Ô nhiễm vây quanh vịnh Cửa Lục: Vịnh Hạ Long sẽ rơi vào “nguy hiểm”

Vịnh Cửa Lục nằm phía trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đang bị các nhà máy xi măng, nhiệt điện, các cảng than bủa vây. Nếu không kiểm soát được, vịnh Hạ Long vốn đang bị ô nhiễm sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm, bởi sự “trao đổi” nước giữa 2 vịnh là rất lớn.

Cảng bốc rót xi măng, clinker, than giữa vịnh Cửa Lục của Nhà máy xi măng Thăng Long. (Ảnh: Nguyễn Hùng)

Nhà mặt biển nhưng không dám mở cửa sổ

Các trụ sở làm việc của Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Ninh ở phường Hà Khánh, TP Hạ Long luôn trong tình trạng đóng kín cửa sổ, nhưng hành lang, bàn làm việc… luôn phủ một màu trắng bởi bụi xi măng, clinker của 2 nhà máy xi măng nằm phía bên kia bờ vịnh Cửa Lục, thuộc huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) và hệ thống cầu cảng bốc xúc của 2 nhà máy vươn ra giữa vịnh Cửa Lục.

Nhà máy xi măng Thăng Long xả khói bụi trong một lần được cho là gặp sự cố. (Ảnh: CTV)

Khi có tàu vào trả hoặc lấy hàng, khu vực giữa vịnh Cửa Lục mịt mù bụi trắng.

Các hộ dân thuộc huyện Hoành Bồ lại hứng chịu những trận khói bụi mịt mù từ 2 nhà máy xi măng và Nhà máy nhiệt điện Thăng Long – cũng nằm bên bờ vịnh Cửa Lục.

Cách đó không xa, nằm bên đôi bờ sông Diễn Vọng – một trong 6 con sông đổ ra vịnh Cửa Lục – là Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, có tổng công suất 1200 MW và hàng loạt cảng than luôn hối hả tàu ra vào.

Các cảng than dày đặc trên sông Diễn Vọng, cách vịnh Cửa Lục không xa. (Ảnh: Nguyễn Hùng)

Vịnh Cửa Lục còn chịu áp lực từ những khai trường than lớn trên cao tại phường Hà Khánh. Mỗi khi mưa lớn, than trôi đen các con suối đổ ra vịnh.

Phía bên bờ vịnh thuộc phường Bãi Cháy các hoạt động sản xuất còn lớn hơn, với sự hiện diện của cảng xăng dầu thuộc diện lớn nhất cả nước, cảng Cái Lân, nhà máy sản xuất dầu ăn…

Cảng bốc rót xi măng, clinker của Nhà máy nhiệt điện Hạ Long vươn gần tới cảng Cái Lân. (Ảnh: Nguyễn Hùng)

Vịnh Cửa Lục bị mất 40% diện tích

Chưa có báo cáo đánh giá chính thức về tác động của các hoạt động sản xuất kinh doanh xung quanh đối với vịnh Cửa Lục, nhưng các chuyên gia về di sản lo ngại cho số phận của khu vực có liên quan trực tiếp tới vịnh Hạ Long.

Theo ông Nguyễn Chu Hồi – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục biển và hải đảo – vịnh Cửa Lục là nơi 6 con sông từ đầu nguồn đổ ra nên có sự tương tác, trao đổi nước rất lớn với vịnh Hạ Long. Vì thế, vịnh Hạ Long sẽ phải gánh tất cả rác nếu vịnh Cửa Lục không xử lý tốt.

“Chúng tôi có chuyến khảo sát và thấy vịnh Cửa Lục đã trở thành “vành đai nâu”. Nhiều chỗ trước đây trong xanh, giờ nông và đục. Ước tính, diện tích vịnh Cửa Lục đã giảm khoảng 40%”, ông Hồi cho biết.

Cầu Bãi Cháy phân định giữa vịnh Hạ Long và vịnh Cửa Lục. (Ảnh: Nguyễn Hùng)

Hiện, phía bên phường Cao Xanh, Hà Khánh của Hạ Long và xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ đang được các đơn vị thi công đổ đất lấn vịnh.

Theo báo cáo hiện trạng hệ sinh thái rừng ngập mặn khu vực vịnh Hạ Long – Bái Tử Long và vùng phụ cận do một cơ quan có uy tín thực hiện.

Tính đến năm 2017, diện tích rừng ngập mặn khu vực bắc vịnh Cửa Lục – cầu Bang đã giảm gần 160 ha so với năm 2013. Không chỉ có vậy, chất lượng rừng cũng ngày một kém đi do quá trình san lấp khiến nền đáy bùn có độ sét cao.

Những con suối đổ thẳng ra vịnh Cửa Lục đầy than trôi sau mỗi trận mưa lớn. (Ảnh: Nguyễn Hùng)

“Rừng ngập mặn như một lá chắn, kháng thể, có tác dụng gạn đục, khơi trong cho vịnh. Tuy nhiên, rừng ngày càng bị thu hẹp, trong khi các hoạt động lấn biển, sản xuất xung quanh chưa có biện pháp xử lý tốt” – ông Trương Quốc Bình – người từng trực tiếp tham gia làm hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới – lo lắng.

Cần thay đổi chức năng của vịnh Cửa Lục

Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký, trong đó lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, ông Nguyễn Chu Hồi cho rằng nên chuyển đổi chức năng của vịnh Cửa Lục hiện nay là công nghiệp, cảng, nhà máy thành một đô thị sinh thái. Cảng Cái Lân nên thành cảng du lịch dành cho thuyền buồm…, chuyển các nhà máy, các KCN đi chỗ khác. Những chỗ lấp đi, nếu cần thiết thì nên đào trả lại và có thể trồng lại rừng ngập mặn.