GS. TS. Đào Xuân Học: “Hồ sinh thái” – giải pháp chủ động giảm úng ngập, sạt lở và lún sụt đất

Trò chuyện với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, GS.TS Đào Xuân Học – Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng: Một trong những giải pháp để chủ động giảm thiểu úng ngập, sạt lở và lún sụt đất ở Đồng bằng sông Cửu Long là cần xây dựng nhiều hồ sinh thái.

PV: Để đáp ứng được yêu cầu trước mắt và lâu dài trong quản lý lũ, chống nước biển dâng, kể cả đối với bài toán cực đoan, ĐBSCL cần giải quyết những thách thức gì, thưa ông?

GS.TS Đào Xuân Học: Qua nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy về những thách thức đối với vùng ĐBSCL, tôi cho rằng, một trong những nguyên nhân đó là việc quản lý, hạn chế việc khai thác nước ngầm ở đồng bằng và các đô thị chưa tốt. Nước ngầm không chỉ đảm bảo cho phát triển bền vững mà nó đã trở thành vấn đề sống còn của đồng bằng và các đô thị. Giải quyết cấp nước ngọt chủ động cho các vùng sản xuất ven biển là nhiệm vụ cấp thiết, ở vùng xa nguồn cấp nước ngọt, việc nghiên cứu các giải pháp trữ nước là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, vấn đề đô thị hoá và công nghiệp hóa tạo thêm sức ép về gia tăng dân số, vấn đề môi trường, nhu cầu khai thác nước ngầm, lún sụt đất, kéo theo úng ngập trong các thành phố gia tăng… Để bảo vệ tính mạng người dân, tạo tiền đề cho phát triển bền vững dải ven biển, tôi cho rằng, rất cần có một chiến lược và giải pháp đồng bộ nhằm phòng tránh các thiên tai như: nước biển dâng, bão lớn, siêu bão và sóng thần, kết hợp tạo được ranh mặn ngọt, xây dựng đường cấp và đường thoát nước riêng biệt, chủ động trong cấp nước mặn và cấp nước ngọt, tiến tới dừng việc khai thác nước ngầm – nguyên nhân chính gây sụt lún đất.

PV: Nếu cần một giải pháp căn cơ hơn cho vấn đề này, là một trong những chuyên gia hàng đầu cả nước về thủy lợi, ông có sáng kiến hay giải pháp gì đề xuất với Chính phủ?

GS.TS Đào Xuân Học: Để giải quyết vấn đề này, tôi nhắc lại nguyên nhân sạt lở và sự biến động ở ĐBSCL. Nguyên nhân đầu tiên cần kể đến đó là sự thiếu hụt phù sa về đồng bằng. Với 144 hồ chứa thủy điện được xây dựng trong lưu vực sông Mê Kông, theo dự báo của nhiều chuyên gia, khoảng 60 – 70% lượng phù sa và bùn cát sẽ lắng đọng ở lòng hồ.

GS.TS Đào Xuân Học – Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT. (Ảnh: Hoàng Minh)

Cùng với sự thiếu hụt phù sa từ thượng nguồn về là nhu cầu cát cho san lấp nền và xây dựng gia tăng dẫn đến sự mất cân bằng nghiêm trọng bùn cát ở hạ lưu sông, ven bờ biển ngày càng nghiêm trọng và kéo theo nhiều hệ lụy. Đầu mùa mưa lũ, lưu lượng của dòng sông tăng dần, kéo theo sự gia tăng của vận tốc dòng chảy trong sông, lòng sông bị xói sâu dần, nhiều nơi tạo ra các thủy vực.

Cuối mùa mưa lũ, dòng lũ trong sông giảm dần, kéo theo vận tốc dòng chảy giảm, lượng bùn cát lắng đọng dần làm cho lòng sông nâng lên, đặc biệt, các thủy vực được tạo trong mùa lũ cũng được bồi lấp đầy hoặc một phần.

