Cần sớm công bố kết luận thanh tra việc tăng giá điện

Ngày 30/5, Quốc hội (QH) thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019. Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

oàn cảnh phiên họp Quốc hội ngày 30/5.

“Vài bộ phận nhỏ làm vấy bẩn bức tranh toàn cảnh” 

Phát biểu tại phiên họp, nhiều Đại biểu QH (ĐB) bày tỏ hài lòng với những kết quả phát triển KT- XH thời gian qua. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn An Giang) vẫn băn khoăn: “Chúng ta có thể có nhiều chính sách vĩ mô tốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng những bức xúc hàng ngày của người dân lại chưa được giải quyết hợp lý, nhanh chóng.

Chính vì vậy, những cố gắng của cả một hệ thống bị một vài bộ phận nhỏ làm vấy bẩn. Ví dụ như vụ gian lận thi cử xảy ra tại một số địa phương tại kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018”.

Về vấn đề giá điện, giá xăng dầu, ĐB Hiếu cho biết: “Bộ Công Thương đã có tờ trình về tình hình điều hành giá điện, giá xăng với gần 20 trang với 100 phụ lục, rất nhiều con số lập luận để khẳng định Bộ làm đúng.

Tuy nhiên, khi nhiều người dân phản ứng, bức xúc thì Bộ Công Thương cần nghiêm khắc rà soát, rút kinh nghiệm về phương pháp tiến hành, cách thức quản lý, giám sát và tuyên truyền trong thời gian qua và trong việc điều hành giá điện, giá xăng dầu. Phải chăng, nguồn gốc sâu xa là do sự độc quyền, không có sự cạnh tranh của ngành điện trong việc mua bán truyền tải điện?”.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận) cũng cho hay, người dân ủng hộ chủ trương chung về giá điện nhưng điều họ cần là sự công bằng, minh bạch và hợp lý, tuy nhiên kỳ tăng giá điện vừa qua có nhiều mập mờ cần phải làm rõ.

“Người dân hoàn toàn có lý khi nghi ngờ việc tăng giá điện chỉ 8,36% như doanh nghiệp (DN) công bố là không chuẩn xác khi số tiền điện họ phải trả theo hóa đơn thực tế trong tháng đầu tiên từ lúc tăng giá điện nhiều gấp đôi, gấp 3, không phải họ không biết việc sử dụng điện tăng lên do thời tiết nắng nóng”, ĐB nói và đề nghị cho công bố kết luận của Thanh tra Chính phủ để thấy bức tranh đầy đủ về “một DN độc quyền như EVN”.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Đoàn Bình Thuận) đề nghị Chính phủ sớm công bố kết luận thanh tra việc tăng giá điện vừa qua có đúng quy định hay không, nếu sai thì xử lý ra sao để cử tri, nhân dân cả nước biết. Khi tăng giá điện, chắc chắn kéo theo tăng giá các mặt hàng, nhất là vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất gây bức xúc trong nhân dân. Đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục, phòng ngừa hiện tượng tăng giá “tát nước theo mưa”.

ĐB Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đắk Lắk) thì thể hiện trăn trở về việc chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa thoái vốn theo đúng kế hoạch, còn giữ cổ phần chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn…

Ngoài những nguyên nhân khách quan thì có nguyên nhân chủ quan là kỷ cương, kỷ luật trong việc thực thi chính sách pháp luật chưa nghiêm; còn tình trạng “lợi ích nhóm”, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cơ cấu lại cổ phần hóa DN, thoái vốn, gây bức xúc trong dư luận; việc xác định xử lý trách nhiệm đối với cá nhân để xảy ra sai phạm chưa kịp thời…

Xử lý vi phạm hành chính trở thành câu chuyện hài hước 

Bày tỏ sự đau lòng trước các vụ án tham nhũng, kinh tế được phanh phui đã làm thất thoát cho Nhà nước hàng ngàn, chục ngàn tỷ đồng, ĐB Nguyễn Quốc Hận cho rằng, ngoài các chế tài nặng thì việc thu hồi tài sản thất thoát là nội dung hết sức cần thiết và có tính răn đe cao trong công tác phòng chống tham nhũng, chống được tư tưởng “hy sinh đời bố” khi chỉ ở tù vài chục năm nhưng gia đình, vợ con được sống an nhàn, sung túc cả đời.

Đánh giá trật tự, an toàn xã hội có chuyển biến tích cực nhưng ĐB Nguyễn Thị Xuân (Đoàn Đắk Lắk) nêu hàng loạt mối quan tâm, lo lắng, bức xúc của cử tri và nhân dân như: huy động vốn trá hình, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê; tình trạng mua bán, vận chuyển ma túy, sử dụng chất gây nghiện của thanh thiếu niên, các vụ trộm cắp, cướp tài sản, giết người man rợ trong đó có nhiều vụ trọng án mà nguyên nhân phần lớn từ người nghiện ma túy gây ra… gia tăng. Các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp nhưng cử tri băn khoăn mức xử phạt với loại tội phạm trên chưa đủ sức răn đe.

Liên quan đến tình hình an ninh trật tự, ĐB Tạ Văn Hạ (Đoàn Bạc Liêu) cho biết, cử tri và nhân dân cảm thấy lo lắng, bất an khi ít tháng đầu năm 2019 đã xảy ra hàng loạt vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng, thương tâm liên quan đến ma túy, “ngáo đá”. Vậy, Chính phủ có giải pháp nào căn cơ, hiệu quả hơn giải pháp đó, có thể như bản cam kết trước cử tri và nhân dân về quyết tâm đẩy lùi vấn nạn này?

Chỉ ra những bất cập trong việc xử lý vi phạm hành chính, ĐB Võ Thị Như Hoa  (Đoàn Đà Nẵng) cho biết: “Thời gian qua, báo chí, phương tiện truyền thông phản ánh nhiều vụ xử lý vi phạm hành chính ở một số lĩnh vực như câu chuyện hài hước trong xã hội. Các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính ở một số lĩnh vực có nhiều bất cập. Nhiều hành vi vi phạm mới nhưng không có quy định để xử lý. Vì vậy, đề nghị QH tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017, Luật Xử lý vi phạm hành chính… cho phù hợp thực tế.

Giải trình cuối phiên thảo luận chiều 30/5 về việc tăng giá điện, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trên cơ sở các yếu tố đầu vào, chi phí…, EVN và Bộ Công Thương đã đưa ra 3 kịch bản nhưng trên cơ sở cân nhắc, thảo luận kỹ, Thường trực Chính phủ đã chọn mức tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 8,36% từ ngày 20/3. Nếu điều chỉnh muộn hơn, hoặc giữa năm hoặc sau tháng 7, thì tỉ lệ sẽ phải cao hơn.

Về nguyên nhân tăng giá điện trong tháng 4, Phó Thủ tướng cho biết, theo báo cáo bước đầu của Bộ Công Thương, sơ bộ có 3 nguyên nhân: Một là, chúng ta điều chỉnh giá điện tăng; Hai là, số ngày ghi công tơ điện của tháng 4 nhiều hơn tháng 3 là 3 ngày; Ba là, nhu cầu điện tăng cao do nắng nóng bất thường. Kết quả kiểm tra sơ bộ cho đến nay cho thấy cách tính và thu tiền điện của EVN chưa phát hiện sai phạm gì.