Sẽ có bản đồ bảo vệ môi trường trong phê duyệt dự án

ThienNhien.Net – Bên lề cuộc giao lưu trực tuyến giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) với người dân và doanh nghiệp (sáng  7-11), Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho biết, Bộ đang hoàn thiện Quy hoạch bảo vệ môi trường, trong đó đặc biệt quan tâm đến các vùng, các dự án nhạy cảm về môi trường.

081116-moitruong1

– PV: Sau sự cố Formosa, vấn đề ô nhiễm môi trường được dư luận đặc biệt quan tâm. Xin ông cho biết trách nhiệm của cơ quan quản lý như thế nào?

Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân: Vấn đề ô nhiễm môi trường gần đây rất nóng và trở thành vấn đề rất cấp bách. Có thể nói đây là hậu quả của cả một thời kỳ tích tụ.

Trong giai đoạn đầu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa chúng ta đã phát triển nóng, đó là một thực tế không thể đổ thừa cho công tác quản lý môi trường. Thứ hai, chúng ta chưa thực sự coi trọng công tác bảo vệ môi trường, ví dụ như trong lựa chọn công nghệ, lựa chọn ngành nghề và lĩnh vực đầu tư.

Thứ ba là quy trình quản lý, trách nhiệm, khi có những lúc, những nơi đặt nhu cầu phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập lên hàng đầu, còn công tác bảo vệ môi trường bị xem nhẹ. Dự án đầu tư thì liên quan đến nhiều bộ, ngành, do đó các Nghị quyết của Đảng cũng như Luật Bảo vệ môi trường đều xác định,  bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị chứ không phải của một ngành, một cấp nào.

Sau những sự cố vừa qua, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác bảo vệ môi trường toàn quốc, đưa ra thông điệp phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, không vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ vấn đề môi trường.

Thủ tướng cũng nêu rõ trong chỉ thị, người đứng đầu ở địa phương phải chịu trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường. “Nóng” ở địa phương nào thì chủ tịch UBND tỉnh, TP đó phải chịu trách nhiệm. Vấn đề quan trọng hiện nay không chỉ ở khẩu hiệu mà phải ở hành động, từ kiểm soát ô nhiễm, phòng ngừa ô nhiễm đến thủ tục phê duyệt các dự án đầu tư.

– Thông điệp của Thủ tướng sẽ được cụ thể hóa như thế nào, thưa ông?

081116-moitruong
Các vùng, các dự án nhạy cảm về môi trường sẽ nằm trong bản đồ bảo vệ môi trường

– Trước hết, không phải bất kỳ dự án đầu tư nào cũng chấp nhận đưa vào đầu tư. Ví dụ những dự án tác động xấu đến môi trường như phá rừng, liên quan đến các khu bảo tồn sinh học… Các dự án nhạy cảm, đặc biệt có nguồn xả thải lớn như sắt thép, dệt nhuộm, sản xuất giấy, hóa chất – phân bón dứt khoát phải xem xét kỹ.

Trong quá trình phê duyệt, việc lựa chọn chủ đầu tư phải quan tâm đến vấn đề công nghệ, không  biến nước ta thành bãi thải công nghiệp. Quy trình xử lý chất thải nói chung phải bài bản, phải thẩm định phê duyệt để đánh giá tác động môi trường. Phải thực hiện chặt chẽ mới phòng ngừa được những sự cố như vừa qua.

Năm 2017, Bộ TN-MT cũng sẽ có Quy hoạch môi trường quốc gia, xác định rõ vùng nào bảo vệ nghiêm ngặt, vùng nào không được làm khu công nghiệp, giúp các địa phương có một bản đồ bảo vệ môi trường trong việc phê duyệt các dự án và xử lý môi trường.

– Có ý kiến cho rằng Bộ TN-MT cấp phép, thẩm định đánh giá tác động môi trường nhưng khi sự cố xảy ra thì địa phương lại phải chịu trách nhiệm, dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm?

– Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đều đã phân định rõ trách nhiệm của từng cấp. Chúng ta làm theo luật chứ không phải Trung ương cấp phép là Trung ương phải quản lý hết. Sự cố xảy ra trên địa bàn xã, thì xã là nơi đầu tiên phải ứng phó. Nếu sự cố thuộc 2 huyện trở lên thì cấp tỉnh phải vào cuộc, từ 2 tỉnh trở lên thì cấp Trung ương phải vào cuộc.

Nguồn: