Tuyên bố của Người dân bản địa và Cộng đồng địa phương về Báo cáo đặc biệt của IPCC

Ngay sau khi Báo cáo “Biến đổi khí hậu và đất đai” của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) được công bố, Mạng lưới các tổ chức cộng đồng và người bản địa từ 42 quốc gia, chiếm 76% diện tích rừng nhiệt đới thế giới và 1,6 tỷ ha đất đang được sử dụng hoặc quản lý bởi người dân bản địa và cộng đồng địa phương, đã đưa ra Tuyên bố với 5 nội dung chính và 6 khuyến nghị. Cụ thể:

“Cuối cùng, các nhà khoa học hàng đầu thế giới cũng nhận ra những gì chúng ta luôn biết.

Chúng tôi – những người dân bản địa và các cộng đồng địa phương – đóng một vai trò trọng yếu trong việc quản lý và bảo vệ các vùng đất và rừng trên thế giới. Lần đầu tiên, Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) mới được công bố đã công nhận rằng tăng cường quyền của chúng tôi là một giải pháp quan trọng cho cuộc khủng hoảng khí hậu.

Báo cáo chỉ rõ rằng công nhận các quyền của người bản địa, cộng đồng địa phương trên thế giới cùng phụ nữ trong các nhóm này là một giải pháp khí hậu có thể nhân rộng, và tất cả các tác nhân/bên liên quan nên hợp tác với chúng tôi trong các nỗ lực bảo vệ khí hậu. Kiến thức truyền thống và sự quản lý bền vững của chúng tôi với đất đai và rừng trên thế giới là chìa khóa để giảm phát thải toàn cầu, và hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng lên trong phạm vi 1,5oC vào năm 2030. Chúng tôi đã chăm sóc đất đai và rừng – và cả đa dạng sinh học – trong nhiều thế hệ. Với sự hỗ trợ phù hợp, chúng tôi có thể tiếp tục làm như thế cho các thế hệ mai sau.

Như IPCC đã công nhận, nhiều tài liệu khoa học đã chứng minh vai trò quan trọng của chúng tôi với tư cách là người bảo vệ các vùng đất và rừng trên thế giới, và dưới đây là bằng chứng:

1. Bảo đảm quyền sử dụng đất và tài nguyên cộng đồng là rất cần thiết để quản lý bền vững và bảo tồn rừng hiệu quả. Các khu rừng thuộc sở hữu hợp pháp và/hoặc được giao cho Người dân bản địa và cộng đồng địa phương sử dụng thường gắn với:

  • Tỷ lệ phá rừng và suy thoái rừng thấp hơn;
  • Giảm xung đột, giảm chiếm dụng bất hợp pháp và giảm thay đổi sử dụng đất/thay đổi diện tích đất ở quy mô lớn;
  • Phát thải các-bon thấp hơn và lưu trữ các-bon cao hơn;
  • Đầu tư nhiều hơn vào các hoạt động bảo vệ rừng;
  • Bảo tồn rừng và đa dạng sinh học tốt hơn;
  • Nỗ lực phục hồi rừng công bằng và bền vững hơn;
  • Nhiều lợi ích cho nhiều người hơn;
  • Hiệu quả xã hội, môi trường và kinh tế tốt hơn so với các khu rừng được quản lý bởi các thực thể công cộng hoặc tư nhân, kể cả các khu bảo tồn.

2. Chúng tôi quản lý ít nhất 22% (218 tỷ tấn) tổng lượng các-bon trong các khu rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới (bao gồm các nguồn trên mặt đất và dưới lòng đất)

  • Ít nhất 1/3 lượng các-bon này, thậm chí nhiều hơn hiện đang ở các khu vực mà chúng tôi chưa được công nhận chính thức quyền đất đai. Việc không công nhận quyền lợi của chúng tôi khiến các khu rừng của chúng ta dễ bị tổn thương trước các dự án hủy hoại môi trường, tàn phá rừng và thải ra lượng các-bon khổng lồ vào khí quyển.
  • Công nhận hợp pháp quyền sử dụng đất và hỗ trợ các sáng kiến ​​của chúng tôi là yếu tố sống còn đối với sự thành công của các nỗ lực toàn cầu nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu.