Khi sông có nhiều bùn cát, vào nửa đầu mùa lũ tuy vận tốc dòng chảy trong sông tăng, nhưng vận tốc cho phép gây xói của sông cũng gia tăng (cùng loại đất ở bờ sông và lòng sông, nhưng hàm lượng bùn cát trong dòng chảy tăng, vận tốc gây xói cho phép cũng gia tăng), nên mức độ gây xói và tạo các thuỷ vực ở mức độ có thể tạo ra trạng thái cân bằng như nó vốn có. Nay, bị thay đổi hoàn toàn theo hướng bất lợi, cùng với việc khai thác cát quá nhiều và thiếu khoa học (tạo cho dòng chảy tập trung về phía bờ cong) dẫn đến việc xói lở ngày càng gia tăng.

Tổng dung tích của 144 hồ ở thượng nguồn chiếm khoảng 26% tổng lượng dòng chảy bình quân nhiều năm của sông Mê Kông, làm cho lưu lượng dòng chảy trung bình mùa lũ giảm. Những năm lũ trung bình và lũ nhỏ sẽ gần như không còn lũ, lưu lượng dòng chảy trung bình mùa kiệt sẽ tăng. Nhưng lưu lượng dòng chảy lũ lớn nhất vẫn tăng cao, lưu lượng dòng chảy kiệt nhỏ nhất vẫn sẽ giảm, mùa kiệt sẽ đến sớm hơn.

Mỗi con sông có một lưu lượng tạo lòng, là lưu lượng tạo ra kích thước mặt cắt lòng sông. Lưu lượng tạo lòng là lưu lượng bình quân mùa lũ trong nhiều năm, nay lưu lượng tạo lòng của con sông bị thay đổi, theo quy luật lòng sông sẽ thay đổi để tạo ra một cân bằng mới.

Tuy vậy, do chế độ dòng chảy trong sông không còn là quy luật tự nhiên và phụ thuộc nhiều vào chế độ vận hành của các hồ chứa ở thượng nguồn cùng với sự giảm đột biến về phù sa, nên một sự cân bằng mới rất khó được thiết lập, diễn biến xói lở sẽ còn rất phức tạp.

Bên cạnh đó, ĐBSCL là một đồng bằng trẻ, đất mềm yếu, kết cấu đất và nền móng lỏng lẻo rất dễ gây xói lở, tạo ra các thủy vực và sạt lở. Sóng cơ học từ các tàu thuyền máy chạy với mật độ và tốc độ cao gây tác động vào bờ; thói quen và tập quán của người dân ĐBSCL sống gần sông nước, ven sông rạch cũng là nguyên nhân làm gây ra sạt lở… Tôi cho rằng, để giải quyết vấn đề này cho ĐBSCL cần xây dựng nhiều hồ sinh thái ở các tỉnh trong khu vực.

Trong hơn 20 năm qua, lượng mưa ngày lớn nhất ở khu vực TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL đã gia tăng ở mức rất đáng quan tâm. Ở TP.HCM, lượng mưa trận trên 100 mm ở thập niên 50 là 0 trận, thập niên 60 là 1 trận, lên 2 trận ở thập niên 70 và 80, rồi tăng lên đáng kể ở thập niên 90 với 4 trận và tăng đột biến ở thập niên 2000 với 11 trận, trong những năm gần đây đã xuất hiện nhiều trận mưa lớn mà lịch sử chưa xuất hiện.

Lượng mưa/trận ở TP.HCM và ĐBSCL với tần suất 5 và 10% ở tất cả các trạm đều gia tăng từ 10 – 20 mm so với trước 1990, tương đương với mức thay đổi 9 – 17,5%. Nếu diện tích ao hồ là 10%, những trận mưa lớn 90 – 120 mm/giờ, sau khi thấm chảy toàn bộ vào hồ thì mực nước ở hồ cũng chỉ dâng lên khoảng 1 m, không thể gây ngập cho khu đô thị, quy mô hạ tầng tiêu thoát giảm vốn đầu tư. Hạ tầng khu đô thị cũ không bị quá tải, thích ứng được sự gia tăng lượng mưa do tác động từ biến đổi khí hậu.

PV: Ông có thể giải thích rõ hơn về công năng, tác dụng của hồ sinh thái đối với ĐBSCL?

