộc sống của con người, tuy nhiên oxy không phải là vấn đề chúng ta cần lo lắng”.

Mùa cháy

Trong nhiều thập kỷ qua, số lượng lớn các vụ hỏa hoạn trên khắp miền đông nam Brazil đã khiến các nhà lãnh đạo thế giới phải đối phó với tình trạng khẩn cấp thường kỳ vào thời điểm này trong năm.

Con số gần 150.000 vụ cháy ở Brazil tính đến năm 2019 vẫn ít hơn so với năm 2016. Từ năm 2002 đến 2010 có 5 năm số vụ cháy tháng 8 lên tới 200.000 vụ. Đỉnh điểm của “mùa cháy” là tháng 9, khi số lượng vụ cháy còn tăng hơn nữa.

“Có vẻ như nhiều vụ hỏa hoạn ở Amazon đang xảy ra trên vùng đất từng bị phá rừng”, Mikaela Weisse và Sarah Ruiz, tổ chức Bảo vệ rừng toàn cầu (Global Forest Watch) có trụ sở tại Washington DC, lưu ý trong một bài đăng trên blog trong tuần này.

Amazon cũng là nơi có một trong những quần xã đa dạng sinh vật và rộng lớn nhất của Trái đất, với hàng trăm loại thực vật được sử dụng trong các loại thuốc truyền thống và hiện đại.