3. Đất của người dân bản địa giao với khoảng 40% tất cả các khu bảo tồn và hơn 65% các vùng sâu vùng xa ít người sinh sống nhất trên trái đất

  • Bảo vệ quyền của cộng đồng đối với các vùng đất họ quản lý theo luật tục là điều thiết yếu để bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn các hệ sinh thái bị đe dọa và khôi phục các vùng đất bị suy thoái trên thế giới.
  • Người dân bản địa và các cộng đồng địa phương bảo vệ đa dạng sinh học hiệu quả – và thường tốt hơn – các khu bảo tồn do nhà nước quản lý.
  • Sự đa dạng về văn hóa và sinh học được tích hợp sâu sắc: đảm bảo quyền đất đai là nền tảng cho việc chúng tôi quản lý bền vững tự nhiên, và hiển nhiên việc duy trì hệ thống kiến ​​thức truyền thống của chúng tôi là điều thiết yếu để bảo tồn đa dạng sinh học và quản trị môi trường hiệu quả

4. Tự do quản lý, thúc đẩy kiến ​​thức truyền thống và thích nghi với hoàn cảnh thay đổi của chúng tôi là điều cần thiết để hiện thực hóa một tương lai bền vững và chống chịu với khí hậu tốt hơn – nhất là thông qua sự lãnh đạo của phụ nữ bản địa và cộng đồng

5. Tuy nhiên, những đóng góp của chúng tôi đã bị xem nhẹ. Theo luật tục, người dân bản địa và các cộng đồng địa phương sở hữu hơn 50% đất đai trên thế giới nhưng các chính phủ chỉ chính thức công nhận quyền sở hữu của chúng tôi có 10%. Những người phụ nữ trong cộng đồng của chúng tôi – những người ngày càng đóng vai trò là những người lãnh đạo, quản lý rừng và trụ cột kinh tế, thậm chí càng ít khả năng được công nhận quyền

Ở nhiều nơi, cơ sở pháp lý đã sẵn sàng để công nhận các quyền: rừng cộng đồng được công nhận hợp pháp tăng 40% (150 triệu ha) trong 15 năm qua. Chúng ta có thể đẩy nhanh gấp đôi tiến độ đó và mang lại lợi ích cho 200 triệu người, nếu luật pháp hiện hành được thực hiện chỉ ở bốn quốc gia (Colombia, DRC, Ấn Độ, Indonesia).

Khoảng cách giữa các quyền hợp pháp và theo luật tục khiến bản thân chúng tôi và cả đất đai của chúng tôi dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa ngày càng tăng từ sản xuất công-nông nghiệp, khai khoáng, khai thác gỗ, và phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Và chúng tôi phải đối mặt với việc hình sự hóa và bạo lực ngày càng tăng đối với những nỗ lực bảo vệ Đất mẹ. Ít nhất 365 người bảo vệ quyền đất đai đã bị giết kể từ khi Thỏa thuận chung Paris được ký kết. Nhiều người khác phải hứng chịu bạo lực và bị truy tố pháp lý một cách bất công.

Ngược lại, nơi nào quyền của chúng tôi được tôn trọng, chúng tôi đưa ra giải pháp thay thế cho các mô hình kinh tế đòi hỏi phải đánh đổi giữa môi trường và phát triển. Kiến thức truyền thống và cái nhìn toàn diện về thiên nhiên cho phép chúng tôi nuôi sống thế giới, bảo vệ rừng và duy trì đa dạng sinh học toàn cầu. Hoàn toàn tôn trọng các quyền của chúng tôi và đặc biệt là quyền của phụ nữ bản địa và trong cộng đồng tương ứng với cơ hội lớn nhất của thế giới – về mặt diện tích và số người bị ảnh hưởng – để xúc tiến các mục tiêu phát triển và khí hậu toàn cầu.