GS.TS. Đào Xuân Học: Thiếu hụt bùn cát ở hạ lưu các con sông trên thế giới trong giai đoạn đang phát triển dường như là một quy luật tất yếu. Để thay đổi quy luật đó, cần có sự vào cuộc của Chính phủ trong việc chỉ đạo xây dựng những quy định, cơ chế, chính sách và sự phối hợp của các Bộ, ngành trong việc cấp phép và quản lý khai thác cát.

Chúng tôi muốn đi sâu phân tích việc đề xuất xây dựng cơ chế đạt được nhiều mục tiêu, hướng tới xây dựng những khu đô thị và những làng sinh thái. Tôi cho rằng, nếu mỗi khu đô thị dành quỹ đất 10% để xây dựng hồ sinh thái chúng ta sẽ đạt được nhiều mục tiêu.

Một là, những hồ sinh thái có diện tích chiếm 10% quỹ đất, được đào sâu 5 – 6 m chúng ta sẽ có khối lượng đất để nâng cao nền khoảng 60 – 70cm, dường như không cần lấy thêm cát san nền từ sông. Một khu đô thị có nhà chung cư cao bình quân là 5 tầng, diện tích xây dựng 30 – 40% tổng diện tích, cát san nền chiếm khoảng 80%, cát xây dựng chỉ chiếm khoảng 20%. Điều này giảm ngay áp lực về nhu cầu cát và khai thác cát, kéo theo sự giảm mất cân bằng bùn cát, giảm sạt lở ven sông, kênh và ven biển.

Hai là, những hồ chứa nước là những hồ sinh thái, cải tạo vi khí hậu cho khu vực đô thị. Mọi người dân sẽ đồng tình vì ai cũng mong muốn được sống ở những khu vực xung quanh hồ nước. Những nhà đầu tư bất động sản cũng sẽ không thiệt hại, vì giá trị mảnh đất sẽ tăng thêm, hạ tầng tiêu thoát, tôn nền nhà, nền đường sẽ giảm vốn đầu tư và trong thực tế đã có nhiều khu đô thị tự làm việc này như Ecopark, Vinhome Riverside, đặc biệt khu đô thị Sài Gòn Bình Anh đã dành trên 22% tổng diện tích để đào hồ sinh thái…

Ba là, giải quyết vấn đề úng ngập do mưa, và vấn đề lún sụt đất ở các đô thị là một nhu cầu bức bách ở các thành phố thuộc khu vực ĐBSCL. Theo tính toán hiện tại chỉ cần có diện tích hồ ở mức 4% diện tích khu đô thị để chứa lượng mưa gia tăng là phù hợp với hạ tầng hiện có và đủ để chống ngập úng.

Xây dựng nhiều hồ sinh thái để chủ động giảm thiểu úng ngập, sạt lở và lún sụt đất ở Đồng bằng Sông Cửu Long. (Ảnh: MH)

Bốn là, nước sinh hoạt cho các đô thị ở khu vực ĐBSCL chủ yếu lấy từ nguồn nước ngầm, do việc khai thác quá mức đã gây nên tình trạng lún sụt đất ở các đô thị. Việc hình thành các bể trữ nước mưa dùng để cấp nước sinh hoạt sẽ đem lại nhiều lợi ích như giảm khai thác nước ngầm – nguyên nhân gây lún sụt đô thị và chất lượng nước mưa nếu hệ thống thu gom tách với nước thải rất tốt.

Khả năng thu nước mưa bình quân trên 1 ha đất ở khu vực ĐBSCL theo tính toán vào khoảng 12.718 m3/năm, dao động từ 9.062 (Châu Đốc) đến 17.038 m3/năm (Cà Mau). Để đảm bảo thu gom đủ nước mưa tại chỗ phục vụ cấp nước sinh hoạt cả năm cho khu dân cư ứng với tần suất P95%, với tiêu chuẩn 150 lít/người/ngày và mật độ dân cư ở mức 30 – 49 m2/người, cần dung tích bể chứa nước từ 2.300 – 4.800 m3 cho 1 ha khu dân cư.

Nếu bể chứa có chiều sâu 5m, diện tích chiếm đất của bể so với khu dân cư vào khoảng 4 – 6,5%. Những khu đô thị yêu cầu có mật độ cao gấp rưỡi đến 2 lần, chúng ta cần diện tích dành cho bể chứa từ 7 – 10%, ngoài ra, chúng ta có thể kết hợp khai thác thêm một phần nước ngầm dưới ngưỡng cho phép.

