10 năm, Cà Mau mất đất, mất rừng tương đương 1 xã vì sạt lở bờ biển

Tỉnh Cà Mau có hơn 250km bờ biển thì có đến 171km bị sạt lở và đang trong diện nguy cơ sạt lở, tức chiếm gần 70%. Sạt lở bờ biển mỗi năm làm Cà Mau mất đi từ 300 – 400 ha đất và rừng phòng hộ.

Khu vực sạt lở đê biển Tây tỉnh Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ

Ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, Cà Mau 3 mặt giáp biển, nhưng bờ biển nào cũng đang đối mặt với tình trạng sạt lở.

Thống kê trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, tình trạng sạt lở đã khiến tỉnh Cà Mau mất đất, mất rừng với diện tích tương đương diện tích bình quân một xã.

Trên 26.000 hộ dân ven biển cần được bảo vệ bởi hệ thống đê biển tỉnh Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ

Tuyến đê biển Tây tỉnh Cà Mau có chiều dài 108km, điểm đầu xuất phát từ kênh Tiểu Dừa, thuộc xã Khánh Tiến, huyện U Minh (giáp tỉnh Kiên Giang) và kết thúc tại Kênh Năm, thuộc xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân.

Tuyến đê biển này đi qua 3 huyện: U Minh, Trần Văn Thời và Phú Tân, với 10 xã và 2 thị trấn. Hiện nay, tuyến đê này đang bảo vệ cho khoảng 26.160 hộ dân sinh sống ven biển và gần 128.972ha đất sản xuất nông nghiệp, nuôi thuỷ sản; cấp nước mặn và tiêu thoát nước thải phục vụ nuôi thuỷ sản; ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng, xổ phèn phục vụ sản xuất nông nghiệp; khai thác tổng hợp và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên trong vùng nhằm bảo vệ hệ sinh thái môi trường, phát triển sản xuất, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

Nhiều đoạn đê biển Tây tỉnh Cà Mau không còn rừng ngập mặn bảo vệ. Ảnh: Nhật Hồ

Ông Bùi Văn Đông, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều, cho biết, qua khảo sát và quan trắc chiều dài bờ biển Tây, hiện có khoảng 89km bị sạt lở ở mức độ rất nghiêm trọng và nghiêm trọng. Nhiều vị trí không còn đai rừng phòng hộ, sóng biển tác động trực tiếp vào mái đê, rất nguy hiểm.

Đoạn đê từ vàm Đá Bạc đến bờ Bắc Kênh Mới là một trong những trọng điểm về sạt lở hiện nay. Trong khu vực này nhiều đoạn không còn đai rừng phòng hộ, sóng biển đánh trực tiếp vào mái đê, một số nơi cây rừng bật gốc nằm la liệt.

Giải pháp công trình được cho là hiệu quả, nhưng đòi hỏi phải có nhiều tiền để đầu tư vào đê biển tỉnh Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ

Ông Phạm Văn Tuyển, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết, cách đây 20 năm nhà có 4ha nuôi tôm, qua nhiều lần biển lở, 4ha đất nay nằm tuốt ngoài biển.

Tại khu vực biển Đông có tổng số hơn 142km chiều dài bờ biển hiện nay cũng đã có hơn 82km đang trong tình trạng sạt lở. Càng nguy hiểm hơn khi khu vực này chưa có đê, dù chỉ là đê đất.

Nhiều đoạn đê biển Tây còn lại rất ít cây rừng nên đê biển Tây gồng mình trước những cơn sóng đánh vào. Ảnh: Nhật Hồ

Ông Huỳnh Văn Xê, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng, cho biết, từ năm 2014 đến nay, có ít nhất hơn 500ha rừng phòng hộ bị mất do sạt lở, có nơi sạt lở sâu vào hơn 30m, như cửa Bồ Đề, Hóc Năng…

Dọc theo khu vực bờ biển Đông, hiện nay không khó để bắt gặp cây đước, mắm đủ kích cỡ nằm ngổn ngang, những căn nhà, trụ sở, chốt quản lý bảo vệ rừng, trạm kiểm soát của bộ đội biên phòng… bị bỏ hoang và xơ xác vì sóng biển, sạt lở.

Ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, rất khó để khôi phục lại những cánh rừng đã mất. Hiện tại tỉnh Cà Mau đưa ra nhiều giải pháp để bảo đê biển, bảo vệ dân, trong đó chú trọng đến giải pháp công trình và phi công trình. Tuy nhiên, với chiều dài  bờ biển lên đến 250km dù áp dụng giải pháp nào cũng cần có nguồn lực mà hiện tại tỉnh Cà Mau khó có thể bố trí vốn để thực hiện.