Trồng rừng FSC ở TT-Huế được đánh giá cao

Với việc đầu tư xây dựng mô hình liên kết giữa các hộ dân có rừng trồng nhỏ lẻ thành diện tích đủ lớn ở TT-Huế, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 7.000ha rừng gỗ lớn, trong đó hơn 4.000ha được cấp Chứng nhận Tiêu chuẩn rừng (FSC).

Mô hình liên kết trong ngành lâm nghiệp này đã được Bộ NN-PTNT đánh giá cao vì mang lại lợi ích kép về kinh tế và môi trường.

Hiệu quả kinh tế cao

Tháng 6/2016, Cty TNHH Scansia Pacific (trụ sở TP Hồ Chí Minh) là DN cung cấp sản phẩm gỗ cho IKEA – nhà phân phối nội thất hàng đầu thế giới, đã chọn TT-Huế để triển khai xây dựng vùng nguyên liệu bằng việc liên kết giữa các hộ dân có rừng trồng nhỏ lẻ thành diện tích đủ lớn nhằm lấy chứng nhận FSC.

Với những chính sách như: Hỗ trợ chi phí để đánh giá và duy trì chứng chỉ FSC trên diện tích 5.000ha; cam kết thu mua gỗ keo có chứng chỉ FSC (đường kính trên 13cm) cao hơn gỗ không có chứng chỉ tại cùng thời điểm từ 15 – 20% tùy theo chất lượng gỗ, và không ép giá khi có thiên tai, rủi ro ảnh hưởng đến rừng keo FSC.

Đối với các hộ dân có rừng keo FSC quyết định tỉa thưa kéo dài tuổi thọ thêm 2 – 3 năm để nuôi cây lớn hơn, công ty sẽ hỗ trợ cho vay 4 triệu đồng/ha/năm.

Để thắt chặt mối liên kết với các hộ trồng rừng, Scansia Pacific đã chủ động phối hợp, hỗ trợ với Hội Chủ rừng phát triển bền vững (FOSDA), Dự án Mây – Tre – Keo bền vững (SBARP) thúc đẩy tiến trình xây dựng mô hình HTX bền vững Hòa Lộc. Ngày 27/4/2018 tại xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế, đã hình thành HTX lâm nghiệp đầu tiên có chứng chỉ FSC.

Ông Thê giới thiệu mô hình trồng rừng cây gỗ lớn mang hiệu quả kinh tế cao của HTX

Ngay từ khi ra đời, HTX lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho người trồng rừng kinh tế, với việc cung ứng giống, chuyển giao kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc đến hoạt động thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Với nhiều năm thực hiện mô hình, đến nay gia đình ông Ngô Đắc Ngự, thành viên của HTX Hòa Lộc đang có gần 20ha rừng gỗ lớn được chứng chỉ FSC. Vừa qua, gia đình ông Ngự đã thu hoạch 5ha trung bình mỗi ha 220 triệu đồng.

“7 – 8 năm thu hoạch từ 220 – 250 triệu đồng/ha, ngoài ra thu thêm tiền gỗ tỉa thưa 40 – 50 triệu đồng/ha. Trồng cây gỗ lớn hiệu quả kinh tế cao, lại giảm chi phí công chăm bón hơn so với trồng cây gỗ nhỏ 5 năm chỉ được 80 – 100 triệu đồng/ha. Gia đình tôi đang tiếp tục mở thêm diện tích rừng trồng”, ông Ngự vui vẻ chia sẻ.

Theo thống kê của ông Hồ Đa Thê, Giám đốc HTX Hòa Lộc: hiện HTX đã có 507ha rừng keo gỗ lớn có chứng chỉ FSC. Tính theo thời gian của chu kì thì hiệu quả kinh tế cao hơn trồng cây gỗ nhỏ khoảng 40 – 50%. Gỗ do công ty Scansia Pacific thu mua giá ổn định.

Cũng theo ông Thê, hiện tại, phần lớn diện tích rừng trồng của thành viên HTX đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn, tuy nhiên mới chỉ có khoảng 35% được công nhận tiêu chuẩn FSC. Vì vậy, HTX đang đẩy mạnh vận động, hỗ trợ các hộ hoàn thiện các tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn FSC, tiến tới đưa 100% diện tích đạt chuẩn quốc tế.

Cùng với đó, HTX tổ chức hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn FSC, tập huấn khâu thu hoạch đảm bảo ATLĐ cho người lao động. Cụ thể, quá trình sử dụng máy móc được HTX quản lý chặt chẽ, người sử dụng được trang bị kiến thức, kỹ thuật nhuần nhuyễn, nắm chắc quy tắc về ATLĐ, có khả năng xử lý tốt nếu có rủi ro về thiết bị.

Lợi ích kép

Ông Võ Văn Dự, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh TT-Huế cho biết, qua thời gian triển khai mô hình trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn theo chứng chỉ FSC đã thu hút nhiều hộ trồng rừng tham gia. Hiện nay, tỉnh đã có 14 chi hội trồng rừng gỗ lớn ở huyện Phú Lộc, A Lưới, TX Hương Trà.

Đến năm 2020, tỉnh TT-Huế phấn đấu phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC lên 6.000ha, nhằm hình thành chuỗi sản phẩm lâm nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.

“Việc trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại lợi ích về mặt giá trị kinh tế mà còn góp phần đáng kể trong hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm tải quá trình sử dụng đất. Qua đó, người dân ý thức được lợi ích cũng như vai trò của mô hình trồng rừng này và đang từng bước từ bỏ phương thức trồng theo lối cũ”, ông Dự cho hay.

Cùng với đó, Sở NN-PTNT tỉnh TT-Huế đang có kế hoạch xây dựng thêm 20ha giống mới, gồm các loài keo lá tràm, keo tai tượng, keo lưỡi liềm; 120ha giống chuyển hóa, chú trọng một số loài cây chủ lực, bản địa, lâu năm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, rừng phòng hộ và đặc dung.