Năm là, do khác thác nước ngầm quá mức để cấp nước sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản, dẫn đến sự hạ thấp mức nước ngầm ở các đô thị và ở ĐBSCL ở mức 70 cm/năm là rất nghiêm trọng, hậu quả của nó là kéo theo việc lún sụt đất ở các đô thị và vùng đồng bằng ven biển ở mức 2 – 3 cm (gấp 5 lần tốc độ nước biển dâng) là một trong những nguyên nhân gây nên úng ngập các đô thị ở ĐBSCL và TP.HCM.

Các hồ sinh thái, ngoài việc lấy đất để tôn nền, chứa nước để cải tạo vi khí hậu, chống úng ngập và cung cấp nước sinh hoạt, còn là nơi bổ cập nước ngầm, chống lún sụt đất ở đồng bằng. Đặc biệt quan trọng đối với những đô thị ven biển thiếu nước ngọt.

Sáu là, sau khi có các hồ điều hòa phục vụ tiêu thoát nước cho các khu đô thị, áp lực về nâng chiều cao đắp nền sẽ giảm, nhu cầu đất san lấp giảm. Tuy vậy, vẫn rất cần có những quy định từ các địa phương về cốt nền cho các vùng trong các đô thị, để tránh tình trạng khu đô thị sau có cao độ cao hơn khu đô thị trước như một cuộc chạy đua.

Bảy là, nếu sử dụng 50% diện tích hồ để bố trí năng lượng mặt trời thì nguồn điện năng thừa cung cấp cho toàn bộ khu dân cư của đô thị…

PV: Như vậy, nếu mỗi địa phương có một vài hồ sinh thái, sẽ giải quyết khá tốt vấn đề chống sạt lở và phòng chống thiên tai góp phần phát triển bền vững ĐBSCL, thưa ông?

GS.TS. Đào Xuân Học: Tôi cho là như vậy. Với mục tiêu lấy đất để san lấp mặt bằng chúng ta cần dành quỹ đất đào hồ 10%; với mục tiêu là hồ sinh thái để cải tạo vi khí hậu, dành quỹ đất càng nhiều càng tốt; nhưng tối thiểu không nên thấp hơn 5 – 7%; với mục tiêu xây dựng hồ điều hòa để chống úng ngập cho khu đô thị cần dành quỹ đất không được nhỏ hơn 4%, với mục tiêu cấp nước sinh hoạt, tuỳ theo mật độ dân cư mà chúng ta cần dành quỹ đất 5 – 10%.

Đối với các làng sinh thái, chúng ta có thể học tập mô hình những ngôi nhà cổ của các làng cổ vùng Đồng bằng sông Hồng. Mỗi gia đình có một chiếc ao, lấy đất để tôn nền nhà; chống úng ngập; ao chứa nước để điều hoà không khí, tạo sự mát mẻ; ao để rửa, để tưới rau ở vườn; ao để nuôi cá, ao dùng nuôi bèo, trồng khoai để nuôi lợn. Bèo và cá lại có tác dụng làm sạch nước trong ao. Ngoài ra, còn làm dàn trồng các loại quả leo, nuôi vịt… Đó là một mô hình tự cung, tự cấp rất bền vững. Trong giai đoạn phát triển, chúng ta không cần phải theo các mô hình tự cung tự cấp như vậy, nhưng có thể căn cứ vào mô hình đó để rút ra được nhiều bài học, nhằm xây dựng được những làng sinh thái theo mô hình mới. Tất nhiên, để làm được việc đo, chúng ta phải thực hiện quy hoạch bài bản, cần có sự vào cuộc và sự phối hợp giữa các Bộ, ngành.

Tóm lại, nếu chúng ta có yêu cầu bắt buộc trong quy hoạch các khu đô thị mới phải dành quỹ đất 10% cho việc xây dựng hồ sinh thái, chúng ta sẽ đạt được rất nhiều mục tiêu ở các đồng bằng trũng thấp, đặc biệt ở Đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL, chúng ta sẽ có nhiều đô thị và làng sinh thái thích ứng với BĐKH và những tác động từ thượng nguồn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!