Để tận dụng giải pháp mà chúng tôi đưa ra, chúng tôi kêu gọi các chính phủ, cộng đồng quốc tế và khu vực tư nhân tuân thủ ở mức cao nhất luật pháp quốc tế, các tiêu chuẩn và thực tiễn tốt nhất trong mọi hành động và đầu tư vào cảnh quan nông thôn. Với điều này, chúng tôi kêu gọi tất cả các bên:

  1. Công nhận hơn nữa quyền sử dụng đất và rừng của chúng tôi bằng cách tăng cường hỗ trợ cho các tổ chức xã hội bản địa, cộng đồng và xã hội dân sự để thực thi luật hiện hành và luật pháp tiến bộ có công nhận các quyền. Điều này bao gồm sự công nhận quyền của cộng đồng để quản lý đất đai của mình.
  2. Đảm bảo quyền đồng thuận trên nguyên tắc tự do, được thông tin trước và đầy đủ (FPIC) của chúng tôi như là một phần của chu trình cam kết liên tục cho bất kỳ hoạt động nào diễn ra hoặc ảnh hưởng đến đất đai theo luật tục của chúng tôi.
  3. Ưu tiên đầu tư song phương và đa phương vào các sáng kiến ​​do người bản địa và cộng đồng khởi xướng để giảm phát thải từ nạn phá rừng, tăng cường các nỗ lực bảo tồn và phục hồi dựa vào cộng đồng và cải thiện sử dụng đất bền vững. Tìm ra những cách mới để đảm bảo tài chính quốc tế cho giảm thiểu khí hậu đến được với cộng đồng ở cơ sở – những người có thể tận dụng tốt nhất nguồn tài chính này.
  4. Chấm dứt hình sự hóa và đàn áp người dân bản địa và cộng đồng địa phương bảo vệ đất đai, rừng và tài nguyên thiên nhiên.
  5. Phát triển quan hệ đối tác để kiến ​​thức truyền thống và kinh nghiệm thực tế của chúng tôi về quản lý đất đai và rừng để thành tài liệu những nỗ lực hiện tại và tương lai chống lại biến đổi khí hậu.
  6. Công nhận và hỗ trợ Quyền của phụ nữ bản địa và cộng đồng về sở hữu, quản lý và kiểm soát đất đai, rừng và tài nguyên – vốn là cơ sở cho sinh kế, phúc lợi cộng đồng và an ninh lương thực”.

Nhân Ngày Quốc tế Dân tộc bản địa Thế giới năm nay (9/8/2019) với chủ đề “Ngôn ngữ bản địa”, Tổ chức Asia Indigenous Peoples Pact (AIPP) cũng đưa ra Tuyên bố nhấn mạnh vai trò quan trọng của người bản địa châu Á trong việc gìn giữ khoảng 2.000 ngôn ngữ trong tổng số khoảng 7.000 ngôn ngữ trên toàn thế giới, đồng thời kêu gọi các quốc gia và toàn thế giới cấp thiết bảo tồn, phục hồi và thúc đẩy các ngôn ngữ bản địa trước nguy cơ mai một ngày càng lớn. Đặc biệt, “Chúng tôi từ chối quá trình đồng hóa đang diễn ra, di dời bắt buộc, nghèo đói, di cư bắt buộc, phân biệt đối xử và vi phạm nhân quyền của người bản địa, các quá trình gây nguy hiểm cho cuộc sống và ngôn ngữ của chúng tôi. Chúng tôi kêu gọi mọi người tôn vinh sự đa dạng của ngôn ngữ, hệ thống kiến thức và văn hóa được tích lũy bởi các ngôn ngữ trong hàng ngàn năm và sự đa dạng phong phú mà chúng mang lại cùng những đóng góp về sinh thái, kinh tế và văn hóa – xã hội cho loài người”, Gam A.Shimray, Tổng Thư ký AIPP nhấn mạnh.

Nhật Anh (Theo ipccresponse.org)

Nguồn: