Hành động nhanh để chống sạt lở

Những năm qua, do tác động tiêu cực của phát triển kinh tế – xã hội và biến đổi khí hậu – nước biển dâng, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tiếp xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển nghiêm trọng, phạm vi và quy mô ngày càng lớn, uy hiếp đến tính mạng, tài sản, cơ sở hạ tầng của nhà nước và nhân dân. Điều này đang đặt ra thách thức trong triển khai nhanh các kế hoạch hành động toàn diện cả về quản lý và kỹ thuật, cũng như huy động sự tham gia của toàn xã hội.

Khó khăn trong xử lý sạt lở bờ sông. Ảnh: MH

Khó khăn trong xử lý sạt lở

Toàn vùng ĐBSCL hiện có 562 điểm sạt, xói lở với chiều dài 786 km. Trong đó, có 513 điểm/520 km bờ sông và 49 điểm/266 km bờ biển. Tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển giờ không chỉ diễn ra trong mùa lũ mà ngay cả trong mùa khô, đe dọa trực tiếp đến an toàn của nhiều khu dân cư và công trình hạ tầng ven sông, ven biển, nhất là tại An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau và Bạc Liêu. Trước đây, chỉ có bờ biển phía Đông bị xói lở, mấy năm gần đây, bờ biển Tây phía vịnh Thái Lan cũng đã bị xói lở do sông Cửu Long không còn phù sa để bồi đắp.

Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, trong đó, nghiêm trọng nhất là tác động từ các hồ chứa thượng nguồn đã, đang và sẽ làm gia tăng các biến động bùn cát (với tốc độ khoảng 5%/ năm từ năm 2012 trở lại đây) trên các tuyến sông và vùng ven biển gây mất ổn định lòng, bờ sông và xâm thực bờ biển. Tình trạng khai thác cát quá mức trên các tuyến sông, ven biển đi kèm với gia tăng các phương tiện vận tải thủy cũng làm trầm trọng hơn quá trình cạn kiệt bùn cát và gia tăng nguy cơ sạt lở.

Sự phát triển nhanh chóng của vùng kéo theo nhu cầu về nhà ở (mỗi năm người dân vùng ĐBSCL cần thêm 18 triệu m2 nhà ở), nước sạch. Nhu cầu tăng nên nhiều hộ “liều mình” cất nhà trên sông rạch làm tăng tải trọng bờ sông, tình trạng hút nước ngầm diễn ra phổ biến làm gây sụt lún làm tăng nguy cơ sạt lở để những năm gần đây rừng ngập mặn vùng ĐBSCL đã bị suy giảm nghiêm trọng, chủ yếu do vùng bãi bị sạt lở và giao rừng để nuôi trồng thủy, hải sản, tập trung phần lớn tại các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Về lâu dài, tác động từ thời tiết bất thường do biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng là mối đe dọa tăng khả năng gây xói lở bờ biển, vùng cửa sông ven biển và suy thoái rừng ngập mặn ven biển.

Nhiều đề tài khoa học, dự án thử nghiệm cả trong nước và quốc tế đã được nghiên cứu áp dụng nhằm đề xuất các giải pháp phù hợp để xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển. Dù vậy, theo đánh giá của Vụ Kiểm soát An toàn thiên tai (Bộ NN&PTNT), hiện nay, việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật ở vùng ĐBSCL còn nhiều điểm hạn chế. Trong đó, việc một số công trình áp dụng giải pháp kỹ thuật chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên hoặc chưa bám sát các quy định về tiêu chuẩn thiết kế, thi công nên đã bị hư hỏng, hoặc không đạt được mục tiêu đề ra.

Về phòng chống sạt lở bờ sông, hầu hết các công trình được thực hiện tại những khu vực đã bị sạt lở theo hướng “hỏng đâu làm đấy”, thiếu kế hoạch dài hạn, căn cơ cho toàn hệ thống sông, kênh, rạch trong vùng. Còn tại bờ biển, kè chống sóng và một số tuyến kè bảo vệ bờ chưa phù hợp, quy mô công trình khá lớn, song diện tích bảo vệ còn hạn chế và ảnh hưởng đến tàu thuyền qua lại. Việc tính toán và bố trí tường hắt sóng tại những công trình chưa phù hợp, gây hư hỏng khi thường xuyên chịu tác động của sóng…

Huy động nguồn lực ứng phó

Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL đã xác định, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của vùng trong những năm tới. Để hiện thực hóa chủ trương này, năm 2018, ngoài việc bố trí ngân sách theo kế hoạch hằng năm để các địa phương xây dựng công trình phòng chống sạt lở, Chính phủ đã hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để xử lý 29 điểm cấp bách sạt lở bở sông, bờ biển thuộc 13 tỉnh/thành phố ĐBSCL.

Hiện, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hỗ trợ xử lý sạt lở 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 và 36 triệu USD từ dự án WB, ADB… Ngoài ra, 35 dự án xử lý sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển cũng đang được thực hiện với sự phối hợp của các tổ chức quốc tế hỗ trợ các tỉnh ĐBSCL. Trong đó, nguồn vốn Chương trình mực tiêu biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh là 6.585 tỷ đồng cho 31 dự án và nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới là 980 tỷ đồng cho 5 dự án. Bên cạnh đó, 24 dự án xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển và trồng rừng ngập mặn cho các tỉnh ĐBSCL với số vốn 1.635 tỷ đồng đã được đưa vào đề xuất điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020. Theo các chuyên gia, Nghị quyết 120 đã tạo cơ chế, và công việc tiếp theo là cần huy động nhiều nguôn lực thực hiện các giải pháp căn cơ, bền vững hơn.

Trong vấn đề hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất của ĐBSCL, Nghị quyết 120 đã nhấn mạnh cần kiểm soát và hạn chế việc xây dựng các điểm dân cư tập trung tại các vùng sát bờ kênh rạch, sông có nguy cơ cao sạt lở nhằm tránh rủi ro, dành không gian thoát lũ để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, về lâu dài, khi xây dựng phương án chỉnh trị sông cần tập trung xử lý các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm kết hợp bố trí lại dân cư vùng ven sông, ven biển.

Đồng thời, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển trên phạm vi toàn quốc, bao gồm việc lập bản đồ các vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Công tác quản lý bờ sông, kênh rạch, bờ biển, giảm tác động gây xói lở phải được thực hiện theo hướng quản lý tổng hợp, dành không gian thoát lũ, làm đường giao thông… Cùng với đó, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch, xói lở bờ biển, lún sụt đất, trồng và phục hồi rừng ngập mặn.

Nguồn: